Sốc trước tin hàng ngàn trẻ em Mỹ phải đi cấp cứu do uống chất melatonin

Số trẻ em dùng melatonin lúc cha mẹ hoặc người giữ trẻ không để ý đã gia tăng một cách đáng giật mình, mà hậu quả thường là phải đưa trẻ tới phòng cấp cứu và trung tâm chống độc.

Melatonin được bán dưới dạng viên thuốc hoặc kẹo dẻo. (Nguồn: Getty images)
Melatonin được bán dưới dạng viên thuốc hoặc kẹo dẻo. (Nguồn: Getty images)

Các sản phẩm có chứa chất melatonin đang ngày càng được nhiều người lớn ở Mỹ ưa chuộng. Tuy nhiên chúng lại mang tới một tác động ít người mong muốn: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 11.000 em nhỏ đã phải nhập viện cấp cứu trong những năm gần đây sau do uống sản phẩm có chứa chất này mà không được người lớn giám sát.

Theo trang tin CNN, melatonin là một loại hormone tiết ra từ não để phản ứng với bóng tối và điều chỉnh chu kỳ ngủ tự nhiên của cơ thể, hay còn gọi là nhịp sinh học.

Các chất bổ sung melatonin, thường được bán dưới dạng kẹo dẻo pha hương vị nhân tạo, sẽ giúp người ta trị chứng khó ngủ do lệch múi giờ. Người mắc chứng rối loạn giấc ngủ do phải làm việc theo ca kíp cũng sử dụng sản phẩm này để có thể sinh hoạt bình thường.

Tuy nhiên trẻ em có thể nhận lấy những tác động có hại, nếu vô tình sử dụng các sản phẩm này mà không được sự giám sát của người lớn. CNN trích dẫn báo cáo, vừa được CDC và Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ (USCPSC) thực hiện, cho thấy có nhiều trường hợp liên quan đến trẻ em từ 5 tuổi trở xuống đã phải đi cấp cứu trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022, do uống phải melatonin.

Dựa trên gần 300 trường hợp đã được xác định là có thực, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có tới 10.930 ca cấp cứu với đối tượng là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đã xảy ra trong khoảng thời gian nêu trên, chiếm khoảng 7% tổng số ca cấp cứu ở Mỹ.

Hơn một nửa số trường hợp vô tình nuốt phải melatonin có liên quan đến trẻ em từ 3 đến 5 tuổi và phần lớn các trường hợp này không liên quan đến việc phải dùng thuốc để điều trị chứng khó ngủ. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng kẹo dẻo chứa melatonin có liên quan đến gần 5.000 trường hợp phải đi cấp cứu.

Melatonin là một chất bổ sung và hiện không chịu sự quản lý của CDC. Một nghiên cứu mới được công bố trên tuần báo khoa học JAMA cho thấy 25 sản phẩm được dán nhãn kẹo dẻo melatonin thực tế có chứa hàm lượng hormone cao nguy hiểm. Một số sản phẩm khác lại không chứa melatonin và chỉ chứa các chất cannabidiol hoặc CBD.

Các nhà nghiên cứu của CDC đánh giá rằng việc có "những khác biệt về thành phần hoặc hàm lượng chất sẽ thể gây thêm rủi ro” cho trẻ em. CDC cũng lưu ý rằng lượng người lớn ở Mỹ dùng melatonin đã tăng vọt kể từ đầu những năm 2000. Sự gia tăng này trùng hợp với hiện tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ uống melatonin phải đi cấp cứu đã tăng tới 420% trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2020.

Con số nêu trên cho thấy cần tiếp tục hướng dẫn các bậc phụ huynh và bảo mẫu về tầm quan trọng của việc cất giữ thuốc men và thực phẩm bổ sung đúng nơi quy định, xa tầm tay và tầm mắt của trẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục