Sự kiện quốc tế 25-31/12: Bê bối của Apple, sữa nhiễm khuẩn tại Pháp

Apple bị kiện tập thể, Nepal giới hạn giấc mơ chinh phục Everest, thủy phi cơ Trung Quốc thực hiện chuyến bay đầu tiên nằm trong số những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.
Apple bị kiện tập thể sau khi thừa nhận giảm hiệu năng iPhone đời cũ
Tập đoàn Apple đã lừa dối khách hàng khi âm thầm giảm hiệu năng trên các dòng iPhone đời cũ để bù đắp cho hiệu suất pin kém mà không thông báo cho người dùng về những thay đổi này.

Đây là cáo buộc được nêu ra trong 8 vụ kiện mà Apple phải đối mặt tại các tòa án liên bang khác nhau trên khắp nước Mỹ chỉ trong vòng một tuần kể từ khi hãng này thừa nhận về những thay đổi phần mềm có từ khoảng một năm trước này.

Tất cả những đơn kiện trên đã được trình lên các Tòa án khu vực ở California, New York và Illinois.

Theo đơn kiện tại lên tòa án ở California, nhóm người dùng iPhone đã phàn nàn rằng họ bị "thiệt hại về kinh tế."

Nhóm này cáo buộc Apple kinh doanh "lừa đảo và phi đạo đức", cho rằng những cập nhật phần mềm trong các đời iPhone cũ nhằm "cố ý làm chậm hoặc giảm tốc độ" của các thiết bị này.

Trong khi đó, một trong những đơn khiếu nại được gửi lên tòa án ở San Francisco cho rằng việc pin của những chiếc iPhone không thể đáp ứng những yêu cầu vốn do bộ vi xử lý của máy đưa ra mà không có sự điều chỉnh phần mềm là một khiếm khuyết.

Đơn kiện này nêu rõ: "Thay vì khắc phục nhược điểm của pin bằng cách thay thế pin miễn phí cho tất cả những chiếc iPhone bị ảnh hưởng, Apple lại tìm cách che giấu khiếm khuyết này."

Ngày 28/12,​ Apple ​ chính thức xin lỗi khách hàng sau khi hãng này thừa nhận đã âm thầm cố tình giảm hiệu năng trên các dòng iPhone đời cũ để bù đắp cho hiệu suất pin kém mà không thông báo cho người dùng.

Nhằm trấn an và xoa dịu cơn giận dữ của khách hàng trước vụ thừa nhận, Apple cùng ngày thông báo giảm giá các loại pin thay thế cho iPhone 6 và các đời tiếp theo, từ mức 79 USD xuống còn 29 USD.

Chính sách này sẽ được áp dụng bắt đầu từ cuối tháng 1/2018 đến hết tháng 12/2018.

Sự kiện quốc tế 25-31/12: Bê bối của Apple, sữa nhiễm khuẩn tại Pháp ảnh 1Khách hàng vui mừng sau khi mua chiếc iPhone 6s trong ngày mở bán đầu tiên ở Tokyo, Nhật Bản ngày 25/9/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các nước tăng cường an ninh trước thềm Năm mới
Trước thềm năm mới 2018, nhiều hoạt động đã được chuẩn bị sôi nổi trên thế giới. Tuy nhiên đây cũng là dịp để các tổ chức khủng bố thực hiện âm mưu gây bất ổn cho các nước.

Để đảm bảo an toàn cho người dân dịp này, đặc biệt là vào lễ Giao thừa, nhiều nước đã lên kế hoạch triển khai các biện pháp siết chặt an ninh tại các khu vực nhạy cảm và các điểm tập trung đông người. 

Tại New York (Mỹ), ngày 28​/12, cảnh sát nước này cho biết đã tăng cường các biện pháp an ninh cho sự kiện đón năm mới tại Quảng trường Thời đại.

Lễ đón năm mới hàng năm tại Quảng trường Thời đại được biết đến rộng rãi nhờ nghi lễ thả quả cầu pha lê khổng lồ. Quả cầu sẽ rơi xuống trong vòng 60 giây, bắt đầu từ 23 giờ 59 ngày cuối cùng của năm.

Dự kiến có khoảng 2 triệu người tới Quảng trường Thời đại mỗi năm tham gia buổi lễ náo nhiệt này.

Tại Đức, một số thành phố thông báo siết chặt các biện pháp an ninh để chuẩn bị cho lễ đón năm mới, theo đó lực lượng cảnh sát sẽ tăng cường hiện diện ở gần như mọi trung tâm chính của nước Đức.

Cảnh sát không được cung cấp cho báo chí các thông tin về biện pháp an ninh trước khi diễn ra các sự kiện lớn. Kể từ sau vụ tấn công chợ Giáng sinh Berlin năm 2016, giới chức Đức đã kiểm tra toàn diện các phương tiện vận tải và kiểm tra kỹ lưỡng những khách tham quan là dân thường đi vào khu vực tổ chức lễ hội có hàng rào bảo vệ.

Còn tại Australia, lực lượng cảnh sát đã được huy động thêm nhân viên và biện pháp an ninh cho lễ đón năm mới. Dự kiến có hơn 1 triệu người sẽ có mặt tại trung tâm Sydney để tham gia lễ hội đếm ngược và xem trình diễn pháo hoa.

Các biện pháp an ninh tập trung vào an toàn công cộng, các tội phạm liên quan đến rượu và hành vi gây hại cho người khác.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 120 người tình nghi do liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong lễ hội đếm ngược đón năm 2018.

Nước này cũng tăng gấp đôi số cảnh sát làm nhiệm vụ tại thành phố Istanbul và hủy bỏ hoặc cấm các hoạt động tụ tập đông người trong đêm Giao thừa vì lý do an ninh…

Sự kiện quốc tế 25-31/12: Bê bối của Apple, sữa nhiễm khuẩn tại Pháp ảnh 2Cảnh sát Đức tăng cường an ninh. (Nguồn: Daily Mail)
Vấn đề Jerusalem tiếp tục căng thẳng
Căng thẳng giữa Israel và Palestine tiếp tục leo thang trong tuần qua khi ngày 24​/12​/2017, Bộ trưởng Nhà ở và xây dựng Israel Yoav Galant đã phát động kế hoạch xây dựng 300.000 nhà định cư tại Đông Jerusalem.

Kế hoạch này là một phần của dự luật mang tên “Jerusalem to lớn hơn” nhằm sáp nhập các khu định cư xây dựng trên phần đất mà người Palestine dự định làm thủ đô trong tương lai. Những diễn biến căng thẳng này đang tiếp tục đe dọa tiến trình hòa bình Trung Đông.

Ngoài ra, ngày 25​/12/2017, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely cho biết nước này đã liên lạc với "ít nhất 10 quốc gia" về khả năng chuyển đại sứ quán của họ tới Jerusalem, sau khi Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Palestine đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Israel, đồng thời tuyên bố sẽ cân nhắc xem xét lại toàn bộ tiến trình hòa bình.

Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Trump (ngày 6​/12/2017) đến nay vẫn để lại những phản ứng gay gắt của cộng đồng thế giới. Các cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại nhiều nước, đặc biệt là tại các nước Hồi giáo.

Những cuộc xung đột với các lực lượng Israel xảy ra gần như hàng ngày tại các vùng lãnh thổ của Palestine. Bạo lực giữa hai bên đã làm ít nhất 12 người Palestine thiệt mạng.

Sự kiện quốc tế 25-31/12: Bê bối của Apple, sữa nhiễm khuẩn tại Pháp ảnh 3Toàn cảnh khu định cư Ramot, phía đông Jerusalem. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nepal giới hạn những "giấc mơ Everest"
Những người leo núi một mình cũng như một số đối tượng khuyết tật sẽ không còn có cơ hội chinh phục đỉnh Everest cũng như các ngọn núi của Nepal sau khi chính phủ nước này vừa ban hành một loạt lệnh cấm nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn leo núi.

Ngày 30/12, giới chức Nepal cho biết chính phủ đã thông qua một điều khoản sửa đổi đối với quy định leo núi của nước này, theo đó cấm những người leo núi một mình thám hiểm các ngọn núi của Nepal.

Một quan chức Bộ Văn hóa, du lịch và hàng không dân sự Nepal cho biết quy định sửa đổi này nhằm giúp hoạt động leo núi an toàn hơn, giảm thiểu các vụ tai nạn gây thương vong đáng tiếc. Ngoài ra, Chính phủ Nepal cũng sẽ áp dụng lệnh cấm đối với những người khuyết tật ảnh hưởng tới chức năng vận động và khiếm thị leo núi.

Lệnh cấm ngay lập tức gây tranh cãi sau khi xuất hiện nhiều ý kiến phản đối cho rằng đây là hành động phân biệt.

Sự kiện quốc tế 25-31/12: Bê bối của Apple, sữa nhiễm khuẩn tại Pháp ảnh 4Núi Everest (phía sau) tại khu vực Kumbh, đông bắc Nepal ngày 20/4/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Pháp điều tra về vụ sữa nhiễm khuẩn Salmonella của Lactalis
Công tố Pháp mới đây đã mở cuộc điều tra về vụ sản phẩm sữa của Lactalis nhiễm vi khuẩn Salmonella dẫn đến một đợt thu hồi sản phẩm khổng lồ trên phạm vi toàn thế giới của tập đoàn sữa hàng đầu của Pháp này.

Theo một nguồn tin từ cơ quan tư pháp ngày 26/12, cuộc điều tra sẽ tập trung vào các sai phạm có thể dẫn đến các tội danh như vô ý gây thương tổn và gây nguy hiểm cho tính mạng của người khác cũng như tội gian dối và không đạt yêu cầu về thu hồi sản phẩm.

Tập đoàn Lactalis đứng thứ hai trong ngành công nghiệp sữa thế giới, đứng đầu châu Âu về các sản phẩm sữa và phômai.

Ngày 10/12 vừa qua, Lactalis ban đầu đưa ra thông báo thu hồi trên toàn thế giới với lượng sản phẩm lên gần 7.000 tấn sữa do lo ngại sản phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Tiếp theo, ngày 21/12 vừa qua, tập đoàn này tiếp tục mở rộng diện thu hồi, nâng số sản phẩm bị thu hồi lên hơn gấp đôi.

Quyết định thu hồi của Lactalis được đưa ra sau khi xảy ra 26 trường hợp trẻ nhiễm bệnh tại Pháp đầu tháng 12 này.

Sự kiện quốc tế 25-31/12: Bê bối của Apple, sữa nhiễm khuẩn tại Pháp ảnh 5Thu hồi các sản phẩm sữa cho trẻ sơ sinh của Lactalis tại Lima, Peru ngày 11/12 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủy phi cơ cỡ lớn của Trung Quốc tiến hành chuyến bay đầu tiên
Sáng 24/12, thủy phi cơ cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo AG600 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Tân Hoa Xã đưa tin thủy phi cơ AG600 đã cất cánh từ Cảng hàng không dân sự Kim Loan​ tại thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc vào lúc 9 giờ 39 theo giờ địa phương, thực hiện chuyến bay kéo dài khoảng 1 giờ.

Trưởng nhóm thiết kế AG600 Huang Lingcai cho biết chuyến bay thành công này đã đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia có khả năng phát triển thủy phi cơ cỡ lớn.

Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), đơn vị phát triển AG600, cho biết AG600 có chiều dài thân 39,6​m và sải cánh 38,8​m.

AG600 có trọng tải cất cánh tối đa 53,5 tấn, vận tốc 500 km/giờ, có thể bay 12 giờ liên tiếp.

Sự kiện quốc tế 25-31/12: Bê bối của Apple, sữa nhiễm khuẩn tại Pháp ảnh 6Thủy phi cơ AG600 tại buổi giới thiệu ở Chu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc ngày 23/7/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục