Sức cạnh tranh công nghiệp Pháp - mối quan tâm của Tổng thống Pháp

Đối mặt với sự thụt lùi của ngành công nghiệp Pháp so với các nước trong khu vực đã trở thành một chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử và là mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống Pháp.
Sức cạnh tranh công nghiệp Pháp - mối quan tâm của Tổng thống Pháp ảnh 1Hai ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp vòng 2: đương kim Tổng thống Emmanuel Macron (trái) và đại diện đảng Tập hợp quốc gia, bà Marine Le Pen trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 20/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhận xét về tình hình phát triển công nghiệp Pháp, nhật báo Les Echos số ra gần đây cho rằng mặc dù trong thời gian qua lĩnh vực này đã gặt hái nhiều kết quả đáng mừng, nhưng vẫn chưa giành được vị thế quan trọng ở châu Âu. Đây chính là điều mà Tổng thống Pháp sẽ phải quan tâm trong thời gian tới.

Sự phục hồi đáng chú ý

Tờ nhật báo hàng đầu nước Pháp về kinh tế này đã dẫn thống kê của Cơ quan nghiên cứu việc làm và đầu tư Trendeo, cho biết số lượng các doanh nghiệp quay trở lại Pháp sau thời gian dịch bệnh đã đạt mức đạt mức kỷ lục vào năm ngoái, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghiệp. Mặc dù vậy, ngành công nghiệp Pháp vẫn đang mất dần sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Theo quan sát của Trendeo, năm 2021, lĩnh vực công nghiệp của Pháp đã sôi động trở lại sau thời kỳ trầm lắng trong năm 2020 do đại dịch COVID-19. Điều này cũng cho thấy tác động tích cực của kế hoạch phục hồi mà nước này đã đưa ra vào tháng 9/2020, trong đó 1/3 của gói 100 tỷ euro (108 tỷ USD) đã dành cho công nghiệp. 

Cụ thể là, 87 công ty đã quay trở lại Pháp hoạt động trong năm 2021 - con số kỷ lục. Các dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng cũng tăng lên, với 176 dự án triển khai mới đã được ghi nhận, nhiều hơn ba lần so với số lượng các cơ sở công nghiệp đóng cửa (56).

Zalando, công ty thương mại điện tử chuyên bán giày trên Internet, đang xây dựng một nhà kho thứ hai, công ty dược phẩm Sanofi sẽ thành lập một trung tâm dành riêng cho mRNA, nhà sản xuất xe hơi Stellantis đang đầu tư tại La Janais để sản xuất xe SUV điện…

[Ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2]

Sự sôi động trong lĩnh vực công nghiệp đã kéo theo sự gia tăng của nhu cầu về nguồn nhân lực. Chỉ trong năm 2021, hơn 32.150 vị trí việc làm đã được công bố và tuyển dụng, nhiều gấp đôi so với con số thống kê năm 2020 khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh đang bùng phát. "Đây cũng là năm ghi nhận con số việc làm tốt nhất trong lĩnh vực công nghiệp kể từ năm 2009," theo quan sát của Trendeo.

David Cousquer, người sáng lập công ty nghiên cứu Trendeo, nhận xét: "Những kết quả này rất đáng khích lệ." Ông cho biết thêm, gần 66.740 việc làm trong lĩnh vực công nghiệp đã được tạo ra từ năm 2016 đến năm 2021. 

Lý giải về xu hướng quay lại Pháp của các doanh nghiệp, ông David Cousquer cho rằng một số yếu tố đã góp phần hỗ trợ đưa các nhà máy trở lại lãnh thổ quốc gia như sự hấp dẫn của nhãn mác "Sản xuất tại Pháp" đối với công chúng, nhận thức các doanh nghiệp về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tốc độ đang chậm lại

Một nửa số dự án quay trở lại Pháp và 15% trong số các công trình mới khởi động đã được hưởng lợi từ kế hoạch phục hồi. Do đó, Trendeo bày tỏ lo ngại rằng khi kế hoạch này triển khai xong thì việc quay trở lại và mở cửa nhà máy sẽ có thể bị chậm lại vì không còn được hỗ trợ nữa. 

Trên thực tế đã xuất hiện một số các dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm đã được ghi nhận. Chỉ có chín dự án quay trở lại Pháp trong quý đầu tiên của năm 2022.

Chính vì thế, Chủ tịch của France Industrie (tổ chức đại diện và quảng bá ngành công nghiệp tại Pháp), Alexandre Saubot, cũng cảnh giác không vội vàng tuyên bố thắng lợi. Ông nhận xét “Chắc chắn là ngành công nghiệp đã đạt được nhiều tiến bộ khả quan. Nhưng sự cân bằng giữa việc di dời và quay trở lại và giữa việc mở và đóng cửa các nhà máy vẫn còn yếu. Xu hướng này phải được tiếp tục củng cố theo thời gian nếu chúng ta muốn ngành công nghiệp có tỷ trọng nhiều hơn trong GDP."

Một số dấu hiệu khác cũng cho thấy con đường phía trước còn dài. Tuy thoát khỏi khủng hoảng, nhưng do những khó khăn trong lĩnh vực ôtô và hàng không, sản xuất công nghiệp vẫn ở mức dưới 5% như cuối năm 2019. Ngành công nghiệp của Pháp đang mất dần vị thế so với các đối thủ châu Âu.

Chuyên gia của Strategy&, đơn vị tư vấn chiến lược của PwC, ông Olivier Lluansi cảnh báo "số lượng các dự án công nghiệp ở Pháp đang tăng lên, nhưng vẫn không bằng ở Đức." Thêm vào đó, một nghiên cứu gần đây của Viện Rexecode cho thấy "tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế tạo của Pháp trong khu vực đồng euro đã giảm từ 14,7% vào năm 2019 xuống 14,2% vào năm 2020 và 13,9% vào năm 2021."

Đối mặt với sự thụt lùi của ngành công nghiệp Pháp so với các nước trong khu vực, việc tái công nghiệp hóa đang trở thành một chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống và được đề cập đến trong hầu hết các chương trình tranh cử.

Từ ông Emmanuel Macron đến bà Marine Le Pen cho đến các ứng cử viên khác, đa số đều đang đề xuất tiếp tục giảm thuế sản xuất để rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nước khác. 

Trên thực tế, các khoản thuế này vẫn chiếm 3,1% GDP ở Pháp, cao hơn nhiều so với mức trung bình 1,5% GDP ở khu vực đồng euro và 0,5% GDP ở Đức. Để bù đắp khoảng trống, France Industrie và Liên đoàn doanh nghiệp Pháp (Medef), đang yêu cầu giảm thêm 35 tỷ euro tiền thuế trong giai đoạn 5 năm tới, bên cạnh mức giảm 10 tỷ euro mỗi năm đã được cơ quan hành pháp thông qua vào năm 2020.

Ông Olivier Lluansi nhấn mạnh: "Pháp đã lấy lại được khả năng cạnh tranh về chi phí lao động, song nước này vẫn cần cải thiện khả năng cạnh tranh về thuế."

Theo ông Lluansi, cải thiện khả năng cạnh tranh phi giá cả là một vấn đề "tối quan trọng" để vực dậy ngành công nghiệp ở Pháp. Các vấn đề như sự cục bộ của công tác đào tạo dẫn đến các kỹ năng có được chỉ mang tính địa phương, khó khăn trong việc tìm kiếm đất công nghiệp, sự phức tạp về thủ tục hành chính và thời gian kéo dài của các thủ tục hầu như không được đề cập đến trong bất kỳ cuộc thảo luận nào. Những vấn đề này vốn ít khi được trao đổi, cả trong nhiệm kỳ 5 năm đang sắp kết thúc và cả trong chiến dịch tranh cử hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục