Số ca nhiễm mới ở Ai Cập tăng kỷ lục, COVID-19 lan rộng ở Algeria

Bộ Y tế Ai Cập xác nhận có thêm 189 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 và 11 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 3.333 và 250.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 ở Cairo, Ai Cập. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 ở Cairo, Ai Cập. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tính đến 10 giờ sáng 21/4 (theo giờ Việt Nam), theo worldometers, khu vực châu Phi đã có tổng cộng 24.171 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19, trong đó có 1.164 ca tử vong.

Ai Cập ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục trong ngày

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ Y tế Ai Cập ngày 20/4 xác nhận có thêm 189 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 11 ca tử vong do căn bệnh này, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 3.333 và 250.

Đây là ngày ghi nhận các ca nhiễm bệnh cao kỷ lục tại Ai Cập, kể từ khi quốc gia Bắc Phi phát hiện trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 hồi giữa tháng 2 vừa qua.

Cố vấn các vấn đề y tế của Tổng thống Ai Cập, ông Awad Tag El Din khẳng định biểu đồ nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này vẫn trong phạm vi dự đoán, đồng thời có mối tương quan tích cực giữa các ca nhiễm bệnh và tử vong.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Extra News, ông Tag El Din cho rằng cách thức điều trị COVID-19 tại Ai Cập là một trong những phương pháp hiệu quả nhất.

Ai Cập đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan của Nhật Bản để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

[Dịch bệnh COVID-19: Thế giới có gần 2,5 triệu người nhiễm]

Chuyên gia này hy vọng phác đồ điều trị cho các bệnh nhân với loại thuốc thử nghiệm này sẽ thành công.

Bên cạnh đó, ông Tag El Din kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, nhấn mạnh quyết định của Chính phủ Ai Cập nhằm kiểm soát tình trạng tụ tập đông người và bảo vệ mạng tính mạng của chính người dân nước này.

Nam Phi ghi nhận thêm 142 ca nhiễm trong 24 giờ qua

Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn thông báo của Bộ Y tế cho biết đã có 3.300 ca mắc COVID-19 tại nước này sau khi ghi nhận thêm 142 ca nhiễm trong 24 giờ qua.

Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao thứ 3 kể từ khi Nam Phi thông báo trường hợp đầu tiên hôm 5/3.

Cũng trong ngày 20/4, Nam Phi ghi nhận thêm 4 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 58.

Một điểm tích cực trong 24 giờ qua đó là có thêm 165 ca hồi phục, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 1.055. 
Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi đã hoàn tất xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 121.510 người.

Số ca nhiễm mới ở Ai Cập tăng kỷ lục, COVID-19 lan rộng ở Algeria ảnh 1Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cùng ngày, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo chính phủ sẽ tăng điều khoản phúc lợi nhằm hỗ trợ các hộ gia đình nghèo bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo đó, trong tuần này, chính phủ sẽ công bố các biện pháp hỗ trợ để bảo vệ người dân khỏi nạn đói trong đó bao gồm việc hỗ trợ lương thực khẩn cấp.

Algeria: COVID-19 lây lan 47/48 tỉnh, thành

Tại Algeria, Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của đại dịch COVID-19 cho biết tính đến chiều 20/4 theo giờ địa phương, nước này đã ghi nhận thêm 89 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 9 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại đây lên 2.718, trong đó có 384 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, người phát ngôn của ủy ban trên, ông Djamel Fourar cho biết hiện dịch bệnh đã lây lan đến 47/48 tỉnh, thành phố của Algeria.

Các địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất gồm Blida, Algiers, Oran và Tizi Ouzou.

Cũng theo ông Fourar, số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Algeria được chữa khỏi đã tăng thêm 153 trường hợp, lên 1.099 người.

Algeria hiện đứng thứ 4 ở châu Phi về số ca mắc COVID-19, sau Ai Cập, Nam Phi và Maroc nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục, với tỷ lệ trên 14%.

Thêm một bang tại Nigeria áp đặt lệnh giới nghiêm

Chính quyền bang Borno, miền Đông Bắc Nigeria, đã áp đặt lệnh giới nghiêm sau khi một y tá của tổ chức từ thiện Bác sỹ không biên giới (MSF) tử vong do mắc COVID-19.

Đây là trường hợp đầu tiên tử vong vì COVID-19 ở bang Borno. Điều này làm dấy lên những lo ngại về khả năng dịch bệnh sẽ bùng phát trên diện rộng.

Hiện khoảng 2 triệu người dân của bang đang phải rời bỏ nhà cửa, chạy trốn bạo lực do các hoạt động khủng bố của nhóm cực đoan Boko Haram.

Người tị nạn phải sinh sống trong những trại tập trung đông đúc ở lưu vực Hồ Chad, với điều kiện vệ sinh không đảm bảo - một trong những nguyên nhân cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan.

Ông Babagana Umara, Thống đốc bang Borno, cho biết lệnh giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực từ 22 giờ 30 ngày 22/4 (theo giờ địa phương) và kéo dài trong vòng 14 ngày. Tất cả người dân tại đây được yêu cầu ở trong nhà.

Trong khi đó, MSF khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xác định những người đã tiếp xúc với trường hợp y tá tử vong nói trên, đồng thời tăng cường các biện pháp để bảo đảm an toàn cho nhân viên và bệnh nhân của tổ chức này.

Hiện Nigeria ghi nhận tổng cộng 627 ca mắc COVID-19, trong đó có 21 ca tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định số người nhiễm bệnh trên thực tế còn lớn hơn như vậy.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục