Sử dụng hiệu quả vốn cho trùng tu di tích ở Hà Nội

Với nguồn kinh phí cho trùng tu di tích ở Hà Nội còn hạn hẹp thì việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hiện có là giải pháp cần được bàn tới.
Có nhà nghiên cứu văn hóa từng nói rằng: Di tích là một phần linh hồn của Hà Nội, giữ gìn di tích là giữ gìn cái hồn của Thăng Long xưa và để cho con cháu mai sau hiểu hơn về nguồn cội. Vậy nên, dù Hà Nội luôn tất bật với những công trình nhà cao tầng, với những con đường ngổn ngang, với việc làm của người lao động… song văn hóa vẫn giữ vai trò trọng yếu, trong đó di tích được coi là vị trí trung tâm.

[Hàng trăm di tích ở thủ đô Hà Nội đua nhau "kêu cứu"]

Nhưng cái khó của Hà Nội hiện nay là nguồn kinh phí cần cho trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp quá lớn, trong khi ngân sách thành phố chưa thể giải quyết kịp thời. Vì vậy, làm như thế nào để phát huy hiệu quả cao nhất là giải pháp cần được bàn tới.

Cần kết hợp hài hòa quản lý và lợi ích cộng đồng

Đa phần các di tích trên địa bàn thành phố được giao cho Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã hoặc các xã, phường, thị trấn quản lý do vậy trách nhiệm trước hết thuộc về các đơn vị trên. Việc phân cấp quản lý là tương đối phù hợp với điều kiện thực tiễn, bởi việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích là trách nhiệm của cộng đồng trong đó vai trò chủ quản là chính quyền cơ sở.

Với các di tích đã xếp hạng, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã quản lý hoặc giao cho chủ tịch UBND các xã, phường làm đại diện ban quản lý. Di tích chưa xếp hạng do các quận, huyện, thị xã ủy nhiệm cho xã, phường thành lập ban quản lý. Trên cơ sở phân cấp quản lý, các địa phương căn cứ vào ngân sách được cấp hàng năm để cân đối nguồn kinh phí đầu tư tu bổ di tích.

Trong thời gian qua, một phần do nguồn kinh phí hạn hẹp, thì sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với công tác tu bổ di tích chưa kịp thời. Các quận, huyện, thị xã chưa chủ động tham mưu, đề xuất trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích đã bị xuống cấp.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, để xảy ra “điểm nóng” di tích trong thời gian qua có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa các cấp, các đơn vị quản lý trực tiếp di tích. Chẳng hạn, chính quyền địa phương kịp thời giải quyết vấn đề chống dột hoặc báo cáo thực trạng xuống cấp chùa Diên Hựu-Một Cột với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, chắc chắn sự việc được khắc phục sớm hơn, không xẩy ra chuyện "đội nón, mặc áo mưa."

Bên cạnh đó, xung đột, mâu thuẫn ở làng cổ Đường Lâm có từ lâu, đáng lý thị xã Sơn Tây phải quan tâm, tuyên truyền nhiều hơn nữa, giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của di sản họ đang nắm giữ, đồng thời có phương pháp điều chỉnh các vụ việc phức tạp, không nên đề phản ứng dây chuyền của người dân như thời gian qua rồi mới tất bật giải quyết và báo cáo.

Quy hoạch giãn dân với làng cổ Đường Lâm tuy là việc lớn, mang tính lâu dài và là căn cứ pháp lý để quản lý, nhưng cách thức, phương pháp quản lý thông qua công việc hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với dân còn quan trọng hơn. Nói cách khác, những người trực tiếp quản lý, khai thác di tích nên có thái độ ứng xử với di tích mềm dẻo, linh hoạt hơn, để làm sao kết hợp hài hòa quản lý với lợi ích của cộng đồng, người dân. Đặc biệt, tính chủ động, sáng tạo ở cơ sở là rất cần thiết, vì cấp thành phố không thể đủ nhân lực, vật lực đôn đốc, kiểm tra từng di tích.

Mở ra phương án tích cực

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trước hết phải nâng cao ý thức cộng đồng về pháp luật bảo vệ di sản; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di tích trên địa bàn. Trong khi, thành phố chưa có giải pháp tổng thể về vốn trùng tu di tích, các quận, huyện, thị xã sẽ trích ngân sách địa phương chống xuống cấp, tránh để hư hỏng, sập không thể trùng tu.

Ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng ban Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội chia sẻ “Với số lượng di tích xuống cấp lớn, chưa có pháp giải thỏa đáng thì không thể trùng tu một cách đồng bộ, mà hỏng đâu sửa đấy, ưu tiên cho từng hạng mục tu bổ cấp thiết.”

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đang tính đến việc tham mưu cho thành phố tăng thêm trách nhiệm quản lý di tích cho các quận, huyện, thị xã, phường, xã đi đôi với công tác xử lý vi phạm.

Ngoài những di tích có phương án tu bổ trong giai đoạn 2013-2015, các di tích còn lại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ tham mưu cho thành phố bằng một đề án cụ thể, từng bước xin ý kiến thành phố thực hiện các giải pháp huy động vốn, tháo gỡ cho ngân sách thành phố về vấn đề này. Có thể tham mưu cho thành phố ban hành nghị quyết, các văn bản pháp quy quan trọng khác để thu hút vốn đầu tư vào trùng tu, tôn tạo di tích.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng công tác bảo tồn, tôn tạo di tích không phải một sớm, một chiều mà sẽ có biện pháp từng bước. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý, chống xuống cấp, tăng cường xã hội hóa thì kinh phí đầu tư cho trùng tu di tích của Hà Nội sẽ được tập trung hơn trong thời gian tới. Sở cũng đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội dành riêng một nguồn quỹ bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp khẩn cấp ./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục