Số hoá hồ sơ chính sách để không thất thoát, không chi nhầm đối tượng

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị nguồn lực để chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm, xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo cung cầu thị trường lao động, số hoá trong quản lý hồ sơ đối tượng...
(Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
(Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong năm 2022 phải quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong quản lý các đối tượng chính sách để đảm bảo việc chi trả các chính sách không thất thoát, không nhầm đối tượng.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 12/1.

Chính sách an sinh xã hội "thần tốc"

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ năm 2021, cả nước trải qua một năm khó khăn rất lớn do tác động, ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Ước tính số người bị mất việc làm trong năm 2021, đặc biệt là từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 chiếm khoảng 5% lực lượng lao động, có 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên.

“Đây là một mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động. Trong bối cảnh đó, an sinh xã hội cùng với phòng, chống dịch và phát triển kinh tế là ba trụ cột chính để phát triển kinh tế-xã hội,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh

Để chăm lo trực tiếp cho công tác an sinh xã hội trong một năm khó khăn đặc biệt, ông Dung cho biết bộ đã chủ động, quyết liệt và linh hoạt phối hợp với các bộ, ngành tham mưu để các cấp lãnh đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ như Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 và Nghị quyết số 116, Quyết định số 28 của Chính phủ. Từ đó, nhiều giải pháp, gói hỗ trợ đã kịp thời được ban hành hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.

Chỉ trong thời gian vài tháng, với điều kiện rất khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, việc thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, dư luận xã hội, người lao động, chủ sử dụng lao động đồng tình cao. Gần 71.500 tỷ đồng kinh phí đã được chi để thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 742.000 lượt người sử dụng lao động và trên 42,8 triệu lượt người lao động, các đối tượng khác.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã ra đời một cách "thần tốc." Chính sách thể hiện sự chia sẻ của nhà nước với người khó khăn, chống đứt gãy thị trường lao động, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mời, phát huy ý nghĩa bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa, điểm nâng đỡ với người lao động. 

"Đến nay, cả 2 Nghị quyết 68 và 116 đều đã thực hiện đạt và vượt kết hoạch đề ra. Nghị quyết 68 ban đầu xác định giá trị 26.000 tỷ đồng, thực tế đã thực hiện với mức 33.000 tỷ đồng. Nghị quyết 116  trị giá 38.000 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành 100% mục tiêu. Các chính sách đã triển khai với nguồn lực tuy chưa thật lớn, song đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, các địa bàn tăng trưởng trọng điểm vượt qua giai đoạn khó khăn," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.

[Dành trên 71.400 tỷ đồng thực hiện các gói an sinh xã hội năm 2021]

Trong năm 2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội còn tham mưu ban hành nhiều chính sách như: 2 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công;  Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2030; Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng...

Chuyển đối số trong chi trả chính sách

Đánh giá về hoạt động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định bộ có nhiều đổi mới, bằng chứng là việc đã kịp thời tham mưu 2 Nghị quyết 68 và 116, một mặt chặt chẽ không để thất thoát nhưng mặt khác lại dễ tiếp cận hơn so với Nghị quyết 42 ban hành năm 2020.

Số hoá hồ sơ chính sách để không thất thoát, không chi nhầm đối tượng ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị . (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong những năm gần đây nhưng Phó Thủ tướng cho rằng chuyển đối số vẫn là vấn đề mà bộ cần chú trọng trong năm 2022, đặc biệt là việc số hoá các đối tượng chính sách mà bộ đang quản lý. Nếu số hoá hoàn toàn việc quản lý các đối tượng và chi trả hỗ trợ qua ngân hàng, bưu điện… thì việc thực hiện chính sách sẽ hiệu quả hơn.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ sở dữ liệu của dân cư của Bộ Công an, tức là tất cả mọi người dân Việt Nam có mã số định danh. Các thông tin liên quan đến người dân chỉ cần thêm các trường thông tin thuộc trách nhiệm quản lý của ngành vào là có thể quản lý và thực hiện tất cả các dịch vụ. Khi đó, dịch vụ chi trả trợ cấp hay hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng sẽ vừa nhanh mà vừa chống được thất thoát, ngành lao động cũng sẽ thực hiện tốt hơn việc giám sát, thanh tra.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nếu quyết tâm thì ngành Lao động-Thương binh và Xã hội có thể chuyển đổi số nhanh nhất, bởi ngành có hệ thống thủ tục đã chuẩn nếu ứng dụng công nghệ thông tin thì tốc độ cải cách hành chính sẽ nhanh. Việc chuyển đối số còn rất quan trọng khi mà việc thực hiện chi trả qua bảo hiểm, qua ngân sách Nhà nước của ngành hàng năm rất lớn.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận đối tượng quản lý của ngành đa dạng với hơn 55 triệu lao động, 9,8 triệu người có công, 3 triệu người bảo trợ xã hội, hơn 20 triệu người nghèo... Do đó, mỗi công việc của ngành làm tốt thì ảnh hưởng tốt đến xã hội nhưng mỗi chủ trương, chính sách ra đời không hợp lòng dân thì sự phản ứng xã hội rất lớn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đến thời điểm này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đủ điều kiện về nhân lực, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số.

“Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị nguồn lực để chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm, xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo cung cầu thị trường lao động... Trong năm 2022, bộ sẽ tập trung cao độ nhất để thực sự chuyển biến về chuyển đối số trong toàn ngành, xây dựng các trường dữ liệu hồ sơ để kết nối, liên thông sử dụng trong triển khai các chính sách,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục