“Siết” việc nhập lậu gia súc qua biên giới để ngăn dịch bệnh

“Siết” việc nhập lậu gia súc qua biên giới để ngăn dịch bệnh lây lan

Nhiều địa phương đã xuất hiện một số ổ dịch lở mồm long móng do việc nhập lậu các loại gia súc qua biên giới đã bị mắc bệnh hoặc vận chuyển gia súc từ vùng có ổ dịch cũ ở trong nước.
“Siết” việc nhập lậu gia súc qua biên giới để ngăn dịch bệnh lây lan ảnh 1Tiêu hủy lợn bị mắc bệnh lở mồm long móng ở Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương đã xuất hiện một số ổ dịch lở mồm long móng gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nguyên nhân phát sinh các ổ dịch chủ yếu là do nhập lậu lợn nái loại thải qua biên giới đã bị mắc bệnh lở mồm long móng hoặc vận chuyển gia súc từ vùng có ổ dịch lở mồm long móng cũ ở trong nước.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã ban hành Công điện khẩn số 2144/CĐ-BNN-TY về việc phòng chống dịch lở mồm long móng và ngăn chặn việc nhập lậu gia súc qua biên giới.

Nội dung Công điện nêu rõ, các địa phương khu vực biên giới tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương (biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường, thanh tra giao thông) phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y trên địa bàn triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa triệt để các hoạt động nhập lậu động vật, sản phẩm động vật.

Cùng với đó, các đơn vị cơ sở cần tổ chức tuyên truyền, vận động cư dân biên giới không mua động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, đặc biệt là không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

Mặt khác, các địa phương cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật theo quy định đồng thời có biện pháp xử lý tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật nhập lậu trái phép qua biên giới theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nêu rõ, việc tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng cho đàn gia súc tại một số địa phương chưa được đảm bảo do tập quán nuôi thả rông gia súc của người dân; việc người dân tự mua bán, giết mổ gia súc để tiêu thụ hoặc làm quà tặng trong dịp Tết Ất Mùi và các lễ hội đầu năm là khá phổ biến, tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát tán. Ngoài ra, thời tiết lạnh kết hợp với mưa phùn, độ ẩm cao cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và lây lan.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch lở mồm long móng tại một địa phương trong nước và một số nước, nhiều tồn tại nêu trên chưa được khắc phục triệt để, do vậy nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xâm nhập, phát tán và lây lan là rất cao…” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát kết quả tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn đang có ổ dịch lở mồm long móng, nơi có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao; khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng đợt 1/2015 và tiêm phòng bổ sung, không để dịch lở mồm long móng phát sinh hoặc lây lan./.

Tính đến ngày 16/3, cả nước có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày xảy ra tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát-tỉnh Lào Cai và xã Đức Vân, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục