Sóng di động “định vị” vùng biển chủ quyền Việt Nam

Đối với những ngư dân vùng biển Tuy Hòa, Phú Yên, sóng điện thoại trở thành dấu hiệu đầu tiên để nhận ra đất liền đang ở ngay trước mắt.
Sóng di động “định vị” vùng biển chủ quyền Việt Nam ảnh 1Cán bộ Viettel bán và hướng dẫn ngư dân dùng điện thoại di động. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Chị Nguyễn Thị Thanh kê dép ngồi trên cầu cảng đưa mắt ra khơi xa chờ đợi. Biển Tuy Hòa (Phú Yên) cuối năm lộng gió, chị bảo: “Đêm qua, anh ấy gọi điện bảo chuyến đi biển này trúng luồng cá ngừ. Tàu còn cách bờ hơn bốn mươi hải lý, đến sáng nay sẽ cập bến nên từ sớm tui đã ra ngóng…”

Với những ngư dân miền biển, chiếc điện thoại di động đã trở thành người bạn không thể thiếu với họ. Giữa trùng khơi, khi điện thoại có vạch sóng cũng đồng nghĩa với việc cách đất liền không bao xa…

Thấy sóng di động là thấy nhà

Tàu về bến! Những người đàn ông lực lưỡng thoăn thoắt lấy nước làm trôi đá ướp lạnh rồi nhanh nhẹn khênh những con cá ngừ nặng vài chục kg lên giao cho đại lý. Còn ít cá nhỏ, họ cho vào những chiếc rổ, bao tải để sẵn và những người phụ nữ như chị Thanh sau khi ghi số cân cá ngừ tại đại lý sẽ đem cá nhỏ ra chợ bán.

Quệt mồ hôi trên trán, Hai Thắng (chồng chị Thanh) bảo rằng, nghề đi biển vất vả. Khi trúng luồng cá thì có lãi, không thì lỗ. Quanh năm đánh vật với con sóng, người đàn ông ấy chẳng thể nhớ bao nhiêu lần mình cập bến rồi ra khơi, cũng như chẳng ai đếm nổi số lần mà con sóng ngày đêm vỗ ì oạp không ngưng nghỉ.

Thế nhưng, càng sóng to gió cả thì Hai Thắng càng rắn rỏi, càng tìm ra những ngư trường ăm ắp cá để những chuyến tàu về bến nặng trĩu thành quả và ngập tiếng cười vui.

Hồi trước, những ngư dân ra biển hễ đi là biền biệt, khi thì nửa tháng, lúc thì cả tháng mới về tới nhà, tin tức thì như biển mù khơi. Trước khi đi, cái gì cũng được chuẩn bị, để sẵn dưới khoang tàu, chỉ riêng có “tiếng nói” của người thân là thiếu.

“Đi cả tháng, giữa biển khơi mà được nghe giọng nói của đứa con trai duy nhất đang bi bô gọi ba thì còn gì bằng hở chú?” Hai Thắng khà hơi thuốc lào, tiếp mạch chuyện còn dang dở.

Khi bắt đầu có sóng di động, Hai Thắng đã “cắn răng” để mua cho mình một chiếc điện thoại. Lúc bấy giờ, sóng điện thoại trên đất liền còn chập chờn chứ chẳng nói gì ra khơi xa, mà cũng chỉ ra biển độ mươi cây số là mất sóng. Vì thế, cứ trước lúc đưa tàu ra khỏi vùng có sóng, anh Thắng và đám bạn lại gọi về nhà tạm biệt vợ con để vơi bớt nỗi nhớ.

Với sự bùng nổ của viễn thông, sóng di động giờ đã tràn ngập thì những ngư dân như Hai Thắng đương nhiên mỗi người một máy điện thoại.

Nhờ có chiến lược vươn ra biển của Viettel, những ngư dân cách xa cột thu phát sóng biển đảo của nhà mạng này tới khoảng 100km cũng vẫn có thể đàm thoại được. “Có đêm trúng được mẻ cá lớn, gọi điện về nhà báo, em ấy vui quá đến mất cả ngủ, đợi tàu về…”, ông chị Thanh xen vào câu chuyện.

Theo ngư dân Trần Văn Nam (Thổ Chu, Phú Quốc, Kiên Giang) trước mỗi lần ra khơi, chiếc điện thoại di động của anh luôn được kiểm tra chu đáo. Ngoài câu chuyện liên lạc với gia đình thì biển khơi mịt mùng với nhiều bất trắc có thể ập tới bất cứ lúc nào. Bởi vậy, khi điện thoại bắt được cột sóng cũng là lúc họ yên tâm hơn bởi biết mình đang đứng trên vùng biển của đất nước và đã gần bờ lắm.

Mổ đẻ nhờ… alo

Tại đảo Thổ Chu, hòn đảo cách xa thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) gần 200km và năm ngày mới có một chuyến tàu nối đảo tới Phú Quốc, câu chuyện cánh sóng di động cũng thật cảm động.

Theo lời ông Huỳnh Văn Kịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã đảo này thì sóng di động từ khi có mặt ở đảo này vào năm 2005-2006 đã làm nên nhiều câu chuyện “kỳ tích.”

Trong đó, từng có trường hợp bác sĩ ở trạm y tế phải gọi điện thoại di động “cầu cứu” các bác sĩ trong đất liền mổ cấp cứu một ca sinh khó bởi trái chuyên khoa. Vừa mổ vừa làm theo hướng dẫn, cuối cùng cả sản phụ và em bé đều an toàn trong niềm reo hò của mọi người.

“Ngư dân ở Thổ Chu hầu như 16 tuổi là lại có điện thoại di động riêng. Mỗi lần ngư dân ra khơi, sóng di động không chỉ giúp họ liên lạc với những người ở nhà, mà còn giúp họ liên lạc với những tàu thuyền khác để cùng nhau khai thác hoặc ứng cứu khi gặp sự cố,” ông Kịch chia sẻ.

Còn Thượng tá Dương Đức Mười (Chỉ huy trưởng Đảo Thổ Chu) thì kể, cánh sóng di động còn giúp ngư dân báo tin cho lực lượng hải quân, biên phòng khi thấy tàu lạ hoặc kẻ gian xâm nhập vùng biển để các lực lượng chức năng có phương án đối phó kịp thời.

Như thế, sóng di động giờ không chỉ là phương tiện liên lạc, mà hiểu theo cách khác thì nó còn là công cụ giúp phát huy sức mạnh tổng hợp của quân dân về bảo đảm chủ quyền biển đảo.

Thế nhưng, cái khoảng cách gần 100km từ trạm thu phát sóng vẫn chưa đủ làm hài lòng ngư dân. Theo lời ngư dân Hai Thắng, trong mỗi lần ra khơi xa, họ thường xuyên rơi vào “vùng lõm” sóng di động.

Và, mọi thứ sẽ trở nên hoàn hảo hơn khi sóng di động phủ khắp vùng biển chủ quyền của Việt Nam, để người dân có thể vững tin hơn khi lênh đênh mưu sinh trên biển cả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục