Startup công nghệ châu Âu "bùng nổ" khi đạt tài trợ kỷ lục 121 tỷ USD

“Báo cáo Công nghệ châu Âu” cho thấy tổng giá trị vốn chủ sở hữu của các công ty công nghệ châu Âu trên cả thị trường công lẫn tư nhân lần đầu tiên vượt 3.000 tỷ USD vào năm 2021.
Startup công nghệ châu Âu "bùng nổ" khi đạt tài trợ kỷ lục 121 tỷ USD ảnh 1Klarna - một trong những công ty gọi là ''decacorns'' trị giá 10 tỷ USD trở lên. (Nguồn: Klarna)

Theo một báo cáo từ công ty đầu tư mạo hiểm Atomico, các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ của châu Âu đã có một năm “bùng nổ” khi đang trên đà đạt được khoản tài trợ kỷ lục 121 tỷ USD, gấp ba lần con số 41 tỷ USD được huy động vào năm 2020.

Đây là lần đầu tiên các công ty khởi nghiệp ở châu Âu huy động được hơn 100 tỷ USD chỉ trong một năm. Diễn biến này cho thấy sự quan tâm ngày một gia tăng từ các nhà đầu tư vào ngành công nghệ đang phát triển nhanh của lục địa này.

Dấu mốc ấn tượng

Dựa trên những số liệu từ công ty chuyên về dữ liệu thị trường Dealroom, “Báo cáo Công nghệ châu Âu” mới nhất của Atomico cho thấy tổng giá trị vốn chủ sở hữu của các công ty công nghệ châu Âu trên cả thị trường công lẫn tư nhân lần đầu tiên vượt 3.000 tỷ USD vào năm 2021.

Ông Tom Wehmeier, người đứng đầu bộ phận tổng hợp thông tin của Atomico, nhận định 2021 là một năm mang tính định hình đối với lĩnh vực công nghệ châu Âu. Theo ông, các con số cho thấy các công ty công nghệ châu Âu đang tạo ra giá trị nhanh hơn bao giờ hết.

Chuyên gia Wehmeier chỉ ra rằng lĩnh vực công nghệ châu Âu đã mất nhiều thập kỷ để đạt được mức giá trị vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ USD đầu tiên vào tháng 12/2018. Sau đó, con số này đã tăng từ 1.000 tỷ USD lên 2.000 tỷ USD trong vòng 24 tháng, rồi tăng thêm 1.000 tỷ USD nữa chỉ trong tám tháng.

Châu Âu hiện là nơi đặt trụ sở của 321 công ty “kỳ lân” (chỉ các công ty khởi nghiệp có mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên). Trong số đó, 98 công ty mới thành lập vào năm nay. Châu Âu cũng có 26 công ty gọi là "decacorns" trị giá 10 tỷ USD trở lên, bao gồm Klarna, Revolut và Checkout.com.

Những yếu tố tạo đà thuận lợi

Theo ông Wehmeier, động lực tăng trưởng của lĩnh vực công nghệ của châu Âu một phần nhờ vào việc “tái chế” những nhân sự tài năng - bao gồm cả những người sáng lập, góp phần xây dựng hay các nhà đầu tư, từ những câu chuyện thành công trước đó sang những dự án kinh doanh mới.

Năm nay cũng là một năm kỷ lục đối với hoạt động rút lui khỏi thị trường, bao gồm những đợt mua bán-sáp nhập cũng như các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở châu Âu. Mảng này đã tạo ra tổng cổng 275 tỷ USD giá trị doanh nghiệp trong năm nay.

[Các startup công nghệ Trung Quốc "thi nhau" rút kế hoạch IPO]

Các giao dịch đáng chú ý bao gồm đợt niêm yết “bom tấn” của công ty fintech Wise (Vương quốc Anh) và thương vụ “bán mình” trị giá 8,1 tỷ USD của công ty giao hàng thực phẩm Wolt (Phần Lan) cho đối thủ DoorDash (Mỹ).

Một động lực tăng trưởng quan trọng khác đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ ở châu Âu là nhu cầu từ các công ty đầu tư quốc tế lớn như Tiger Global, Coatue và SoftBank ngày càng tăng.

Startup công nghệ châu Âu "bùng nổ" khi đạt tài trợ kỷ lục 121 tỷ USD ảnh 2Biểu tượng của Revolut.

Những đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện đã khiến các nhà đầu tư mạo hiểm ở châu Âu phải cố gắng theo kịp xu hướng. Ví dụ, Atomico đang huy động khoảng 1,2 tỷ USD để đầu tư vào các công ty công nghệ châu Âu, trong khi Balderton Capital đã đảm bảo được gần 1,3 tỷ USD cho hai quỹ mới trong năm nay.

Ông Wehmeier cho biết, điều này đang giúp tạo ra cái gọi là hiệu ứng “bánh đà” - càng nhiều nhân sự tài năng và nhiều vốn hơn giúp dẫn đến một chu kỳ tăng trưởng tốt hơn.

Thách thức phía trước

Tuy nhiên, triển vọng cho lĩnh vực công nghệ châu Âu không hoàn toàn chỉ màu hồng.

Theo Atomico, mặc dù các công ty được các quỹ đầu tư mạo hiểm “chống lưng” đã huy động được con số tài trợ kỷ lục ở châu Âu, nguồn vốn dành cho các công ty còn trong giai đoạn đầu phát triển đang bị siết chặt.

Báo cáo của Atomico cho hay chưa tới 1% số vốn đầu tư mạo hiểm được đầu tư trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021 thuộc về các công ty được thành lập trong năm nay. Con số này thường dao động từ 1-3% trong những năm trước đó.

Trong khi đó, tính đa dạng vẫn là một vấn đề then chốt. Trích dẫn một cuộc khảo sát với hơn 5.000 chuyên gia công nghệ trong khu vực, Atomico cho biết chỉ 1,3% nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở châu Âu được dành cho các công ty khởi nghiệp có nhóm sáng lập là người thuộc sắc tộc thiểu số.

Ông Wehmeier nói thêm rằng một rào cản khác mà châu Âu phải vượt qua là thiếu quỹ hưu trí phân bổ cho các khoản đầu tư khởi nghiệp. Theo đó, các quỹ hưu trí châu Âu dành chưa tới 0,02% trong số 3.000 tỷ USD tài sản họ quản lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục