Lưu vực Amazon - nơi có con sông cùng khu rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới lưu trữ 1/5 lượng nước ngọt trên Trái Đất - đang ngày càng khô cạn.
Khu vực này đang bước vào tháng hạn hán thứ 5 liên tiếp và mực nước tại sông Rio Negro, một nhánh phía Bắc của dòng sông Amazon, đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Những ảnh hưởng của hạn hán đang lan tràn khắp khu rừng. Việc đi lại và giao thương dọc theo hệ thống con sông đã bị đình trệ. Brazil buộc phải đóng cửa nhà máy thủy điện lớn thứ tư đất nước.
Các loài cá quan trọng trên sông Amazon phải vật lộn để sinh sản, đe dọa tới nguồn cung cấp thực phẩm tự nhiên.
Một người dân địa phương cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhìn thấy đáy con sông mà tôi đi lại hàng ngày trong 14 năm qua.”
Khi mùa mưa trở lại, mực nước sông đang bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, các nhà khoa học dự đoán lượng mưa dưới mức trung bình có thể khiến khu vực này lại rơi vào tình trạng khô khạn vào năm tới.
Thảm họa hiện nay xảy ra sau những đợt hạn hán nghiêm trọng vào các năm 2005, 2010, 2015, 2016 và 2020. Mỗi đợt hạn hán - kết hợp với nạn phá rừng và nhiệt độ Trái Đất ngày càng tăng - làm suy giảm khả năng phục hồi của Amazon và đẩy nó đến gần hơn tới điểm bùng phát mà tại đó rừng nhiệt đới có thể biến đổi vĩnh viễn thành thảo nguyên.
Chris Boulton, nhà nghiên cứu tại Viện Hệ thống Toàn cầu của Đại học Exeter - tác giả chính của một nghiên cứu vào năm 2022 về các điểm tới hạn của Amazon, cho biết: “Khu rừng có thể đang phục hồi sau một đợt hạn hán và sau đó bị ảnh hưởng bởi một đợt hạn hán khác trong khi nó vẫn đang trong quá trình phục hồi. Nếu điều đó xảy ra, có thể còn mất nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường và cuối cùng nó đến ngưỡng không thể trở lại bình thường.”
Hạn hán làm phát lộ các tác phẩm chạm khắc cổ trên sông Amazon
Tình trạng xuống cấp của rừng rậm Amazon sẽ gây ra hậu quả lớn cho khí hậu thế giới. Khu rừng lưu trữ 123 tỷ tấn carbon - gấp hơn ba lần lượng khí carbon do con người thải ra năm ngoái - và khu vực phía Tây còn nguyên vẹn của Amazon đã hút hàng triệu tấn carbon ra khỏi khí quyển mỗi năm.
Nhưng cháy rừng và nạn phá rừng đã biến rìa phía Đông của khu rừng thành nơi phát thải carbon ròng. Phần còn lại của khu rừng có thể phải đối mặt với số phận tương tự.
Rừng nhiệt đới Amazon bên bờ vực
Hạn hán năm nay có liên quan đến hiện tượng El Nino mạnh mẽ, một kiểu khí hậu thường dẫn đến tình trạng khô hạn hơn ở Amazon.
Nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu bắt nguồn từ nguyên nhân con người có lẽ đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán bằng cách đẩy nhanh quá trình bốc hơi nước từ bề mặt.
Khi nhiệt độ mùa Hè và mùa Thu tăng mạnh ở Brazil trong những thập kỷ gần đây, lượng mưa trung bình trên cả nước đã giảm mạnh.
Tình trạng hạn hán trên khu vực rừng nhiệt đới đã đạt đến mức khắc nghiệt nhất trong ba tháng qua.
Theo Nobre, những đợt hạn hán lớn hiếm khi xảy ra ở Amazon - khoảng 20 năm một lần. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, ngày nay, hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn.
Phá rừng cũng có thể làm hạn hán trở nên tồi tệ hơn bằng cách làm cho điều kiện khô hạn hơn.
Amazon rộng lớn đến nỗi nó tự tạo ra mưa. Không khí ẩm ướt từ Đại Tây Dương di chuyển qua đất liền và trút mưa gần bờ biển, tưới nước cho bìa rừng.
Khối thực vật dày đặc giải phóng độ ẩm trở lại không khí thông qua một quá trình gọi là thoát hơi nước. Khi gió thổi không khí ẩm vào sâu hơn trong đất liền, mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn. Quá trình này lặp lại trên toàn bộ khu rừng.
Nhưng trong 5 tháng qua, dòng sông đã bị hạn hán biến đổi. Mực nước đã giảm xuống còn khoảng 30cm, Amazon và các nhánh của nó bị tắc nghẽn bởi các bãi cát khiến hoạt động đi lại bằng đường sông gặp khó khăn.
Vào tháng 10, cao điểm của mùa khô, thước đo mực nước nằm trơ vơ bên dòng sông khô cạn. Thông thường, nó sẽ chỉ mực nước sâu khoảng 3m vào thời điểm này trong năm. Nhưng vào ngày 16/10, nó cho kết quả là -0,76m, nghĩa là nước đã rút về một dòng suối nông ở trung tâm lòng sông, thấp hơn vạch 0 trên đồng hồ đo./.