Syria đã đưa toàn bộ vũ khí hóa học ra khỏi lãnh thổ

Các tổ chức quốc tế cùng xác nhận chuyến tàu cuối cùng chở các loại hóa chất có thể sử dụng làm vũ khí hóa học đã rời khỏi lãnh thổ Syria.
Syria đã đưa toàn bộ vũ khí hóa học ra khỏi lãnh thổ ảnh 1Tàu Đan Mạch "Ark Futura" đến cảng Latakia (Syria), tham gia vận chuyển hóa chất độc khỏi Syria để tiêu hủy ngày 7/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tiến trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria đã đạt được bước tiến lớn sau khi các tổ chức quốc tế xác nhận chuyến tàu cuối cùng chở các loại hóa chất có thể sử dụng làm vũ khí hóa học đã rời khỏi lãnh thổ nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 23/6, Ủy ban hỗn hợp giữa Liên hợp quốc và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) thông báo chuyến tàu cuối cùng chở các hóa chất có thể dùng làm vũ khí đã rời khỏi cảng Latakia của Syria.

Trước đó, Syria đã vận chuyển 92% kho vũ khí hóa học của mình ra nước ngoài để tiêu hủy theo thỏa thuận do Nga và Mỹ làm trung gian nhằm tránh nguy cơ bị Mỹ không kích.

Tuy nhiên, việc vận chuyển 8% số vũ khí hóa học còn lại bị trì hoãn do Damascus quan ngại không đảm bảo được an ninh trong quá trình vận chuyển số vũ khí này đến cảng Latakia.

Bộ Ngoại giao Syria cũng xác nhận chuyến tàu trên đã rời khỏi lãnh thổ Syria. Damascus coi đây là một thành công của tiến trình phá hủy kho vũ khí hóa học, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Israel tham gia vào thỏa thuận tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Chủ tịch OPCW Ahmet Uzumcu tuyên bố việc đưa toàn bộ các hóa chất nguy hiểm này ra khỏi Syria là điều kiện cơ bản trong chương trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Bên cạnh việc hoàn thành hoạt động di dời, Syria đã chấm dứt mọi hoạt động sản xuất, phá bỏ các thiết bị và đầu đạn dùng để chứa nguyên liệu cũng như nhiều tòa nhà liên quan đến chương trình vũ khí hủy diệt như đã công bố.

Ủy ban ghi nhận sự cam kết và hợp tác mang tính xây dựng của Chính phủ Syria trong suốt quá trình phá hủy hoặc di dời các nguyên liệu vũ khí hóa học.

Ủy ban cũng đánh giá cao đóng góp của một số nước thành viên đã cung cấp các nguồn lực quan trọng hỗ trợ tiến trình thủ tiêu kho vũ khí hóa học ở Syria.

Trưởng phái bộ OPCW và Liên hợp quốc, ông Sigrid Kaag, đánh giá bằng việc chuyển số hóa chất cuối cùng ra khỏi Syria, Damascus đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn nhất.

Quan chức này khẳng định điều quan trọng nhất là đưa được toàn bộ số hóa chất nguy hiểm nói trên ra khỏi lãnh thổ Syria, sau đó sẽ thực hiện các công đoạn tiêu hủy chúng một cách an toàn cũng như đảm bảo số hóa chất này sẽ không rơi vào tay những đối tượng nguy hiểm. Nga cũng bày tỏ sự hài lòng sâu sắc và gọi đây là "sự kết thúc thành công của một nhiệm vụ quốc tế có quy mô lớn."

Theo kế hoạch, chuyến tàu nói trên sẽ cập cảng Gioia Tauro của Italy trong vòng một tuần, sau đó số hóa chất sẽ được bốc dỡ sang tàu Cape Ray của Mỹ để tiến hành tiêu hủy ngoài biển.

Dự kiến quá trình này kéo dài 60 ngày.

Người đứng đầu OPCW cho biết hầu hết kho vũ khí hóa học của Syria sẽ được tiêu hủy trong vòng bốn tháng tới và tiến trình này sẽ được thực hiện cả ở Mỹ, Anh và Phần Lan.

Trong khi tiến trình thủ tiêu kho vũ khí hóa học tại Syria đã được kết quả, cuộc khủng hoảng tại quốc gia này tiếp tục trầm trọng trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Syria leo thang.

Ngày 23/6, Chính phủ Syria cáo buộc Israel "vi phạm trắng trợn" chủ quyền khi tấn công nhiều mục tiêu quân sự trong lãnh thổ nước này nhằm hậu thuẫn phe nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, trong tuyên bố chính thức đầu tiên, Bộ Ngoại giao Syria khẳng định năm máy bay Israel đã thực hiện các cuộc oanh kích khiến bốn người Syria thiệt mạng và chín người khác bị thương.

Tuyên bố cáo buộc hành động của Israel đã thể hiện chính sách ủng hộ trực tiếp của Tel Aviv đối với những kẻ khủng bố trong khu vực, trong bối cảnh chính quyền Syria đang nỗ lực xây dựng hòa bình.

Thông báo của Syria được đưa ra sau khi không quân Israel tấn công chín mục tiêu quân sự, trong đó có các trung tâm chỉ huy, để đáp trả vụ bắn tên lửa qua biên giới ngày 22/6 khiến một thiếu niên Israel thiệt mạng và ba người khác bị thương trên Cao nguyên Golan.

Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cho biết cuộc oanh kích của Israel đã giết hại 10 người, phá hủy hai xe tăng và bảy chốt quân sự của phía Syria. Sự kiện này được xem là vụ việc nghiêm trọng nhất tại vùng biên giới này kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến tại Syria năm 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục