Sức sống mãnh liệt của khu rừng chiến khu D lịch sử ở Bình Phước

Khu rừng già nguyên sinh hàng trăm năm tuổi tại chiến khu D, có cây đường kính 5-6 người ôm đầy vẻ kiêu hãnh, đang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi những cựu chiến binh từng được khu rừng này che chở...
Sức sống mãnh liệt của khu rừng chiến khu D lịch sử ở Bình Phước ảnh 1Cây di sản được bảo vệ nghiêm ngặt. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Khu rừng già nguyên sinh hàng trăm năm tuổi tại chiến khu D hay còn gọi là rừng Mã Đà, ở xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cách trung tâm tỉnh hơn 30km.

Với diện tích trên 512ha, khu rừng già này hiện đang là “lá phổi xanh” bảo vệ cho cả vùng Đông Nam Bộ. Khu rừng già quý hiếm, có cây đường kính 5-6 người ôm đầy vẻ kiêu hãnh đang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi những cựu chiến binh từng được khu rừng này che chở...

Vẻ đẹp kiêu hãnh

Cuối tháng 10/2018, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (66 tuổi, thương binh 4/4, cựu chiến binh Ban liên lạc Khối tình báo B.58) dẫn về tham quan khu rừng chiến khu D.

Cái nắng gắt vùng Đông Nam bộ đã được xua tan bởi không khí trong lành toát ra từ rừng xanh.

Dẫn chúng tôi vào lõi khu rừng còn có anh Phan Văn Trí (43 tuổi, ngụ xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú), nhân viên bảo vệ rừng. Do anh Trí đã quá quen ngõ ngách trong khu rừng này nên việc đi lại dễ dàng hơn. Còn cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Tươi, dù đã ở cái tuổi ngoài 60 nhưng những bước chân của bà vẫn rất nhanh nhẹn.

Cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Tươi vừa đi vừa kể khu rừng này trước đây do Ban liên lạc Khối tình báo B.58 quản lý và bảo vệ. Đến năm 2008, khu rừng này được giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ B.58 Bình Phước (Công ty B.58 ) do bà Tươi cùng chồng đứng đầu phối hợp với các cựu chiến binh tỉnh quản lý.

Càng đi sâu vào khu rừng, chúng tôi tận mắt chứng kiến những thảm rừng còn nguyên vẹn. Hai bên lối hẹp tuần tra, nhiều dấu vết heo rừng cày bới tìm thức ăn. Những loạt dây leo chằng chịt quấn vào nhau toát lên cảnh hùng vĩ, hiểm trở của thiên nhiên. Bên cạnh đó, còn có nhiều loại gỗ quý hiếm như lim, bằng lăng, chò, trường...

Ngồi dưới gốc cây có chu vi gần 12m, anh Trí cho biết anh tham gia bảo vệ rừng đã hơn chục năm nay. Anh và các cựu chiến binh rất quý khu rừng này. Dù các lần tuần tra phải len lỏi trong khu rừng, vượt suối vất vả, nhiều lần phải đối mặt nguy hiểm nhưng anh thấy rất vui.

Rừng chiến khu D hiện có nhiều cây bằng lăng, bình linh, gõ mật, cơ nia, sồi, huỳnh đường, da, trường… Những cây bằng lăng có chiều cao từ 20-35m, chu vi từ 4-6m; cây cơ nia cao từ 20m đến hơn 50m, chu vi từ 3-12m và nhiều loại cây khác đã tạo nên giá trị của khu rừng này.

Chính vẻ đẹp tự nhiên, giá trị về thời gian, lịch sử đã giúp 54 cây thuộc 13 loài trong khu rừng này được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2014.

Có lẽ đây là một trong ít những khu rừng được giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt ở Bình Phước. Nhắc đến Bình Phước nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh một tỉnh miền núi với những cánh rừng bạt ngàn, thế nhưng trên thực tế, hiện nay diện tích rừng ở Bình Phước chủ yếu là cao su, điều hay cây trồng khác.

Sức sống mãnh liệt của khu rừng chiến khu D lịch sử ở Bình Phước ảnh 2Cây cổ thụ được công nhận là cây di sản tại rừng Mã Đà. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Chính vì rừng “biến mất” với tốc độ nhanh chóng nên chuyện hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng Tươi cùng đồng đội tuy tuổi cao, sức yếu vẫn giữ được rừng nguyên vẹn rất đáng trân trọng.

Rừng gắn với lịch sử cách mạng

Rừng Mã Đà thuộc tiểu khu 379, từng là căn cứ cách mạng, trụ sở Bộ tư lệnh miền Đông Nam Bộ. Khu rừng này hiện vẫn còn vét đường hầm, địa đạo ghi dấu một thời hoạt động kháng chiến của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh các nhà cách mạng…

Hiện nay, để khu khu rừng được bảo vệ an toàn, lãnh đạo Công ty B.58 thành lập 5 chốt với 25 bảo vệ hầu hết là cựu chiến binh hoặc con em họ để gác rừng 24/24.

Cựu chiến binh Trần Quang Hoa cho biết nguyện vọng của các cựu chiến binh giữ rừng là để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” kết hợp giữa du lịch sinh thái và địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử cho thế hệ sau. Các cựu chiến binh cùng nhân viên ở đây rất tâm huyết để cánh rừng này càng được nguyên vẹn.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước Lê Đức Hùng chia sẻ nhiều cựu chiến binh đã gắn bó với khu rừng này hơn 20 năm nay và bảo vệ rất tốt. Nơi đây có nhiều bộ đội đã hy sinh nên các cựu chiến binh quyết tâm giữ rừng, sau này trở thành khu sinh thái, xây dựng bia tưởng niệm các anh hùng đã ngã xuống.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Hòa Hà Trung Tuấn cho biết công tác giữ rừng được chính quyền các cấp rất quan tâm. Nhờ có Công ty B.58 và các cựu chiến binh rừng ở khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện nay, đơn vị vẫn chưa được hưởng kinh phí giữ rừng nên các cựu chiến binh cũng như địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Để bảo vệ hàng trăm ha rừng già nguyên sinh này, hằng năm, những cựu chiến binh phải chi hơn 1 tỷ đồng cho chi phí tuần tra, bảo vệ. Các cựu chiến binh liên tục thay phiên nhau tuần tra bởi hiện nay, rừng chính là mục tiêu của nhiều đối tượng xấu. Nhiều lần, chúng lén lút đánh dấu đòi chặt hạ nhưng đã bị lực lượng bảo vệ phát hiện và kịp thời có phương án ngăn cản.

Sức sống mãnh liệt của khu rừng chiến khu D lịch sử ở Bình Phước ảnh 3Các cựu chiến binh tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Hồng Tươi cho biết: "Chúng tôi đã gắn bó với rừng từ lâu. Việc giữ lại rừng này xuất phát từ việc bảo vệ tài nguyên rừng tự nhiên, giữ lại dấu ấn chiến khu D nên cựu chiến binh chúng tôi cùng nhau góp sức bảo vệ cho tốt. Chúng tôi mong muốn, nơi đây trở thành điểm cựu chiến binh gặp gỡ ôn lại chiến khu D lịch sử, điểm du lịch sinh thái cũng như địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử cho thế hệ sau."

Thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, đều đánh giá Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất, Thương mại, Dịch vụ B.58 Bình Phước giữ rừng tốt. Đến nay, khu rừng Chiến khu D còn nguyên vẹn hàng trăm cây cổ thụ có giá trị.

Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước, Công ty B.58 được Thanh tra Chính phủ quyết định cho phép tôn tạo, bảo vệ và phát triển du lịch sinh thái rừng căn cứ cách mạng Chiến khu D./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục