Sự kiện quốc tế 8-14/1: Đàm phán Hàn-Triều, bê bối sữa của Pháp

Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại đàm phán lần đầu tiên sau 2 năm gián đoạn, báo động giả gây hoảng loạn tại Hawaii, bê bối sữa nhiễm khuẩn của Pháp nằm trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.
Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại đàm phán lần đầu tiên sau 2 năm gián đoạn
Ngày 9​/1, Hàn Quốc và​ Triều Tiên đã tiến hành cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên sau 2 năm bị gián đoạn tại Ngôi nhà Hòa Bình trong làng đình chiến Panmunjom.

Cuộc đàm phán đã kết thúc với một kết quả tích cực vượt ngoài kỳ vọng, tạo tiền đề thuận lợi cho việc giải quyết những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bị bế tắc lâu nay.

Tại cuộc đàm phán, hai bên đã ra Tuyên bố chung, khẳng định Triều Tiên sẽ tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 sắp diễn ra vào tháng 2​/2018 tại Hàn Quốc.

Hai bên cũng đạt được thỏa thuận về việc sẽ tiến hành tổ chức hội đàm quân sự nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ liên Triều.

Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chung Hae-Sung cho biết, trong cuộc đàm phán lần này, phía Hàn Quốc đã đề xuất trong tháng tới nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên.

Ý tưởng về sự xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo​ Triều Tiên Kim Jong-un trong Thông điệp năm mới đưa ra ngày 1​/1 vừa qua đã để ngỏ khả năng cử một phái đoàn tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang.

Ngay lập tức, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hoan tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời nêu rõ Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại "bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào." 

Dư luận nhìn chung hy vọng việc​ Triều Tiên tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang sẽ giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, từ đó mở đường cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của của Triều Tiên cũng như các cuộc đối thoại sâu rộng hơn giữa Mỹ và Triều Tiên.

Sự kiện quốc tế 8-14/1: Đàm phán Hàn-Triều, bê bối sữa của Pháp ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myoung Gyon (trái) và Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son Gwon (phải) trao đổi tuyên bố chung trong cuộc đàm phán liên Triều tại làng đình chiến Panmunjeom ngày 9/1. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)
Ấn Độ trở thành nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh giá rẻ toàn cầu
Ngày 12/1, Ấn Độ đã phóng một tên lửa mang theo 31 vệ tinh cỡ nhỏ, trong đó có vệ tinh thứ 100 của quốc gia này lên vũ trụ theo yêu cầu của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi nhằm chứng thực khả năng của quốc gia này như một nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh giá rẻ toàn cầu.

Trong số 31 vệ tinh cỡ nhỏ được Ấn Độ đưa vào vũ trụ, có hơn một nửa loại vệ tinh micro và nano cho Mỹ, còn lại là của Ấn Độ, Canada, Phần Lan, Pháp, Hàn Quốc và Vương quốc Anh.

Theo Thủ tướng Modi, lần phóng vệ tinh này không chỉ đánh dấu bước tiến xuất sắc mà còn mang đến hy vọng vào tương lai tươi sáng của ngành hàng không vũ trụ của Ấn Độ.

Chương trình không gian vũ trụ của Ấn Độ có ngân sách khoảng 4 tỉ USD và chính phủ của Thủ tướng Modi hy vọng lần phóng vệ tinh mới nhất này sẽ giúp Ấn Độ giành được nhiều hợp đồng mới trong thị trường ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu trị giá khoảng 300 tỷ USD hiện nay.

Sự kiện quốc tế 8-14/1: Đàm phán Hàn-Triều, bê bối sữa của Pháp ảnh 2(Nguồn: RT)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Trung Quốc
Từ ngày 8 đến 10/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm Trung Quốc. Chuyến thăm này được cho là có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông Macron trong bối cảnh nhà lãnh đạo Pháp đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Paris trên trường quốc tế.

Việc lựa chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du tới châu Á kể từ khi nhậm chức, đặc biệt vào dịp đầu năm mới, cho thấy nhà lãnh đạo Pháp đặc biệt coi trọng quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kết quả nổi bật nhất trong chuyến thăm này chính là bản ghi nhớ giữa tập đoàn hạt nhân Areva của Pháp với đối tác Trung Quốc CNNC về xây dựng nhà máy tái chế hạt nhân trị giá 12 tỷ USD; thoả thuận giữa các đối tác Trung Quốc mua 184 máy bay Airbus A320 của Pháp, đồng thời tăng số lượng máy bay A320 sản xuất tại Trung Quốc lên 6 chiếc mỗi tháng; hay hợp đồng trị giá 2,4 tỷ USD giữa tập đoàn kỹ nghệ Fives và hãng bán lẻ trực tuyến JD.com của Trung Quốc về thành lập trung tâm logistic của hãng này tại Pháp…

Có thể thấy, chuyến thăm Trung Quốc lần này của tổng thống Pháp Macron cho thấy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Pháp đang trong giai đoạn phát triển ngày càng thực dụng và hiệu quả.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực liên tục biến động với những diễn biến khó lường, Paris và Bắc Kinh đều ý thức được rằng việc tăng cường hợp tác song phương mang lại lợi ích thiết thực, to lớn cho cả hai nước, cả về kinh tế lẫn chính trị.

Sự kiện quốc tế 8-14/1: Đàm phán Hàn-Triều, bê bối sữa của Pháp ảnh 3Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Anh tiến hành cải tổ nội các
Ngày 8​/1, Thủ tướng Anh Theresa May đã bắt đầu tiến hành cải tổ nội các bằng việc bổ nhiệm Bộ trưởng Nhập cư Anh Brandon Lewis, một nhân vật thuộc phe ủng hộ nước Anh ở lại EU, làm Chủ tịch đảng Bảo thủ. Nghị sỹ J.Cleverly, người ủng hộ Brexit, được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ.

Trong khi một số thành viên chính phủ vẫn giữ nguyên chức vụ như Bộ trưởng Nội vụ A.Rudd, Bộ trưởng Tài chính P.Hammond, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh D.Davis.

Cuộc cải tổ nội các diễn ra trong bối cảnh đảng Bảo thủ của Thủ tướng May đang bị Công đảng bám rất sát trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây và đang bị chia rẽ nội bộ liên quan đến các cuộc đàm phán về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU sau khi nước này dự kiến rời EU vào tháng 3​/2019.

Do đó, Thủ tướng May hy vọng với việc cải tổ nội các ngay trong những ngày đầu năm 2018, Thủ tướng May hy vọng giai đoạn đàm phán tiếp theo với EU sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, cuộc cải tổ nội các của Thủ tướng May đã ngay lập tức vấp phải trở ngại khi Bộ trưởng Giáo dục Justine Greening nộp đơn xin từ chức sau khi từ chối chấp nhận vị trí mới ở Bộ Quản lý trợ cấp xã hội và lương hưu.

Đây là bộ trưởng thứ 4 xin từ chức kể từ tháng 11/2017 trong chính quyền của Thủ tướng May. Ngoài ra, giới truyền thông Anh cho biết Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt cũng từ chối yêu cầu thay đổi chức vụ.

Sự kiện quốc tế 8-14/1: Đàm phán Hàn-Triều, bê bối sữa của Pháp ảnh 4Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Sữa nhiễm khuẩn của Lactalis ảnh hưởng tới 83 quốc gia
Vụ bê bối sữa công thức dành cho trẻ em của hãng Lactalis (Pháp) bị nhiễm khuẩn salmonella đã ảnh hưởng tới 83 quốc gia trên toàn thế giới.

Trả lời phỏng vấn với tạp chí Journal du Dimanche của Pháp ngày 13/1, Giám đốc điều hành công ty Lactalis Emmanuel Besnier cho biết hơn 12 triệu hộp sữa nghi nhiễm khuẩn salmonella tại 83 quốc gia trên đã được thu hồi, do đó các nhà phân phối sẽ không còn phải phân loại và sàng lọc để xác định những sản phẩm nào bị nhiễm khuẩn.

Ông Besnier bày tỏ lo ngại về những hậu quả sức khỏe đối với những em bé tiêu thụ sữa nhiễm khuẩn salmonella, đồng thời cam kết sẽ bồi thường cho tất cả những gia đình bị ảnh hưởng.

Nhiễm khuẩn Salmonella sẽ gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, co thắt dạ dày và nôn mửa. Hiện hàng trăm gia đình trên toàn nước Pháp đã khởi kiện Lactalis trong khi hàng trăm gia đình khác cũng đang chuẩn bị các thủ tục để đưa hãng sữa này ra tòa trong những ngày tới.

Sự kiện quốc tế 8-14/1: Đàm phán Hàn-Triều, bê bối sữa của Pháp ảnh 5Nhân viên Cơ quan kiểm soát gian lận, các chính sách tiêu dùng và cạnh tranh Pháp kiểm tra sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ em tại một siêu thị ở Orleans, Pháp ngày 11/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Báo động nhầm về tấn công tên lửa, người dân Hawaii hoảng loạn
Đêm 13/1, rạng sáng 14/1 (theo giờ Việt Nam), hệ thống báo động tên lửa tại bang Hawaii đã phát ra báo động về một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo, gây ra sự hoảng loạn tại hòn đảo này trước khi giới chức tại đây thông báo lại rằng đây là vụ báo động nhầm.

Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp của bang Hawaii cho biết vụ báo động nhầm xảy ra vào lúc 8 giờ tối (theo giờ địa phương) trong một phiên đổi ca trực và thực hành thao tác kỹ thuật, dẫn tới việc "bấm nhầm nút."

Sai sót này đã kích hoạt hệ thống điện thoại tự động trên hòn đảo đi kèm với cảnh báo thúc giục người dân nhanh chóng tìm nơi ẩn náu.

Vụ việc này diễn ra giữa lúc quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên căng thẳng trong nhiều tháng qua sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ vùng lãnh thổ nào của Mỹ, trong đó có quần đảo Hawaii.

Sự kiện quốc tế 8-14/1: Đàm phán Hàn-Triều, bê bối sữa của Pháp ảnh 6Một góc đảo Hawaii. (Nguồn: chicagotribune.com)
Vớt được hộp đen của tàu chở dầu Iran gặp nạn tại Trung Quốc
Bộ Giao thông Trung Quốc ngày 13/1 cho biết lực lượng cứu hộ của nước này đã vớt được thêm 2 thi thể và hộp đen con tàu chở dầu Sanchi của Iran, bị cháy sau khi đâm phải một tàu hàng trước đó gần 1 tuần ở gần cảng Thượng Hải (Trung Quốc).

Theo thông báo của bộ trên, các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy thi thể 2 thủy thủ trong một tàu cứu hộ đằng sau boong tàu Sanchi.

Sau khi phát hiện hộp đen của tàu, lực lượng cứu hộ đã tìm cách đến các khu vực chung. Tuy nhiên, nhiệt độ lên tới 89 độ C khiến họ không thể vào trong. Ngày 12/1, một vụ nổ mới ở phần mũi tàu Sanchi đang cản trở các nỗ lực cứu hộ.

Tàu Sanchi, chở theo 136.000 tấn dầu thô nhẹ từ Iran, đã bốc cháy sau khi đâm phải tàu chở ngũ cốc CF Crystal đăng ký Hong Kong (Trung Quốc) ở vị trí cách cửa sông Trường Giang 160 hải lý (300km) về phía Đông.

Toàn bộ 21 thủy thủ người Trung Quốc trên tàu Crystal đã được giải cứu an toàn, nhưng vẫn còn 29 thủy thủ tàu Sanchi mất tích. Hiện tổng cộng 3 thi thể đã được tìm thấy.

Sự kiện quốc tế 8-14/1: Đàm phán Hàn-Triều, bê bối sữa của Pháp ảnh 7Tàu cứu hộ nỗ lực dập lửa cháy trên tàu Sanchi ở ngoài khơi bờ biển Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 12/1. (Nguồn: THX/ TTXVN)
Ecuador cho phép nhà sáng lập WikiLeaks nhập quốc tịch
Ngày 10/1, Chính phủ Ecuador đã cho phép nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange, người đang tị nạn tại Đại sứ quán nước này ở Anh từ gần 5 năm nay, được nhập quốc tịch.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, các dữ liệu cá nhân của ông Assange cùng số thẻ căn cước đã được đăng tải cùng ngày trên trang điện tử thuộc Cục quản lý dân sự Ecuador.

Ông Assange cũng sẽ được cấp hộ chiếu Ecuador. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ecuador cũng ra thông cáo liên quan tới ông Assange, tuy nhiên không đề cập đến việc cho phép ông này nhập quốc tịch.

Văn bản nêu rõ ông Assange đã được bảo vệ tại Đại sứ quán Ecuador từ tháng 8/2012 và Chính phủ nước Nam Mỹ hiện nay cần tìm ra một giải pháp để giải quyết trường hợp của ông này còn tồn đọng, trên cơ sở luật pháp quốc gia và quốc tế, cũng như tôn trọng nhân quyền.

Thông cáo nhấn mạnh sẽ phối hợp với Anh để tiếp tục tìm giải pháp cho vấn đề của ông Assange và khẳng định Ecuador hiện có mối quan hệ tốt đẹp với London.

Sự kiện quốc tế 8-14/1: Đàm phán Hàn-Triều, bê bối sữa của Pháp ảnh 8Nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange. (Nguồn: Twitter)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục