Trước thềm kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, không khí ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở nên đông đúc, tấp nập hẳn lên. Sáng nay (1/6), các sỹ tử khắp nơi đổ về đây cầu may, những mong đạt kết quả tốt trong kỳ "vượt vũ môn" sắp tới. Vượt hàng chục kilômét để… sờ đầu rùa Văn Miếu-Quốc Tử Giám sáng nay đông như trảy hội. Khách đến thăm quan phải xếp hàng dài mua vé. Anh Nguyễn Bình, nhân viên bán vé nơi đây cho biết: “Trong vài ngày trở lại đây, số người đến Văn Miếu tăng đột biến. Ban quản lý liên tục phải bổ sung thêm vé. Dự kiến trong sáng hôm nay, lượng khách phải đạt đến con số vài nghìn.” Mặc dù trước cửa bán vé có treo tấm biển ghi rất rõ khách đến nếu có thẻ học sinh, sinh viên sẽ được giảm giá 50%, khách thăm quan Văn Miếu cũng chủ yếu là đối tượng này nhưng theo quan sát của phóng viên, hầu như rất ít bạn sử dụng tới thẻ để được miễn giảm. Bác Hồng Hạnh (Thanh Xuân) đưa con gái đến Văn Miếu cầu may giải thích: "Vé vào cổng chỉ có 20 ngàn đồng, không đắt lắm nên không cần phải xin giảm giá. Đi cầu may thì cũng không nên so đo, tính toán, 'thoáng' chút mới có lộc được." Phần lớn các bạn học sinh đến đây đều “chung một nỗi lo” vì thi tốt nghiệp không chỉ thi các môn "thế mạnh" theo ban được học mà còn thi các môn trái ban. “Chúng em không chỉ mong vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp mà còn hi vọng sẽ đạt kết quả cao. Vì thế, vượt qua được kỳ thi mà kể cả môn trái ban vẫn không bị điểm dưới 8 để đạt loại giỏi hoặc dưới 7 để đạt loại khá thì cũng tương đối khó,” bạn Thu Hương, học sinh trường Trung học Phổ thông Đống Đa, cho biết. Không chỉ những sỹ tử ở khu vực trung tâm Hà Nội mới đến Văn Miếu mà cả những bạn từ ở khá xa như Hà Đông, Bắc Ninh… cũng “lặn lội” lên tận nơi. “Em và các bạn từ Bắc Ninh lên đây, phải đi ba chặng xe buýt, rồi liên tục phải hỏi thăm những người đi đường mới tìm được tới nơi. Tuy mệt nhưng vẫn thấy vui,” bạn Hoàng Nam, học sinh trường Trung học phổ thông Quế Võ, Bắc Ninh, chia sẻ. “Thực tế, em không mê tín nhưng đến đây thành tâm thắp hương, em cảm thấy yên lòng và bình tâm hơn,” Nam nói thêm. Nghe nói trước kỳ thi, sờ đầu rùa sẽ rất may mắn nên cho dù Ban quản lý di tích có chăng dây bảo vệ, nhóm bạn của Nam cũng nhất quyết sờ đầu rùa cho bằng được. Không liều lĩnh như các bạn ở Hà Nội, nhảy qua sợi dây để vào sờ "cụ rùa” rồi lại chạy ra ngay, nhóm của Nam chọn phương pháp, người hết sức với vào-người kéo tay giữ đằng sau để bạn khỏi ngã.
Một số sỹ tử tranh thủ lúc bảo vệ không có mặt, né ống kính máy ảnh để chạy vào sờ đầu rùa.
(Ảnh: P.V/Vietnam+)
(Ảnh: P.V/Vietnam+)
“Yểm bùa” vào bút Đến Văn Miếu cầu may, một “quy trình” đầy đủ mà một số sỹ tử đặt ra là thắp hương khấn vái, sờ đầu rùa, viết chữ lên bảng vàng, sờ chuông… Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, đa phần các sỹ tử đều thắp hương và khấn vái rất thành tâm với mong ước đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Đặc biệt ấn tượng, trong lúc khấn vái, một số sỹ tử còn dùng bút thay cho nhang khói với hi vọng có được sự phù hộ may mắn. “Em thắp nhang ở lư hương to ngoài kia, rồi vào đây chắp bút để khấn vái. Cách này là do các anh chị đi trước dặn, làm như vậy thì sẽ được thuận lợi hơn trong thi cử,” Giang - cô học trò trường Trung học Phổ thông Vân Tảo (Thường Tín) không giấu nổi sự ngại ngùng… Như vậy vẫn chưa thật an tâm, hầu hết các sỹ tử đến đây đều cố gắng chen vào chỗ “bảng vàng” để viết những điều ước, những lời cầu khấn, hi vọng công thành danh toại. Họ cho rằng, việc viết tên mình lên “bảng vàng” sẽ khiến thuận lợi hơn trong thi cử. Vẻ mặt đăm chiêu, thành tâm, chỉ tay về phía dãy bảng, Phương Liên, Trung học phổ thông Cầu Giấy, chia sẻ: “Đến đây mà không thành tâm viết những điều ước lên đó thì còn gọi là đến Văn Miếu cầu may. Tuy chỉ là dùng đầu ngón tay viết lên tấm gỗ được sơn son thiếp vàng, không để lại ‘dấu vết’ nhưng em cũng cảm thấy rất an lòng." Độc giả có thể xem chùm ảnh sỹ tử tại Văn Miếu sáng nay ở đây./.
Nhóm PV (Vietnam+)