Tác giả “Nhớ con sông quê hương” đã ra đi

Nhà thơ Tế Hanh đã mãi mãi ra đi vào lúc 12 giờ 20 ngày 16/7, sau 10 năm đằng đẵng chập chờn trong vô thức vì tai biến não.
Nhà thơ Tế Hanh đã mãi mãi ra đi vào lúc 12 giờ 20 ngày 16/7, sau một thời gian dài đằng đẵng 10 năm chập chờn trong vô thức do một cơn tai biến não.

Nhà thơ Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20/6/1921, quê ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - một vùng gần biển có phong cảnh khá đẹp và dân cư sống chủ yếu bằng nghề chài lưới.

Có năng khiếu thơ ca từ nhỏ, lại được tiếp xúc với thơ văn lãng mạn Pháp nên Tế Hanh đã đến với phong trào Thơ mới như một lẽ tự nhiên. “Những ngày nghỉ học” là bài thơ đầu tiên của ông viết năm 1938.

Khi Thơ mới đã bắt đầu đi vào các đề tài siêu thực, siêu hình thì thơ Tế Hanh lại hấp dẫn người đọc bằng sự chân chất và tình cảm. Hàng loạt những bài như “Lời con đường quê”, “Những ngày nghỉ học”, “Chiếc rổ may” đã ghi lại dấu ấn của một trái tim nhân hậu… Là nhà thơ miền Nam tập kết ra Bắc, Tế Hanh luôn luôn hướng về quê hương.

Những bài thơ của Tế Hanh về đề tài đấu tranh thống nhất đất nước, về nỗi nhớ quê hương được xếp vào loại những bài thơ hay nhất, thành công nhất: “Nhớ con sông quê hương”, “Mặt quê hương”, “Nói chuyện với sông Hiền Lương”, “Chiêm bao”...

Ngay tên gọi các tập thơ của Tế Hanh cũng đã phần nào nói lên tình cảm ruột thịt giữa hai miền Nam-Bắc trong suốt 20 năm đấu tranh: “Lòng miền Nam” (1956), “Gửi miền Bắc” (1958), “Tiếng sóng” (1960), “Hai nửa yêu thương” (1963), “Khúc ca mới” (1966), “Đi suốt bài ca” (1970), “Câu chuyện quê hương” (1973)…

Tế Hanh viết rất nhiều và khá liên tục. Các tập thơ sau này như “Khúc ca mới” (1966), “Đi suốt bài ca” (1970), “Câu chuyện quê hương” (1973), “Theo nhịp tháng ngày” (1974), “Giữa những ngày xuân” (1977), “Con đường và dòng sông” (1980), “Bài ca sự sống” (1985), “Thơ Tế Hanh” (1989), “Giữa anh và em” (1992), “Em chờ anh” (1994)… đã ghi những dấu mốc quan trọng trên chặng đường sáng tạo của nhà thơ.

Nhà thơ Tế Hanh đã giành được Giải thưởng văn học Tự lực văn đoàn năm 1939, Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Hội Văn nghệ Liên khu V tặng và đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt I năm 1996.

Ông đã từng giữ các chức vụ: Ủy viên Thường vụ Hội khóa I, II, Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban Đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986)…/.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục