Sổ đỏ cho nhà thu nhập thấp: Chậm vì lình xình “mối quan hệ tay ba”

Qua nhiều năm triển khai xây dựng, nhiều căn hộ đã được chủ đầu tư “trao quyền” sử dụng, thế nhưng, đến nay phần lớn các dự án nhà thu nhập thấp vẫn chưa được cấp sổ đỏ, khiến chủ căn hộ ngậm ngùi.
Sổ đỏ cho nhà thu nhập thấp: Chậm vì lình xình “mối quan hệ tay ba” ảnh 1Một góc dự án nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá - giai đoạn 2 tại huyện Gia Lâm. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người có thu nhập thấp, Hà Nội đã quyết định “mở cửa,” cho phép hàng loạt “đại gia” đầu tư vào các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn. Đến nay, nhiều căn hộ đã được đưa vào sử dụng, thế nhưng hầu hết các dự án nhà thu nhập thấp vẫn chưa được cấp sổ đỏ, khiến chủ căn hộ ngậm ngùi.

Còng lưng mua nhà thu nhập thấp

Là dự án nhà thu nhập thấp thí điểm, triển khai đầu tiên của thành phố Hà Nội và bàn giao sớm nhất trên cả nước, toàn bộ 328 căn hộ của Khu nhà CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2011. Thế nhưng, đến nay các căn hộ tại đây vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Cùng “ôm mộng” nhà thu nhập thấp, cư dân tại các dự án Đặng Xá I, Đặng Xá II (huyện Gia Lâm), Kiến Hưng (quận Hà Đông), Sài Đồng (quận Long Biên), Đại Mỗ và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) hiện cũng đang phải ngậm ngùi chờ sổ đỏ, dù rằng họ đã phải còng lưng xoay tiền đóng cho chủ đầu tư.

Điều đáng quan tâm là, nếu như những hộ dân mua nhà thu nhập thấp Đặng Xá II và Tây Mỗ được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi 5 - 6% của gói 30.000 tỷ đồng, được giảm thuế VAT xuống còn 5% thì những hộ dân tại các dự án nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, Đặng Xá I, Kiến Hưng, Sài Đồng, Đại Mỗ lại cảm thấy ngậm ngùi vì các dự án này mở bán khi chưa có chính sách ưu đãi dành cho người có thu nhập thấp. Chính vì thế, các hộ dân "tự xoay tiền” lại càng mong sớm có sổ đỏ để giải quyết những khó khăn về tài chính.

Trường hợp chị N.T.N, một cư dân ở nhà thu nhập thấp Đại Mỗ (Từ Liêm) là ví dụ. Sinh sống ở Hà Nội hơn 10 năm nhưng chị ​N, giáo viên của một trường mầm non trên địa bàn Hà Nội vẫn phải đi thuê nhà trọ ở tạm, một mình nuôi con nhỏ.

Đầu năm 2012, nghe thông tin về nhà thu nhập thấp, chị N đã đến tận dự án nhà thu nhập thấp Đại Mỗ tìm hiểu rồi quyết định mua một căn nhà rộng gần 60m2 với tổng số tiền 860 triệu đồng. Thời điểm đó trong tay chị N chỉ có vỏn vẹn 20 triệu đồng.

Để có tiền mua nhà, chị N quyết định về quê động viên bộ mẹ cầm sổ đỏ, vay ngân hàng 450 triệu đồng với lãi suất 17,5% để đóng cho đợt 1, đợt 2. Chưa kịp thở, đến tháng 2/2013, chủ đầu tư lại thúc đóng gần 200 triệu đồng cho đợt ba.

"Hồi đó gia đình mình dường như kiệt quệ tiền bạc, may được bạn bè cho vay 50 triệu đồng. Có thêm động lực, mình cố chạy vay được hơn 50 triệu đồng. Thế nhưng vẫn không đủ, nên đành phải làm đơn gửi chủ đầu tư xin nợ số tiền còn lại để đóng đợt 3, rồi khất nợ đợt 4 đến tận bây giờ,” chị kể.

Cùng cảnh còng lưng mua nhà thu nhập thấp, anh N.T.T, một cư dân sống ở nhà thu nhập thấp Đại Mỗ, cho biết anh chuyển về nhà mới từ tháng 1/2013, nhưng hiện nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Thời điểm mua nhà, anh T chỉ có 200 triệu đồng, trong khi căn hộ rao bán với giá hơn 900 triệu đồng.

Tiền mặt ít ỏi, đã thế anh T còn phải đóng tiền vào tháng 12/2011, đúng vào giai đoạn các ngân hàng siết chặt vay vốn, nên phải vay bên ngoài với lãi suất lên tới 23-25%.

“Đến giờ, mình vẫn còn 'ôm' khoản nợ hơn 500 triệu đồng, trong khi hai vợ chồng phải chắt góp mọi nguồn thu để trả lãi 6 triệu đồng/tháng. Giá mà, căn hộ được cấp sổ đỏ, được ngân hàng tạo điều kiện vay vốn, có lẽ lãi suất sẽ bớt đi,” anh T nói.

Sổ đỏ cho nhà thu nhập thấp: Chậm vì lình xình “mối quan hệ tay ba” ảnh 2Một khu dự án nhà thu nhập thấp. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cần tách mối quan hệ tay ba thành 3 mối quan hệ tay đôi

Trao đổi với báo chí, mặc dù lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường từng khẳng định, chỉ cần người mua nhà thu nhập thấp nhận được biên bản bàn giao nhà từ chủ đầu tư là có thể được làm thủ tục cấp sổ đỏ. Thậm chí, người mua nhà có thể rút hồ sơ từ chủ đầu tư để tự làm sổ đỏ. Thế nhưng, tại các dự án nhà thu nhập thấp, mọi việc lại không đơn giản.

Chị N.T.N, một cư dân ở nhà thu nhập thấp Đại Mỗ (Từ Liêm) cho biết, chị đã chuyển đến căn hộ ở từ tháng 3/2013. Thế nhưng, đến nay chị vẫn chưa nhận được thông tin về sổ đỏ. Nguyên nhân là chị đang nợ tiền chủ đầu tư, nên chưa được bàn giao biên bản bàn giao nhà. "Mà đã không có biên bản bàn giao nhà thì chuyện đi làm thủ tục cấp sổ đỏ là không thể," chị N nói.

Cũng như chị N, chị N.T.H, cư dân thuộc một dự án nhà thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội, cho biết, hiện nay căn hộ chị ở đang tính giá tạm thu. Dự án cũng chưa chuyển mục đích sử dụng, nên dù chủ đầu tư đã tiến hành nhận hồ sơ từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về cấp sổ đỏ.

Theo nhận định của các chuyên gia, có nhiều lý do khiến người dân chưa được cấp sổ đỏ, chủ yếu là do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, sai so với giấy phép xây dựng, chủ đầu tư thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, thay đổi hệ số sử dụng đất, quy mô công trình, nên chiểu theo quy định hiện hành thì chưa thể cấp sổ đỏ cho người mua nhà.

Trong khi đó, Điều 35, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quy định: Để cấp sổ đỏ cho các cư dân mua nhà thu nhập thấp, chủ đầu tư phải quyết toán xong với các sở, ngành, đưa ra giá bán nhà chính thức; cơ quan chức năng phải giúp chủ đầu tư đẩy nhanh thủ tục. Ngoài ra, việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân phải tách ra khỏi những sai phạm của chủ đầu tư, có sự tháo gỡ từ cơ quan Nhà nước.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên VietnamPlus, mặc dù hàng ngàn căn hộ tại các dự án nhà thu nhập thấp bàn giao cho khách hàng đã lâu, nhưng hiện nay mới chỉ có dự án CT1 Ngô Thì Nhậm có giá chính thức, đã quyết toán xong với các sở, ngành.

Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai, chủ đầu tư dự án CT1 Ngô Thì Nhậm, cho biết: “Hiện nay, dự án đã xong các thủ tục, tuy nhiên việc này vẫn đang chờ ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiến hành thủ tục cấp sổ đỏ cho toàn bộ các căn hộ trong tòa nhà."

Thế nhưng, cùng một chủ đầu tư Vinaconex Xuân Mai, nhưng dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng vẫn đang giá tạm tính, chưa quyết toán xong, dù các căn hộ đưa vào sử dụng gần 3 năm. “Với trường hợp này, bây giờ chúng tôi vẫn đang phải làm thủ thục quyết toán, kiểm toán, phê duyệt giá bán chính thức, xong mới có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, cấp sổ đỏ cho cư dân,” ông Đa nói.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, từ góc độ chuyên gia, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hiện nay cái vướng là quy trình cấp sổ đỏ cho người có căn hộ ở trong khu chung cư. Cái rõ nhất là, hiện nay cơ quan quản lý vẫn đang giao cho chủ đầu tư "cái quyền" đi làm sổ đỏ, mà đã giao cho chủ đầu tư thì sẽ nảy sinh đủ thứ phiền phức.

Theo ông Võ, để có thể thúc đẩy quá trình cấp sổ đỏ thì Nhà nước cần có cơ chế thống nhất là tạo điều kiện cho chủ căn hộ có thể tự đi làm sổ đỏ. Đây là việc làm giữa Nhà nước và chủ căn hộ, đừng lẫn với nghĩa vụ của chủ đầu tư. “Nếu lấn cái này thì chúng ta sẽ biến 3 mối quan hệ tay đôi thành một mối quan hệ tay ba, gây mâu thuẫn và đùn đẩy trách nhiệm.”

​Hiện nay​,việc cấp sổ đỏ cho nhà thu nhập thấp vẫn còn lình xình, chậm chạp. Vì thế, ông Võ kiến nghị cần phải tách mối quan hệ tay ba thành 3 mối quan hệ tay đôi. Tức là, chủ căn hộ với chủ đầu tư; chủ đầu tư - nhà nước; chủ căn hộ - nhà nước. Tuy nhiên, khi đã tách được các mối quan hệ thì nhà nước cũng cần phải giám sát đối với mối quan hệ giữa chủ đầu tư với chủ căn hộ.

“Thực tế, trong thời gian qua, chủ đầu tư vẫn còn lình xình, chậm chạp trong việc thanh lý hợp đồng rồi ký xác nhận đã bàn giao căn hộ cho người sử dụng. Mà nếu không có giấy xác nhận bàn giao nhà, thì chủ căn hộ sẽ không đủ điều kiện để đi làm sổ đỏ.

Do vậy, trong việc này, nhà nước dù đứng ngoài mối quan hệ nhưng cũng phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, cũng như 'thúc' chủ đầu tư đẩy nhanh các thủ tục quyết toán, bàn giao nhà, chứ không thể để chủ căn hộ phải ngậm ngùi chờ đợi sổ đỏ được,” ông Võ khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục