Sức hút đầu tư của Pháp vẫn mạnh mẽ bất chấp phong trào áo vàng

Pháp tiếp tục là quốc gia hấp dẫn thứ hai Liên minh châu Âu, sau Đức và hình ảnh xe hơi bốc cháy trên đại lộ Champs-Elysées cách đây không lâu không khiến giới đầu tư hoảng hốt.
Sức hút đầu tư của Pháp vẫn mạnh mẽ bất chấp phong trào áo vàng ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Trebes, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhật báo kinh tế Les Echos ngày 21/1 đăng bài viết nhận định sức hút đầu tư của Pháp vẫn mạnh mẽ, bất chấp phong trào "Áo vàng" vẫn đang tiếp diễn.

Bài viết đã trích dẫn kết quả khảo sát do công ty nghiên cứu trị trường Kantar thực hiện đối với 500 nhà đầu tư nước ngoài tại năm quốc gia châu Âu (gồm Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển và Ailen) theo yêu cầu của Cơ quan Phát triển Thương mại Pháp (Business France).

Kết quả cho thấy Pháp tiếp tục là quốc gia hấp dẫn thứ hai Liên minh châu Âu, sau Đức và hình ảnh xe hơi bốc cháy trên đại lộ Champs-Elysées cách đây không lâu không khiến giới đầu tư hoảng hốt.

Theo Tổng giám đốc Business France, Christophe Lecourtier, hình ảnh nước Pháp ở nước ngoài “gần như” không bị ảnh hưởng bởi phong trào "Áo vàng," do các nhà đầu tư xem trọng “các thế mạnh khách quan” khác của Pháp.

Ông Lecourtier cũng cho biết mức thuế ISF đánh vào tài sản của những người giàu và chính sách giảm thuế cho các công ty nước ngoài vẫn được giữ nguyên, trừ một vài tập đoàn lớn.

Chuyên gia đầu tư quốc tế Marc Lhermitte nhận định cuộc khủng hoảng "Áo vàng" chủ yếu tác động đến hình ảnh nước Pháp ở bên ngoài, và không ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu tư tại Pháp. Không nhà đầu tư nào có ý định ra đi, ngược lại với tình trạng sẵn sàng "khăn gói" tại Anh trước thời điểm Brexit đến gần - chỉ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Vẫn theo chuyên gia Lhermitte, các nhà đầu tư đặc biệt chú ý đến các cải cách sắp diễn ra tại Pháp. Vấn đề chủ yếu đối với họ là nhận diện được chính xác xem cuộc khủng hoảng "Áo vàng" hiện nay - gắn liền với những thay đổi lớn tại Pháp, có thể đảo ngược các cải cách của chính phủ nước này từ 18 tháng gần đây, nhằm cải thiện “sự linh hoạt và khả năng cạnh tranh” của nền kinh tế Pháp hay không.

[Bất chấp biểu tình Áo vàng, du khách vẫn nườm nượp đến Pháp năm 2018]

Hoạt động biểu tình của những người mặc Áo vàng nổ ra tại Pháp từ trung tuần tháng 11/2018, xuất phát từ làn sóng phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu trước khi nhanh chóng lan rộng thành một chiến dịch biểu tình hàng tuần nhằm phản đối các chính sách của chính phủ.

Chính phủ Pháp đã thực hiện một số biện pháp nhằm xoa dịu tình hình như hủy bỏ chính sách tăng thuế nhiên liệu, công bố gói tăng lương trị giá 10 tỷ euro (11,5 tỷ USD) và giảm thuế cho những người thu nhập thấp hoặc những người về hưu.

Tuy nhiên những nhượng bộ này được cho là chưa thỏa mãn được phe biểu tình Áo vàng bởi họ yêu cầu một sự thay đổi chính sách cơ bản có lợi hơn cho nhóm người có thu nhập thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục