Sự cố Fukushima là cảnh tỉnh về an ninh hạt nhân

Tổng thư ký LHQ cho rằng sự cố rò rỉ phóng xạ ở Fukushima, Nhật Bản là lời cảnh tỉnh đối với nhân loại về an toàn và an ninh hạt nhân.
Ngày 22/9, nhân dịp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 ở New York, Mỹ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã triệu tập hội nghị cấp cao về an toàn và an ninh hạt nhân nhằm huy động sự ủng hộ về chính trị và thúc đẩy các hành động cụ thể trong lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng sự cố rò rỉ phóng xạ ở Fukushima, Nhật Bản, cùng với thảm họa Chernobyl cách đây 25 năm là lời cảnh tỉnh đối với nhân loại về an toàn và an ninh hạt nhân.

Tổng thư ký khẳng định tác động của các sự cố hạt nhân là vô cùng lớn và "không có biên giới", do đó, để đảm bảo an toàn cho người dân, cộng động quốc tế cần phải có sự đồng thuận và hành động mạnh mẽ cũng như có những tiêu chuẩn an toàn quốc tế vững chắc.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66, ông Nassir Abdulaziz Al-Nasser nhận định sự cố Fukushima là một "lời nhắc nhở nghiêm khắc" rằng để đảm bảo an toàn hạt nhân đòi hỏi phải thực hiện các tiêu chuẩn về an toàn và an ninh hạt nhân cao nhất, cũng như phải sẵn sàng chuẩn bị cho các tình huống xấu trong dài hạn và một sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo ông Al-Nasser, việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách an toàn có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia cũng như giúp đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG).

Do đó, ông cho rằng kiểm tra nghiêm ngặt việc sử dụng an toàn và hiệu quả nguồn năng lượng hạt nhân phải gắn chặt với các vấn đề có liên quan, như thúc đẩy việc giải trừ, không phổ biến vũ khí hạt nhân, ngăn ngừa chủ nghĩa khủng bố hạt nhân cũng như các vấn đề khác.

Phát biểu qua cầu truyền hình, Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano nhấn mạnh sự cố Fukushima đã tác động mạnh đến lòng tin của người dân các nước trên thế giới đối với sự an toàn của điện hạt nhân.

Lòng tin đó chỉ có thể được phục hồi khi các chính phủ, nhà quản lý và nhân viên vận hành các nhà máy, và cả IAEA cùng nhau làm việc hiệu quả để củng cố an toàn hạt nhân. Tuy nhiên, ông Amano cũng cho rằng dù sự cố Fukushima là một thảm họa tồi tệ, song nó không phải là dấu chấm hết cho ngành điện hạt nhân.

Theo IAEA, mức tiêu thụ điện hạt nhân toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những thập kỷ tới, dù tốc độ có chậm hơn so với dự báo trước đây. Sự phát triển đó thể hiện các yếu tố không thay đổi như nhu cầu về năng lượng tăng, những lo ngại liên quan đến biến đổi khí hậu, nguồn khí đốt và dầu mỏ đang cạn kiệt dần, nguồn cung của các nhiên liệu hóa thạch khác cũng không chắc chắn.

Với tư cách là tổ chức quốc tế duy nhất có chuyên môn trong tất cả các khía cạnh của năng lượng nguyên tử, IAEA sẽ đảm nhận vai trò hàng đầu trong việc xây dựng một tương lai hạt nhân an toàn hơn trên toàn cầu.

Liên quan vấn đề an ninh hạt nhân, cùng ngày, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã có bài phát biểu gây sốc trước phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó chỉ trích Mỹ và một số nước phương Tây đã gây ra nhiều rắc rối cho thế giới. Nhiều đại biểu tham gia cuộc họp đã giận dữ bỏ ra ngoài phòng họp.

Các nước phương Tây nghi ngờ Iran đang bí mật xây dựng một kho vũ khí hạt nhân, song Tehran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là nhằm mục đích hòa bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục