Tác phẩm văn học công an được công chúng yêu mến

Mảng văn học về lực lượng công an có số lượng lớn, trong đó nhiều tác phẩm mang tính chiến đấu và nhân văn được công chúng yêu mến.
Thời gian qua, mảng văn học công an đã có nhiều tác phẩm mang tính chiến đấu và nhân văn được công chúng yêu mến nhưng bên cạnh đó, mảng văn học này cũng còn có khoảng trống và để lọt nhiều lĩnh vực của cuộc sống trong văn chương.

Ý kiến trên đã được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh phát biểu tại Đại hội Chi hội Nhà văn Công an sáng nay 24/6, tổ chức ở Hà Nội.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, lực lượng các nhà văn công an với bản lĩnh của mình đã đấu tranh chống lại những tư tưởng sai trái, xây dựng giá trị đạo đức tốt đẹp cho văn học. Điều đó đã góp phần thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển đúng hướng là văn học yêu nước, dân chủ và nhân văn.

Những khó khăn chung hiện nay của nền văn học nước nhà là thị trường văn hóa mạng đang kéo văn học theo xu hướng nghiệp dư hóa. Bên cạnh đó, nhiều câu lạc bộ văn, thơ được thành lập nhưng lại lệch chuẩn, có những tác phẩm thiếu lành mạnh. Trước tình trạng đó, văn học công an đã loại bỏ được điều này.

Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an cũng nhận xét, hoạt động của chi hội đã đóng góp xứng đáng vào công tác tư tưởng và văn hóa văn nghệ của lực lượng công an. Số lượng văn học lớn, trong đó nhiều tác phẩm mang tính chiến đấu và nhân văn được công chúng yêu mến như những chương trình thơ, nhạc của nhà văn Hữu Ước diễn ra trong nhiều đêm vẫn thu hút được khán giả đến kín nhà hát, hoặc kịch phim truyền hình “Cảnh sát hình sự” của nhà văn Như Phong…

Theo báo cáo của Chi hội Nhà văn Công an, đến nay, chị hội có 32 hội viên, trong đó 16 người ở độ tuổi từ 40 đến 60, 13 hội viên trên 60 tuổi, chỉ có hai hội viên dưới 40 tuổi.

Chi hội đã kết hợp với các cơ quan báo chí, xuất bản tổ chức được 16 cuộc đi thực tế và chín trại sáng tác về đề tài bảo vệ an ninh quốc gia và bình yên cuộc sống. Qua đó đã có 270 lượt nhà văn trong và ngoài ngành dự trại, tạo ra hơn 100 tiểu thuyết, 250 truyện, ký vừa và ngắn, hơn 40 kịch bản sân khấu, phim truyện… có 60 cuốn sách được xuất bản và hàng trăm bài báo được in.

Tuy nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng chỉ ra những hạn chế trong Chi hội Nhà văn Công an đó là thiếu nhà văn ở các địa bàn trọng yếu, ví như trong số những nhà văn đang công tác chỉ có một thành viên ở Khánh Hòa, một ở Tuyên Quang, hai người ở Thành phố Hồ chí Minh, còn lại là ở Hà Nội. Điều này đã tạo khoảng trống và để lọt nhiều lĩnh vực của cuộc sống trong văn chương.

Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước thì nhận định, một thực trạng cần giải quyết ở chi hội này là, các nhà văn đã về hưu hiếm có điều kiện tiếp xúc với thực tế, bị thiếu thông tin, trong khi đó những nhà văn đang công tác ở các đơn vị được tiếp xúc nhiều với thực tế lại không có thời gian để sáng tác./.

Thúy Mơ ( Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục