Sỹ tử khăn gói lên Thủ đô, bến xe lộn xộn

Tại các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Hà Đông, Nước Ngầm hôm nay đều chật cứng phụ huynh và thí sinh với balô, tay nải đi ứng thí.
Vừa bước chân xuống bến, chưa kịp hồi lại sau mấy lần nôn thốc nôn tháo vì say xe, Nguyễn Thị Thanh (Cẩm Khê, Phú Thọ) đã thấy vây quanh mình tới bốn đứa trẻ ăn mặc rách rưới chìa mũ ra xin tiền.

“Cái bang” tung hoành

Lượng sĩ tử tại các bến xe hôm nay tăng đột biến so với ngày hôm qua. Tại các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Hà Đông, Nước Ngầm đều chật cứng phụ huynh và thí sinh với balô, tay nải đi ứng thí. “Hôm qua chúng tôi chỉ chạy một xe, nhưng hôm nay phải tăng cường thêm 2 xe nữa mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu”, anh Trần Văn Sử, chạy xe tuyến Thái Bình – Hà Nội (bến Giáp Bát) nói.

Đây cũng là cơ hội làm ăn của rất nhiều đối tượng, đặc biệt là lực lượng “cái bang”. Trước bốn gương mặt trẻ thơ nhem nhuốc nhìn rất tội, Thanh đành rút ví. “Trong trong túi chỉ có hai đồng 2.000 đồng, chẳng lẽ lại cho đứa này ít, đứa kia nhiều, nên em đành cho mỗi đứa 10.000 đồng. Cũng là làm phúc lấy may trước kỳ thi”, Thanh chia sẻ.

Không chỉ Thanh, làm phúc lấy may cũng là tâm lý của hầu hết các sĩ tử trước kỳ thi có tính bước ngoặt. Các “cái bang” vì thế càng có điều kiện thuận lợi để “móc túi” thí sinh và phụ huynh. Trong 10 phút ngồi chờ chị gái ra đón, Trần Thanh Thủy, học sinh trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa I (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã bị xin tiền đến 5 lần. Cô học sinh vì thật thà và thương người nên mỗi lần “ủng hộ” 5.000 đồng.

Bên cạnh “cái bang”, nhóm “tăm tre nhân đạo" cũng đông đảo không kém. Tại bến Mỹ Đình, lực lượng bán tăm đứng thành hàng ngay từ cổng vào.

Vừa chân ướt chân ráo xuống bến, Nguyễn Thị Thành (quê Phú Thọ) chưa kịp định thần thì đã có một chị nói năng nhẹ nhàng tiến đến mời “mua tăm tình nghĩa”. Trong khi Thành vẫn còn ngớ người không hiểu gì thì chị này đã xin Thành “ủng hộ” 10.000 đồng và đề nghị ký vào cuốn sổ “ghi danh”.

Lái xe, xe ôm phớt lờ luật giao thông

Tình trạng vi phạm luật giao thông trong ngày hôm nay cũng gia tăng đột biến. Nhà xe chở gấp rưỡi, gấp đôi so với quy định, còn xe ôm kẹp đôi, kẹp ba là… chuyện thường. “Lượng người đi tăng mạnh nên xe có 40 ghế nhưng phải tải lên tới 60 người. Chúng tôi cũng phục vụ với tinh thần tất cả vì thí sinh thôi”, anh Trần Văn Sử bao biện.

Tại các bến xe, các thí sinh đi cùng nhau hoặc thi gần địa điểm nhau thường được các bác xe ôm tranh thủ chở đôi, chở ba để “tiết kiệm xăng”. “Những ngày này công an không bắt đâu mà sợ”, một xe ôm cười xòa nói khi thí sinh lo bị công an phạt. Một bác xe ôm khác thẳng thừng: “Chở hai người từ Mỹ Đình về Sân vận động Quốc gia giá 30.000 đồng. Trong khi nếu hai đứa đi hai xe mất 40.000 đồng. Các cháu thêm người thì bớt tiền, bác thêm người là thêm tiền, lại tăng được số lượng chuyến, tội gì!”.

Sợ xui xẻo, “đầu không xuôi thì đuôi không lọt” nên Nguyễn Thị Hà (Kiến Xương, Thái Bình) không dám kẹp đôi vì lo bị công an phạt. Xuống bến, Hà cũng phải chọn một bác xe ôm… “ưa nhìn”, nghĩa là có vẻ hiền lành, phúc hậu. Nhưng khi ngồi lên xe rồi, cô bé mới tá hỏa vì bác xe ôm “có vẻ hiền lành” phóng vù vù. “Đi có một đoạn mà em phải nhắc bác ấy liên tục là bác đi từ từ thôi. Về tới nhà người quen mới biết mình… còn sống. Hú vía!”, Hà nói mà vẫn chưa hết bàng hoàng.

Trước thái độ coi thường luật lệ giao thông của tài xế, xe ôm, ông Đào Vịnh Thắng, Phó Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội khẳng định cảnh sát giao thông sẽ xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm. Càng vào những ngày giáp thi, sĩ tử lên Hà Nội đông hơn thì kỷ cương càng phải thắt chặt để đảm bảo an ninh trật tự cũng như sự an toàn cho thí sinh. “Các thí sinh cũng phải có ý thức tuân thủ luật lệ, nếu xảy ra sự cố thì không chỉ ảnh hưởng tới kỳ thi trước mắt mà còn cả tương lai lâu dài của các em”, ông Thắng nói./.
Nguyễn Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục