Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: Giải quyết nợ xấu

Bên cạnh những thành công trong quá trình hội nhập, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã bộc lộ một số bất cập như trình độ quản trị, nguồn nhân lực còn yếu, tỷ lệ nợ xấu gia tăng, thanh khoản thấp…

Thực trạng này đặt ra vấn đề cấp bách phải tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay đối với tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phải bắt đầu từ giải quyết nợ xấu và rào cản của thủ tục vay vốn.
Bên cạnh những thành công trong quá trình hội nhập, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã bộc lộ một số bất cập như trình độ quản trị, nguồn nhân lực còn yếu, tỷ lệ nợ xấu gia tăng, thanh khoản thấp…

Thực trạng này đặt ra vấn đề cấp bách phải tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay đối với tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phải bắt đầu từ giải quyết nợ xấu và rào cản của thủ tục vay vốn.

Gỡ “nút thắt” nợ xấu từ gốc

Ở Việt Nam hiện có trên 80 ngân hàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng số lượng này quá nhiều so với nhu cầu của nền kinh tế. Số lượng ngân hàng nhiều, tình trạng cạnh tranh đã dẫn đến một số ngân hàng quy mô nhỏ năng lực yếu kém, thiếu hụt vốn và khả năng thanh khoản.

Theo thạc sỹ Vũ Thị Phương Hoa - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), khu vực ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng chiếm đến 75% tổng tài sản của khu vực tài chính.

Hệ thống tài chính Việt Nam chủ yếu dựa vào ngân hàng, tuy nhiên sau thời gian phát triển vượt bậc, đến nay hệ thống ngân hàng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Một số ngân hàng có năng lực quản lý yếu kém, vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Những khó khăn của kinh tế vĩ mô khiến nợ đọng của doanh nghiệp kinh doanh sản xuất tăng, thêm vào đó, sự trì trệ của thị trường chứng khoán và đóng băng của thị trường bất động sản đã làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng.

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý 1, tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,6%, tương đương khoảng hơn 85.000 tỷ đồng. Con số này có xu hướng gia tăng do sự thiếu minh bạch trong các báo cáo tài chính.

Theo nhận định của ông Đặng Đức Thành - Tổng giám đốc Công ty Căn nhà mơ ước thì nợ xấu đang “kẹt” nhất ở ngân hàng, nợ xấu ngân hàng lại tập trung ở bất động sản. Muốn tháo bỏ “nút thắt” này phải giải quyết gốc vấn đề tại sao phát sinh nợ xấu ngân hàng.

Lý giải về cái gốc phát sinh nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, ông Thành cho rằng: Xuất phát từ 2007, thời điểm “thịnh” của bất động sản, nhiều người đổ xô đi mua bất động sản, thậm chí những người không có “nghề” kinh doanh bất động sản cũng chạy theo phong trào để kiếm lời.

Thời điểm đó, nhiều ngân hàng đã sai khi phá vỡ những quy định của mình, chẳng hạn một đơn vị chỉ được phép vay không quá 3 lần vốn điều lệ thì ngân hàng lại cho vay gấp mấy chục lần vốn điều lệ, kể cả những tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành cũng được vay vượt mức.

Nhấn mạnh việc tháo gỡ nút thắt nợ xấu rất quan trọng đối với tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, ông Trần Quốc Mạnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn cho rằng cần bước qua “ngưỡng cửa” nợ xấu trước khi bước vào tái cấu trúc và làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Nợ xấu tồn tại trong chính yếu kém của ngân hàng (do năng lực thẩm định có hạn) và doanh nghiệp (do năng lực sản xuất kinh doanh của chưa khoa học, chín chắn...). Nhiều ngân hàng đã có những giải pháp như “khoanh nợ”, “đảo nợ” cho doanh nghiệp nhưng đó chưa phải là giải pháp căn cơ. Vì vậy, Nhà nước phải đứng ra mua lại nợ xấu chính là mua lại khó khăn của nền kinh tế, vấn đề là mua như thế nào cho phù hợp và hiệu quả.

Theo ông Mạnh, không nên mua nợ xấu rồi khoanh lại để đó mà phải mua theo cơ chế thị trường, phân tích một cách cơ bản, khoa học từng món nợ xấu và thẩm định luôn “sức khỏe” từng doanh nghiệp thông qua những món nợ xấu này. Sau đó mua lại một cách sòng phẳng giữa doanh nghiệp, ngân hàng và công ty mua bán nợ.

Tuy nhiên, trước khối lượng nợ xấu đồ sộ như hiện nay, cũng có nhiều ý kiến cho rằng liệu có khả thi khi Nhà nước đứng ra mua lại khối tài sản “xấu” này để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng thay đổi “rào cản” vay vốn

Nợ xấu hiện giờ như “cục máu đông” làm tắc nghẽn kênh huy động vốn của nền kinh tế, dù hạ lãi suất doanh nghiệp cũng khó tiếp cận được vốn. Do đó, gỡ nợ xấu là yêu cầu cấp thiết nhưng ngân hàng cũng cần thay đổi rào cản vay vốn và “cái nhìn” của ngân hàng đối với doanh nghiệp.

Theo ông Đặng Đức Thành, trong năm 2007, hàng ngàn công ty bất động sản ra đời, hoạt động không đúng chức năng, nhiều doanh nghiệp dầu khí, điện lực… bổ sung chức năng để làm bất động sản.

Cho nên vấn đề quan trọng nhất bây giờ phải cắt ngay từ gốc, kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền, phải thiết lập kỷ cương ngân hàng, khi đưa tiền ra phải chấp hành đúng những quy định do chính ngân hàng đưa ra.

Bộ Tài chính cũng đã ra quy định vay 3%, tức một đơn vị không được vượt quá ba lần vốn điều lệ, từ kỷ cương này mới đi vào trật tự để xử lý nợ xấu. Hơn nữa, vốn của cả hệ thống ngân hàng đang yếu, vì vậy không cho những người kinh doanh bất động sản nghiệp dư vay vốn thì thị trường sẽ ổn định, đảm bảo cho vay lành mạnh, không hình thành những khoản nợ xấu khổng lồ trong tương lai… Bởi bất động sản là ngành kinh doanh đặc thù cần có sự chuyên nghiệp và vốn tự có (vốn cổ phần, liên doanh, liên kết, vốn hợp tác…) lớn.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tái cấu trúc cũng nên chú ý “cái nhìn” của ngân hàng đối với doanh nghiệp. Tình hình kinh tế càng khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ càng bị ảnh hưởng và khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng lãi suất cao.

Đối với những doanh nghiệp nhỏ không tiếp cận được vốn phần lớn là do không biết làm dự án vay vốn, báo cáo tài chính không rõ ràng, không minh bạch hoặc không có tài sản thế chấp, doanh nghiệp càng nhỏ càng thiếu tài sản thế chấp dù dự án khả thi đến đâu. Trong khi đó, các ngân hàng không nhìn vào dự án khả thi và khả năng trả nợ mà cứ nhìn vào tài sản thế chấp.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách Nhà nước về quản lý ngân hàng còn nhiều vấn đề tháo gỡ, chẳng hạn nhiều doanh nghiệp muốn đến đảo nợ thì ngân hàng cho rằng không có cơ chế đảo nợ, ngân hàng không có văn bản nào cho phép đảo nợ.

Như vậy doanh nghiệp không thể vay mới và nợ xấu không giải quyết, khiến không ít doanh nghiệp cho rằng ngân hàng không san sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Giải thích về vấn đề này, nhiều ngân hàng cho biết, bản thân các ngân hàng cũng muốn nhìn vào sự minh bạch, dự án khả thi của doanh nghiệp để cho vay nhưng báo cáo tài chính của doanh nghiệp không đáng tin.

Ông Võ Thanh Lý - Phó Tổng giám đốc ngân hàng Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cho rằng, ngân hàng sẵn sàng chia sẻ khi các doanh nghiệp có đúng chuẩn theo quy định của ngân hàng Nhà nước và của MHB. Trong khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp vay vốn phải đảm bảo yêu cầu của các ngân hàng, chứ không phải cứ hạ lãi suất xuống là có thể vay được. ngân hàng cũng là một doanh nghiệp huy động vốn của dân, là cầu nối giữa người cho vay và người đi vay.

Do đó, khi các doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ các thủ tục theo quy định, đề án kinh doanh hiệu quả, chiều hướng đảm bảo hoàn trả được thì ngân hàng sẵn sàng chia sẻ./.

Việt Âu (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục