Sức nóng từ cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng công kích Trung Quốc, ngày càng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang phải chật vật tìm cách đối phó với một nhà lãnh đạo khó đoán định này.
Sức nóng từ cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump duyệt đội danh dự tại lễ đón ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 9/11/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng theaustralian.com.au đưa tin, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng công kích Trung Quốc, ngày càng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang phải chật vật tìm cách đối phó với một nhà lãnh đạo khó đoán nhưng cũng rất quyết tâm này.

Chiến lược rõ ràng của Trump là miêu tả Trung Quốc như kẻ thù công khai số 1 của Mỹ trong thương mại, và giờ là thông qua các cuộc tuần tra cùng các nước phương Tây ở Biển Đông để gia tăng các thách thức đối với Trung Quốc.

Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỉ mỉ đối phó với từng bình luận của phía Mỹ, và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ bày tỏ sự không hài lòng của chính phủ Trung Quốc đối với từng bài viết trên báo chí sở tại, vẫn chưa rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch đối phó với một cuộc Chiến tranh Lạnh mới từ Washington như thế nào.

Giới chức liên tục phàn nàn về những tuyên bố theo kiểu Chiến tranh Lạnh, song có một điều ngày càng rõ ràng là Tổng thống Trump không quan tâm tới những bình luận này và sẵn sàng lôi kéo các đồng minh của mình, kể cả Australia, vào chiến dịch ở Biển Đông.

Sau nhiều năm hành xử bất công và chèn ép các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tiến hành những hoạt động xây dựng đảo trái phép một cách ngang nhiên ở Biển Đông, Trung Quốc ngày nay đang phải đối mặt với một lực lượng phản đối mạnh mẽ và không bị ràng buộc bởi bất kỳ nguyên tắc truyền thống nào.

Rõ ràng cuộc chiến thương mại mà Bắc Kinh đang vướng vào không thể được giải quyết bằng những cuộc đàm phán thông thường giữa giới chức, những cuộc gặp chỉ để đưa ra những nhượng bộ ít ỏi hay hứa hẹn nào đó.

Bài phát biểu hồi tuần trước của Phó Tổng thống Mike Pence, người không ngần ngại lên án Trung Quốc về vấn đề thương mại, tự do ngôn luận, nhân quyền và gián điệp, là một thông điệp tuyên chiến thu nhỏ.

Nhà quan sát Bill Bishop bình luận: “Bài phát biểu của Pence đánh dấu một cách chính thức kỷ nguyên căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Trung.” 

[Liệu có nguy cơ hiện hữu Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung?]

Chris Johnson, cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng phát biểu trên phản ánh “một thay đổi cơ bản trong cách nhìn nhận Trung Quốc của Mỹ.”

Ông cho rằng giới lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều bắt đầu nhận ra rằng đối phương là kẻ thù không khoan nhượng, và rằng phía trước là cuộc cạnh tranh toàn cầu về ảnh hưởng, và thậm chí là bá quyền.

Trung Quốc đã phản hồi bình luận của Phó Tổng thống Mike Pence một cách chi tiết, khẳng định những cáo buộc là vô căn cứ.

Những kết luận mà Trung Quốc đưa ra không khác so với bình thường rằng: Trung Quốc hy vọng Mỹ thấu hiểu. Tuy nhiên, ngày càng rõ ràng rằng điều đó không bao giờ xảy ra và thế giới đang dần chứng kiến một giai đoạn căng thẳng mới giữa hai nền kinh tế hàng đầu.

Bloomberg mới đây đưa tin nói rằng Quân Giải phóng Nhân dân đã cài các vi mạch vào bo mạch chính nhập khẩu sang Mỹ để có thể thực hiện hành vi nghe lén và gián điệp.

Apple và Amazon phủ nhận thông tin này song từng đó cũng đủ để người ta cảm nhận một bầu không khí theo kiểu chiến tranh lạnh đang bao trùm quan hệ song phương.

Tuần trước, cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoff Raby nói với Bloomberg rằng Bắc Kinh đã đánh giá “cực kỳ” thấp Tổng thống Trump và khả năng ông tỏ ra cứng rắn cũng như quy tụ sự ủng hộ của cử tri trong nước.

Thậm chí có người còn cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã không có cái nhìn đúng đắn về Trump và vì vậy xử lý sai lầm mối quan hệ Mỹ-Trung.

Những người lạc quan cho rằng Trump chỉ đang nỗ lực thể hiện mình trước cuộc bầu cử giữa nhiệm vào ngày 6/11 tới, và mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc có thể sẽ được hàn gắn phần nào tại các cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G-20 tại Argentina cuối tháng 11.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người lo ngại rằng mọi chuyện còn trầm trọng hơn thế. Chủ tịch Tập Cận Bình có kế hoạch gì để đối phó với Trump, và mọi chuyện sẽ đi tới đâu, vẫn là điều chưa ai dám chắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục