"Sóng ngầm” mới trên chính trường Ukraine sau khi thủ tướng từ chức

Chính trường Ukraine lại đứng trước đợt “sóng ngầm” mới sau khi Thủ tướng Arseny Yatsenyuk tuyên bố từ chức vì bị chỉ trích không thực hiện đầy đủ những cải cách đã cam kết.
"Sóng ngầm” mới trên chính trường Ukraine sau khi thủ tướng từ chức ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Groysman (phải, phía trên) trong một phiên họp Quốc hội ở thủ đô Kiev ngày 29/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính trường Ukraine lại đứng trước đợt “sóng ngầm” mới sau khi Thủ tướng Arseny Yatsenyuk tuyên bố từ chức vì bị chỉ trích không thực hiện đầy đủ những cải cách đã cam kết và bị cáo buộc bảo vệ lợi ích của các nhà tài phiệt.

Sự kiện này mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt 2 tháng nay ở Ukraine vẫn chưa thể chấm dứt.

Sự ra đi của ông Yatsenyuk diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm khi Tổng thống Petr Poroshenko có thể bị điều tra do dính vào vụ "Hồ sơ Panama" liên quan đến vấn đề trốn thuế và cử tri Hà Lan vừa bác bỏ thỏa thuận liên kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine, khiến tiến trình gia nhập EU của Kiev càng thêm mờ mịt.

Ngoài ra, phải kể tới sự tan rã của liên minh Maidan ngày nào khi các đảng Tổ quốc (Batkivshina), Tự cứu (Samopomich) và Cấp tiến lần lượt rút khỏi liên minh cầm quyền. Những diễn biến trên đánh dấu giai đoạn đầy bất ổn phía trước của chính quyền Ukraine.

Có thể nói thất bại của ông Yatsenyuk chính là sự thất bại của "phong trào Maidan" nổ ra cách đây hơn 2 năm. Sau các cuộc biểu tình Maidan dẫn tới sự ra đi của nhà lãnh đạo khi đó là ông Viktor Yanukovych, chính phủ mới được thành lập trên cơ sở liên minh 5 chính đảng thân phương Tây, với hai nhân vật quyền lực là Tổng thống Petr Poroshenko và Thủ tướng Arseny Yatsenyuk.

Tuy nhiên, sau những màn tung hô ban đầu, các nhà lãnh đạo của "cuộc đảo chính Maidan" đã nhanh chóng quay sang đấu đá nhau.

Bất đồng giữa các đối tác trong liên minh cầm quyền ngày càng lộ rõ khi mục tiêu xích lại gần phương Tây của Kiev hầu như không có tiến triển, bất chấp Ukraine đã cắt đứt quan hệ với "láng giềng" Nga.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tại miền Đông chưa được giải quyết, nền kinh tế Ukraine vẫn chìm trong suy thoái và đất nước bên bờ vực phá sản, còn các chính khách hàng đầu liên tục bị cáo buộc dính vào bê bối và sai lầm.

Rạn nứt trong liên minh cầm quyền tiếp tục bị khoét sâu khi đảng Cấp tiến tuyên bố rút khỏi liên minh hồi tháng 9 năm ngoái để trở thành đảng đối lập.

Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm vào tháng 2 vừa qua khi các đảng trong Quốc hội Ukraine tìm cách bãi nhiệm Thủ tướng Yatsenyuk, trong khi Tổng thống Poroshenko yêu cầu ông Yatsenyuk từ chức vì "để mất lòng tin của dân chúng."

Chính phủ của ông Yatsenyuk bị cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội quy mô lớn nhất ở Ukraine từ năm 1994 với tình trạng lạm phát tăng cao, đồng nội tệ mất giá trầm trọng và kinh tế suy giảm chưa từng thấy.

Các nghị sỹ cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng sa sút này chính là các vụ bê bối tham nhũng liên quan tới chính Thủ tướng đương nhiệm Yatsenyuk và các thành viên chính phủ.

Mặc dù đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Ukraine, song việc có thêm 2 chính đảng nữa rời khỏi liên minh cầm quyền là "giọt nước tràn ly" buộc ông Yatsenyuk phải ra đi.

Hiện các nghị sỹ Ukraine đang cố gắng tạo lập liên minh cầm quyền mới dù là rất mong manh.

Các cuộc "mặc cả" giữa đảng "Khối Petro Poroshenko" (BPP) thân tổng thống và đảng "Mặt trận Nhân dân" thân ông Arseny Yatsenyuk diễn ra không mấy dễ dàng.

Bên cạnh đó, hai đảng này còn phải thu hút sự ủng hộ của một số nghị sỹ độc lập để hội tụ đủ 226 ghế, trở thành "phe đa số mong manh" trong Quốc hội Ukraine gồm 450 ghế, từ đó có thể bầu thủ tướng và chính phủ mới.

Chủ tịch Quốc hội Vladimir Groisman, một nhân vật thân cận với Tổng thống Poroshenko và nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng kế tiếp ở Ukraine, tuyên bố rằng các thành viên trong liên minh đang tập hợp một nội các gồm những người có tư tưởng cải cách nhằm loại bỏ tham nhũng và thúc đẩy các cải cách ở Ukraine theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.

Tuy nhiên, việc ông Groysman trở thành Thủ tướng Ukraine sẽ gây thất vọng cho một số nhà cải cách vì họ cho rằng điều này sẽ củng cố quyền lực trong tay Tổng thống Poroshenko.

Ông Sergei Sobolev, một trong những lãnh đạo đảng Tổ quốc, nói rằng chính phủ Ukraine đã không thực hiện các cam kết đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và cũng không đề ra được những chính sách mới.

Thủ lĩnh đảng Cấp tiến Oleg Lyashko cũng chia sẻ quan điểm trên và cho rằng trừ việc thay đổi tên thủ tướng, chính phủ cũng không có gì hơn để cống hiến cho đất nước ngoài những thỏa thuận mới đạt được nơi hậu trường.

Ông Lyashko cho rằng: "Việc bổ nhiệm ông Groisman thay ông Yatsenyuk chỉ dẫn đến sự độc quyền của Tổng thống Poroshenko. Và đó hoàn toàn không phải là giải pháp cho đất nước, thậm chí còn làm sâu sắc hơn cuộc khủng hoảng mà người dân Ukraine đang phải gánh chịu."

Theo Tổng thống Poroshenko, tuần lễ này là thời điểm quyết định để giải quyết tất cả những vấn đề đang làm tê liệt chính trường Ukraine.

Đơn từ chức của Thủ tướng Yatsenyuk sẽ sớm được Quốc hội thông qua. Tiếp theo sẽ là việc bổ nhiệm ông Groysman làm Thủ tướng mới.

Trong tuần này, Tổng thống Poroshenko cũng sẽ đề nghị bổ nhiệm một Tổng công tố mới để khép lại cuộc khủng hoảng thể chế kéo dài.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên chính trường Ukraine cho thấy tương lai của quốc gia Đông Âu này vẫn bất định, nhất là trong bối cảnh xung đột tiếp diễn tại miền Đông, khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng và đất nước có thể rơi vào phá sản bất cứ lúc nào nếu như không nhận được đợt cứu trợ tiếp theo từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Các chủ nợ phương Tây sẽ quan sát rất kỹ bởi họ đang lo sợ một thời kỳ hỗn loạn mới trên chính trường Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục