SK hynix điều tra việc chip nhớ được sử dụng trong smartphone Huawei

Phó Chủ tịch SK hynix cho biết công ty này không còn hợp tác kinh doanh với Huawei kể từ khi Mỹ ban hành các hạn chế đối với tập đoàn công nghệ của Trung Quốc.
SK hynix điều tra việc chip nhớ được sử dụng trong smartphone Huawei ảnh 1Chip nhớ của SK hynix. (Ảnh: Reuters)

Phó Chủ tịch Tập đoàn Bán dẫn SK Hynix của Hàn Quốc, ông Park Jung-ho, vừa cho biết công ty đã ngừng hoạt động kinh doanh với tập đoàn Huawei của Trung Quốc, sau khi Mỹ ban lệnh trừng phạt về chip nhằm vào doanh nghiệp này hồi năm 2020. Vì thế, SK Hynix không còn cung cấp các sản phẩm bán dẫn cho Huawei nữa.

Thông tin được ông Park đưa ra sau khi có tin nhiều linh kiện điện tử do SK Hynix sản xuất đã được dùng trên những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) Mate 60 Pro đầu bảng của Huawei. Cụ thể, nhiều video, bài viết "mổ xẻ" chiếc Mate 60 Pro cho thấy smartphone mới này dùng bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (DRAM) LPDDR5 và bộ nhớ flash (NAND Flash) do SK Hynix sản xuất.

Điều này đã đặt ra câu hỏi về sự liên quan của công ty Hàn Quốc với Huawei, doanh nghiệp đang bị Mỹ trừng phạt. Tuần trước, SK Hynix đã phải mở một cuộc điều tra nội bộ về vụ việc.

Bộ nhớ LPDDR5 dành cho thiết bị di động được SK Hynix công bố vào tháng 1/2020. Tháng 3/2021, công ty thông báo đã bắt đầu việc sản xuất hàng loạt các bộ nhớ này với dung lượng 18 GB.

Tin tức về việc chip nhớ của SK Hynix được sử dụng trong smartphone của Huawei đã lập tức tác động đến cổ phiếu của công ty. Mã cổ phiếu của SK Hynix đã giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 8/9, không lâu sau khi thông tin xuất hiện.

SK Hynix sớm có động thái xử lý sự cố bằng việc ra thông báo chính thức rằng công ty "không hề biết trước" về việc chip nhớ của mình đang được sử dụng trong điện thoại thông minh mới nhất của Huawei.

Việc chiếc điện thoại thông minh của Huawei dùng bộ nhớ LPDDR5 và chip nhớ NAND do Hynix sản xuất là một ngoại lệ đặc biệt, khi nhiều thành phần của điện thoại này vốn do các nhà cung cấp từ Trung Quốc đảm nhiệm thực hiện. Hiện chưa rõ Huawei đã mua các chip nhớ này bằng cách nào, do Mỹ áp đặt nhiều hạn chế thương mại lên gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

[Bước đột phá về chip của Trung Quốc trên mẫu điện thoại của Huawei]

SK Hynix sản xuất một phần đáng kể lượng bộ nhớ DRAM cung cấp cho thị trường toàn cầu thông qua các cơ sở đặt ở Trung Quốc. Một kịch bản hợp lý là Huawei có thể đã tiếp cận, mua linh kiện của SK Hynix từ năm 2020 dưới dạng dự trữ.

Từ năm 2019, Mỹ đã hạn chế quyền tiếp cận của Huawei vào các công cụ sản xuất chip cần thiết để sản xuất những mẫu điện thoại tiên tiến nhất, khiến tập đoàn khi đó chỉ có thể tung ra các mẫu điện thoại 5G với số lượng hạn chế dựa trên lượng chip dự trữ từ trước.

Tuy nhiên, các công ty nghiên cứu hồi tháng Bảy vừa qua nhận định Huawei đang có kế hoạch quay trở lại ngành sản xuất smartphone 5G vào cuối năm nay với những tiến bộ của riêng họ trong phát triển các công cụ thiết kế chất bán dẫn kết hợp với khả năng sản xuất chip của SMIC - nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc.

Huawei và SMIC đã hợp tác chế tạo bộ vi xử lý 7nm tiên tiến dùng trong các mẫu smartphone Mate 60 Pro mới nhất. Con chip xử lý này mang tên Kirin 9000s, được SMIC sản xuất tại Trung Quốc, bằng công nghệ tự nghiên cứu phát triển.

Nhiều reviewer ở Trung Quốc đã đăng tải video trải nghiệm sản phẩm, cho thấy Mate 60 Pro hoạt động rất mượt mà. Các ứng dụng nặng nhẹ khác nhau đều được chip xử lý giải quyết tốt và đặc biệt nhiệt độ cho ra không quá cao.

Theo TechInsights, chip Kirin 9000s là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang đạt được một số bước tiến trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái chip trong nước.

Tại hội nghị nhà phát triển hàng năm tổ chức hồi đầu tháng Tám, Huawei cũng tiết lộ số lượng thiết bị được trang bị hệ điều hành điện thoại HarmonyOS do công ty phát triển đã vượt mốc 700 triệu thiết bị.

HarmonyOS, hay Hongmeng trong tiếng Trung, là một hệ điều hành mã nguồn mở được Huawei thiết kế cho nhiều thiết bị khác nhau. Hệ điều hành này được ra mắt lần đầu tiên vào tháng 8/2019 và chính thức phát hành vào ngày 2/6/2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục