Sôi động thị trường tiêu dùng ngày tiễn Táo quân về trời

Do người dân mua sắm nhiều mặt hàng phục vụ cho ngày tiễn Táo quân về trời, nên thị trường tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra với không khí bán buôn sôi động hơn ngày thường.
Sôi động thị trường tiêu dùng ngày tiễn Táo quân về trời ảnh 1Một mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Sáng 4/2 (ngày 23 tháng Chạp), thị trường tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra với không khí bán buôn sôi động hơn ngày thường, do người dân mua sắm nhiều mặt hàng phục vụ cho ngày tiễn Táo quân về trời.

Có những ngành hàng như thực phẩm, trái cây, hoa tươi cắt cành... có sức mua tăng gấp hai và ba lần so với ngày thường.

Ông Thành An, tiểu thương chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay theo phong tục truyền thống của người Việt, người dân phổ biến đưa tiễn ông Công, ông Táo vào buổi sáng hoặc trong ngày 23 tháng Chạp nên có nhu cầu đi chợ sớm. Bên cạnh đó, những người dân làm việc theo giờ hành chính cũng có nhu cầu đi chợ trước giờ bắt đầu ngày làm việc để mua sắm đầy đủ vật phẩm.

[Lễ cúng ông Công, ông Táo - khởi đầu Tết Cả lớn nhất trong năm]

Tương tự, chị Minh Anh, tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nếu ngày thường chủ yếu chỉ bán xôi các loại thì hôm nay đã chuẩn bị thêm nguồn cung 200 viên chè trôi nước và tăng gấp đôi lượng xôi gấc so với ngày thường. Tuy nhiên, mới hơn 8 giờ sáng thì cả chè trôi nước và xôi gấc đều hết mà khách hàng vẫn hỏi mua.

Ghi nhận thực tế tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, mặt hàng chè trôi nước được bán với giá dao động từ 6.000-10.000 đồng/viên.

Ngoài ra, người dân có thể mua theo suất 3 viên với giá khoảng 20.000 đồng/sản phẩm; 50.000 đồng/sản phẩm...

Đặc biệt, nét độc đáo của chè trôi nước ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam thường được kèm theo hạt mè và nước cốt dừa.

Tương tự, đối với mặt hàng xôi thì người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh ưa chuộng xôi gấc, xôi vò, xôi vị, xôi 7 màu, cơm rượu, nếp cẩm... tùy theo văn hóa vùng miền mà người tiêu dùng chọn mua sản phẩm phù hợp.

Để thuận tiện và hấp dẫn khách hàng, hầu hết đơn vị kinh doanh đều tung ra sản phẩm theo khuôn mẫu có in hình chữ "Phúc," "Lộc" hoặc những họa tiết may mắn, cầu an...

Không kém phần sôi động so với những ngày hàng khác, khu vực kinh doanh thủy hải sản tại các chợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng rực rỡ màu sắc đỏ của những con cá chép đa dạng kích cỡ, chủng loại. Tất cả tiểu thương đều tận dụng cơ hội tăng doanh số trong ngày ông Công, ông Táo nên cá chép được bày bán với nguồn cung dồi dào.

Điển hình, cá chép có kích cỡ thuộc loại trung có giá bán phổ biến 50.000 đồng/con; cá chép nhỏ 50.000 đồng/3 con. Riêng cá chép có kích cỡ thuộc loại lớn thì không được kinh doanh nhiều trên thị trường do sức mua những năm trước yếu nên tiểu thương hạn chế nhập chợ.

Sôi động thị trường tiêu dùng ngày tiễn Táo quân về trời ảnh 2Cá chép đỏ tại chợ. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Còn khu vực trái cây, hoa tươi cắt cành tại nhiều chợ bán lẻ cũng có sức mau tăng cao hơn ngày thường. Điển hình, ở ngành hàng trái cây thì những sản phẩm bán đắt hàng có thể kể đến là quýt đường với giá dao động từ 30.000-45.000 đồng/kg; quýt thái 20.000 đồng/kg; xoài cát hòa lộc 70.000-110.000 đồng/kg; thanh long 20.000 đồng/kg; nhãn xuồng 50.000 đồng/kg...

Riêng ở ngành hoa tươi cắt cành sức mua dẫn đầu là hoa vạn thọ với giá 10.000-25.000 đồng/cây; tiếp theo là hoa cúc các loại 15.000-35.000 đồng/bó; hoa đồng tiền 5.000 đồng/cành; hoa ly ly 15.000-250.000 đồng/bó...

Trong ngày ông Công, ông Táo không thể không kể đến mặt hàng kẹo thèo lèo (kẹo lạc) và giấy tiền vàng mã.

Những mặt hàng này, cũng được đơn vị kinh doanh đóng gói theo trọng lượng hoặc mức giá để bán; trong đó, mặt hàng kẹo thèo lèo có giá bán phổ biến từ 10.000-25.000 đồng/gói; còn giấy tiền vàng mã khoảng 10.000 đồng/gói.

Liên quan đến mặt hàng giấy tiền vàng mã, chị Ánh Nguyệt, tiểu thương chợ Hòa Hưng, Quận 10 chia sẻ trong những năm gần đây, người dân ngày càng ý thức về việc mua sắm và tiêu dùng giấy tiền vàng mã, nên sức mua cũng có xu hướng giảm dần qua từng năm. Vì vậy, nhiều tiểu thương chủ động kinh doanh sản phẩm đóng gói nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, riêng đối với khách hàng có yêu cầu đặc biệt thì có thể mua thêm những sản phẩm như mô hình nhà, xe, tiền, thỏi vàng...

Đánh giá chung về thị trường ngày ông Công, ông Táo và dự báo thị trường cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đại diện Ban quản lý một số chợ bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, đảm bảo cung ứng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Cùng đó, vào dịp Xuân về Tết đến, thương nhân, nhà cung ứng thường chủ động tăng cường nguồn cung hàng hóa nhập chợ nên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đa dạng mặt hàng mà còn phong phú chủng loại từ sản phẩm tiêu dùng Tết cho đến đặc sản địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục