Sơn La: Ô nhiễm kéo dài ở các khu dân cư đã đạt chuẩn nông thôn mới

Thời gian tới, huyện Mai Sơn tiếp tục yêu cầu chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ cơ sở sơ chế nông sản, chăn nuôi, giết mô gia súc, gia cầm trên địa bàn; lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định.
Sơn La: Ô nhiễm kéo dài ở các khu dân cư đã đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 1Điểm trường mầm non và nhà văn hóa bị ảnh hưởng bởi khói bụi và tiếng ồn từ một cơ sở sản xuất mật mía nằm liền kề. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn xả thải trong chăn nuôi, chế biến nông sản đã kéo dài nhiều năm tại các khu dân cư ở xã đạt chuẩn nông thôn mới Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Tuy nhiên, đến nay, các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này do còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tiểu khu 39, xã Cò Nòi là nơi có nhiều con suối, cống thoát nước chảy qua. Vì thế, nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành một trong những khu dân cư có tình trạng ô nhiễm kéo dài.

Sống cạnh một kênh thoát nước đã nhiều năm nay, hầu như thời điểm nào trong năm gia đình anh Hoàng Văn Tứ cũng phải chịu cảnh ô nhiễm không khí trầm trọng.

Kênh thoát nước này trước đây vốn là một dòng suối, có chiều rộng gần 3m, dài hơn 200m chạy qua khu vực sinh sống của gia đình anh và hàng chục hộ dân khác.

Chỉ tay vào kênh thoát nước đen ngòm, đọng đầy rác thải và bốc mùi hôi thối, anh Tứ cho hay, nguyên nhân là do các hộ chăn nuôi lợn xả thải ra ngoài môi trường mà không qua xử lý.

[Cuộc sống người dân thành phố Sơn La đảo lộn vì nguồn nước bị ô nhiễm]

Ngoài ra, ý thức của người dân còn hạn chế khi vứt rác bừa bãi xuống cống mà không đưa đến điểm tập kết, thu gom rác thải. Vì thế, tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng rất lớn đến người già, trẻ con.

Tiểu khu 39, xã Cò Nòi, được biết đến như một khu công nghiệp thu nhỏ với nhiều ngành nghề hoạt động khác nhau; trong đó, có 12 cơ sở chế biến mật mía, gần 10 lò sấy ngô, đặc biệt có hơn 30 hộ chăn nuôi lợn với quy mô từ 10 đến 400 con. Việc phát triển tự phát, thiếu sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng đã biến những hoạt động này trở thành nguồn gây ô nhiễm nước, không khí nghiêm trọng.

Ông Dương Văn Hệ, Trưởng Tiểu khu 39, cho hay tình trạng ô nhiễm đã kéo dài nhiều năm qua, ban đầu mức độ còn nhỏ, nhưng đến nay hầu hết các khu dân cư đã bị ảnh hưởng. Ông đã kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều lần, nhưng các cơ quan chức năng chưa có chế tài xử phạt nghiêm minh. Vì vậy, người dân vẫn không sợ và tiếp tục các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Theo các con cống, dòng suối, những nguồn nước thải ô nhiễm từ tiểu khu 39 tiếp tục đi qua bản Nhạp, xã Cò Nòi. Điều này, đã khiến nguồn nước ngầm ở đây bị ảnh hưởng, người dân không thể sử dụng để tưới tiêu như trước đây.

Sơn La: Ô nhiễm kéo dài ở các khu dân cư đã đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 2Một rãnh thoát nước chuyển màu đen, bốc mùi hôi tại tiểu khu 39, xã Cò Nòi. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Ông Lò Văn Thu, Trưởng bản Nhạp, xã Cò Nòi, cho biết bản có hơn 10 giếng khoan của các hộ dân. Trước đây, người dân sử dụng nguồn nước từ giếng khoan để phục vụ tưới tiêu cho cây trồng. Nhưng những năm gần đây, nguồn nước từ giếng khoan thường xuyên bị ô nhiễm, chuyển màu và bốc mùi hôi thối. Do đó, các hộ dân không còn sử dụng nguồn nước này nữa.

Đáng chú ý, tại bản Nhạp còn có một điểm trường mầm non nằm ngay cạnh cơ sở sản xuất, chế biến mật mía. Vì vậy, khi vào vụ sản xuất mật, điểm trường này thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn và bụi từ quá trình hoạt động của cơ sở này.

Cô giáo Lê Thị Thắm, điểm Trường Mầm non bản Nhạp, Trường Mầm non xã Cò Nòi thông tin điểm trường hiện có 2 lớp với 38 trẻ. Hiện nay, tiếng ồn từ cơ sở chế biến mật mía rất lớn, nhất là hoạt động cho trẻ ra ngoài sân tập thể dục. Tiếng ồn của máy móc hoạt động đã ảnh hưởng đến việc giao tiếp của giáo viên với trẻ. Trẻ khó nghe các cô nói và không tiếp thu được hết những nội dung cô đã truyền đạt.

Do cơ sở hoạt động liên tục, nên vào giờ ngủ trưa rất ồn làm trẻ không ngủ được sâu giấc, giật mình, hay khóc. Ngoài ra, khói, bụi ảnh hưởng đến cô và trò, khiến không khí trong lớp học rất ngột ngạt, khó thở.

Các giáo viên thường xuyên phải đóng cửa vì bụi, khói bay vào lớp khiến lớp học rất bẩn. Một ngày vệ sinh lớp học 4-5 lần bởi vì tàn bụi mía bay vào rất bẩn.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn, trước thực trạng ô nhiễm các khu dân cư kéo dài tại xã Cò Nòi, đơn vị đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện và thực hiện nhiều biện pháp xử lý. Tuy nhiên, quá trình này còn gặp một số khó khăn nên tình trạng ô nhiễm chưa được giải quyết dứt điểm.

Sơn La: Ô nhiễm kéo dài ở các khu dân cư đã đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 3Một bể chứa nước bơm lên từ giếng khoan của người dân tại xã Cò Nòi bị ô nhiễm, chuyển màu đen và không thể sử dụng. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn Lê Duy Thanh cho biết hiện có một số khó khăn như việc vướng mắc trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục về môi trường. Do Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định các cơ sở đã đi vào hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 36 tháng mới phải lập hồ sơ cấp phép.

Còn Luật Chăn nuôi 2018 quy định các cơ sở không đủ điều kiện chăn nuôi thì trong thời hạn là 5 năm mới phải hoàn thiện điều kiện chăn nuôi. Do đó, dẫn đến việc xử lý vi phạm về môi trường và hướng dẫn hoàn thiện thủ tục về môi trường theo quy định chưa thực hiện được, trừ những trường hợp phát hiện, bắt quả tang việc xả thải không đúng quy định.

Ngoài ra, việc xử lý vi phạm hành vi xả nước thải, khí thải theo Quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải bắt quả tang tổ chức, cá nhân đang thực hiện xả thải và tiến hành đo lưu lượng xả thải, thu mẫu đề phân tích chất lượng làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm. Nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có thiết bị đo lưu lượng xả thải đối với nước thải. Còn đối với khí thải phải thực hiện đo lưu lượng tại ống khói, tuy nhiên việc phát sinh khí thải của hộ gia đình, cá nhân tại đây phân tán, khó xác định.

Trong thời gian tới, huyện Mai Sơn tiếp tục yêu cầu chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ cơ sở sơ chế nông sản, chăn nuôi, giết mô gia súc, gia cầm trên địa bàn; kịp thời phát hiện lập hồ sơ xử lý vi phạm, đối với trường hợp vượt quá thẩm quyền lập hồ sơ trình người có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Ngoài ra, triển khai rà soát, đánh giá điều kiện chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ, vừa, lớn trên địa bàn huyện; tham mưu giải pháp giải quyết đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục