Tác giả Asterix trở lại tưởng nhớ nạn nhân vụ Charlie Hebdo

Họa sỹ truyện tranh đứng sau bộ truyện huyền thoại "Asterix" của Pháp đã trở lại sau thời gian dài gác bút để tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố tạp chí Charlie Hebdo.
Tác giả Asterix trở lại tưởng nhớ nạn nhân vụ Charlie Hebdo ảnh 1Họa sỹ Albert Uderzo. (Nguồn: Getty Images)

Họa sỹ truyện tranh đứng sau bộ truyện huyền thoại "Asterix" của Pháp đã trở lại sau thời gian dài gác bút để tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố tạp chí Charlie Hebdo.

Albert Uderzo đã công bố hai bức tranh vẽ mới để thể hiện sự đoàn kết với các họa sỹ biếm đã bị sát hại trong ngày thứ Tư tuần này. Các bức tranh được ông chia sẻ trên tài khoản Twitter chính thức của Asterix.

Một bức tranh có cảnh Asterix tuyên bố: "Moi aussi je suis un Charlie" (Tôi cũng là Charlie).

Bức khác có hai nhân vật chính Asterix và Obelix tay cầm mũ đang cúi đầu đau khổ. Trong tranh này Asterix còn cầm bông hồng ở một tay và chú chó Dogmatix của họ ngoái lại nhìn phía sau đầy buồn bã.

Họa sỹ nay đã 87 tuổi nói với tờ Le Figaro: "Charlie (Hebdo) và Asterix hiển nhiên chẳng có liên quan gì tới nhau. Tôi đơn giản là muốn thể hiện sự cảm thông với những họa sỹ đã phải trả giá bằng mạng sống của họ. Giờ những họa sỹ trẻ phải vào cuộc và tôi chúc họ có sự can đảm. Họ sẽ ghi nhớ trong tâm trí thảm kịch tồi tệ này đã xảy ra với đồng nghiệp của mình, điều không ai ngờ đến."

Tác giả Asterix trở lại tưởng nhớ nạn nhân vụ Charlie Hebdo ảnh 2Một trong hai bức tranh vẽ ủng hộ những nạn nhân vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo. (Nguồn: Asterix)

Ông cũng thể hiện sự giận dữ trước vụ tấn công, cho biết thêm: "Làm sao chúng có thể thực hiện những hành động gây kinh sợ như vậy? Làm sao lại có những kẻ có thể giết cả người mà chúng không quen biết."

Kể từ khi vụ tấn công xảy ra, các họa sỹ truyện tranh và họa sỹ biếm trên khắp thế giới đã thể hiện sự phản kháng với các tay súng muốn khiến tạp chí Charlie Hebdo phải câm lặng.

Sử dụng hashtag #jesuischarlie, có nghĩa Tôi là Charlie trong tiếng Pháp, các nghệ sỹ đã chia sẻ những bức vẽ mạnh mẽ, thường là biếm họa, để cổ súy cho tự do báo chí, lên án bạo lực và thương tiếc những người đồng nghiệp vô tội đã mất mạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục