Sức mua hàng Tết tại TP.HCM tăng yếu dù giảm giá sâu

Ngày 9/2 (ngày 28 tháng Chạp), ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sức mua hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tăng yếu dù giảm giá sâu.
Khách mua sắm tại cửa hàng Vissan. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Khách mua sắm tại cửa hàng Vissan. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 9/2 (ngày 28 tháng Chạp), ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sức mua hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tăng yếu dù giảm giá sâu.

Cùng với đó, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố nên nhiều đơn vị kinh doanh thực hiện đóng cửa nghỉ bán sớm hơn kế hoạch ban đầu.

Chợ bán lẻ giảm giá

Cụ thể, những địa điểm, không gian kinh doanh thời vụ mặt hàng Tết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như khu vực Nhà Văn hóa Thanh Niên, Cung Văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, phiên chợ Tết Xanh-Quà Việt... đều đã ngưng bán từ ngày hôm nay (ngày 28 tháng Chạp) thay vì dự kiến kết thúc vào ngày 29-30 tháng Chạp như kế hoạch ban đầu.

Bên cạnh đó, ban tổ chức những hoạt động này đã hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh thu dọn gian hàng để trả lại mặt thông thoáng cho thành phố, cũng như đảm bảo cho phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Tại mạng lưới bán lẻ truyền thống, số lượng người dân mua sắm đổ về các chợ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh tăng gấp hai và ba lần so với ngày thường.

Tuy nhiên, một số tiểu thương cho biết sức mua trên thị trường vẫn yếu do người tiêu dùng chỉ mua sắm đủ dùng và mặt hàng cần thiết, chứ không tăng cường mua sắm Tết như những năm trước.

Theo chị Hải Anh, tiểu thương ngành hàng trái cây ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, sức mua tăng cao tập trung vào mặt hàng phục vụ cho mâm ngũ quả chưng Tết như cầu, dừa, đủ đu, xoài, sung...; hoặc chủng loại trái cây có thể bảo quản thời gian dài đáp ứng nhu cầu chưng, cúng như bưởi da xanh, dưa hấu, thanh long, quýt đường, táo, lê...

[TP. HCM: Nhiều ngành hàng giảm giá sâu trước ngày cận Tết]

Chị Hải Anh cũng cho biết, hiện giá cả ngành hàng trái cây giảm từ 5-20% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy theo loại. Riêng chỉ có một số loại trái cây hút hàng hoặc sản phẩm loại 1 mới duy trì được mức giá bán cao.

Điển hình, mặt hàng bưởi da xanh Bến Tre loại 1, có trọng lượng từ 1,5-2kg có giá bán bình quân 65.000 đồng/kg; còn bưởi da xanh từ những tỉnh, thành khác và sản phẩm loại 2 và 3, có trọng lượng từ 1,5kg trở xuống, mức giá bán dao động từ 30.000-45.000 đồng/kg.

Một số mặt hàng khác như dưa hấu không hạt tròn vỏ sọc xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang và Long An có giá từ 22.000-25.000 đồng/kg; dưa hấu tròn vỏ đen không hạt xuất xứ từ tỉnh Long An 20.000 đồng/kg; xoài cát Hò Lộc từ 65.000-70.000 đồng/kg; quýt đường 55.000 đồng/kg...

Ở ngành hàng rau củ cũng có nhiều mặt hàng giảm giá tư 5-20% so với cùng kỳ năm trước như xà lách mỡ Đà Lạt hiện có giá bán chỉ 30.000 đồng/kg; bí ngòi xanh 25.000 đồng/kg; bầu 16.000 đồng/kg, đậu cove 32.000 đồng/kg...

Trong khi đó, ngành hàng thịt gia súc, gia cầm có xu hướng giảm nhẹ và nguồn cung dồi dào đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Liên quan đến mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, ông Thanh Tân, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện giá bán lẻ nhiều sản phẩm thịt lợn đã giảm từ 2.000-5.000 đồng/kg, tùy theo chủng loại.

Điều này giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm hơn, khi phổ biến từ ngày 27-29 tháng Chạp là thời điểm sức mua tăng cao ở mặt hàng thịt lợn các loại.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Thanh Dung, cư ngụ tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, món thịt kho hột vịt là món ăn truyền thống trong Tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt. Mặc dù trong ngày thường khi giá cả hàng hóa tăng cao, người dân có thể lựa chọn những sản phẩm thay thế, nhưng đối với ngày Tết thì hầu như nhà nào cũng phải có món thịt kho hột vịt. Do đó, việc mặt hàng thịt lợn có giá cả ổn định, nguồn cung dồi dào đã tạo điều kiện cho người dân có Tết sum vầy hơn.

Siêu thị tăng khuyến mãi

Không kém phần cạnh tranh, tại hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, không khí bán buôn cũng khá sôi động với lượng khách hàng mua sắm nhộn nhịp.

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tất cả nhà bán lẻ đều tăng khung giờ mở cửa hoạt động thêm từ 2-4 giờ/ngày.

Sức mua hàng Tết tại TP.HCM tăng yếu dù giảm giá sâu ảnh 1Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh mua các mặt hàng phục vụ cho mâm ngũ quả. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Hiện hệ thống bán lẻ thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Smile mở cửa phục vụ khách hàng từ 6 giờ đến 23 giờ; riêng Co.op Food mở cửa từ sớm 5 giờ 30 cũng đến 23 giờ đêm. Báo cáo sơ bộ về sức mua trên toàn hệ thống Saigon Co.op cho thấy, sức mua tập trung vào đa dạng mặt hàng phục vụ cho nhu cầu chưng, cúng và ăn uống tại nhà của người dân.

Cụ thể, nhóm hàng bia, nước ngọt và các loại nước giải khát; dầu ăn, sữa; thịt gia súc, gia cầm, thịt nguội... có sức mua tăng khoảng 20% so với tuần trước. Nhóm bánh kẹo, mứt và hàng thời trang chỉ tăng nhẹ với mức khoảng 10% so với tuần trước.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, bà Hồ Thị Hồng Đào, Phó Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho hay, Saigon Co.op đã kích hoạt chế độ phòng chống dịch tại khu mua sắm tự chọn và cả khu văn phòng làm việc.

Song song đó, đồng loạt thực hiện quy định 5K "Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo" trên toàn hệ thống bán lẻ nhằm bảo đảm môi trường mua sắm an toàn.

"Hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op vẫn hoạt động bình thường và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh việc giảm giá sâu nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Saigon Co.op khởi động chương trình giảm giá 50% khẩu trang kháng khuẩn các loại cho người tiêu dùng," bà Hồ Thị Hồng Đào chia sẻ thêm. 

Theo các sở, ngành, nhà bán lẻ và Ban quản lý chợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tính tới thời điểm này, nguồn cung hàng hóa nhập về thị trường thành phố dồi dào, đảm bảo chất lượng và giá cả ổn định. Đặc biệt, có nhiều ngành hàng không chỉ có giá giảm so với cùng kỳ năm trước, mà còn giảm so với ngày thường.

Đại diện Công ty quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, lượng hàng về chợ đang ở mức cao với từ 3.800-4.000 tấn/ngày (trung bình ngày thường 2.500 tấn/ngày) nhưng sức mua khá yếu. Tương tự, đại diện Công ty quản lý chợ đầu mối Thủ Đức cũng cho biết sức mua mùa Tết năm nay yếu hơn hẳn mọi năm do ảnh hưởng thông tin dịch bệnh.

Các đơn vị này cũng dự báo, với sự chuẩn bị nguồn hàng từ sớm và có kế hoạch dự trữ nên thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không xảy ra hiện tượng khan hàng sốt giá hay đứt hàng cục bộ.

Mặt khác, hiện nhiều nhà bán lẻ đang "chạy" khuyến mãi khủng lên đến 50%, áp dụng đối với nhóm ngành hàng nông sản, thực phẩm; điện máy-điện gia dụng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục