Đậm nét văn hóa kinh kỳ

Tái hiện đậm nét không gian văn hóa kinh kỳ

Chương trình kỷ niệm 999 năm Thăng Long tái hiện theo ngôn ngữ nghệ thuật về một không gian văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.
Ngày 8/10, hai ngày trước Lễ công bố Năm du lịch Quốc gia 2010, kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, toàn bộ khu vực tượng đài Vua Lý Thái Tổ, mở rộng sang phố Lê Lai, Lê Thạch (Hà Nội) như một công trường, sôi động không khí chuẩn bị cho ngày hội lớn.

Một mô hình thuyền rồng cỡ đại đã hiện hữu ngay phía sau tượng đài, hai bên sân khấu là mô hình Khuê Văn Các và những ngôi nhà mái ngói lô xô đặc trưng của khu di tích Quốc gia Phố cổ Hà Nội.

Một bức tường thành rêu phong cũng được phỏng dựng với cổng thành quay ra phía đường Đinh Tiên Hoàng và hồ Hoàn Kiếm. Những bồn hoa chậu cảnh trang trí đang được gấp rút hoàn thiện khiến cả khu vực tượng đài và xung quanh hồ Hoàn Kiếm rực rỡ trong sắc hoa và nắng vàng.

Trên sân khấu chính ngay trước tượng đài Vua Lý, từ nhiều ngày nay, các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Chèo Hà Nội và một số đoàn nghệ thuật thành phố đã bắt tay vào tập luyện, chuẩn bị cho lễ hội.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội Phạm Quang Long cho biết: “Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Lễ công bố Năm Du lịch Quốc gia. Chúng tôi mong muốn làm một lễ hội phù hợp với yêu cầu và tính chất của năm Du lịch Quốc gia gắn với chương trình chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội".

Ông cũng cho biết, chương trình này sẽ không phải là việc tái hiện một sự kiện hay một giai đoạn lịch sử mà muốn tái hiện theo ngôn ngữ nghệ thuật một không gian văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, không gian văn hóa kinh kỳ là chính và điểm xuyết thêm những đặc trưng văn hóa vùng miền khác trên cả nước.

Chương trình có lớp lang, cốt truyện, chủ đề, sẽ có hình ảnh của sinh hoạt văn hóa truyền thống như ca trù, hát xẩm, hội làng, quan họ, các trò chơi dân gian, có Phố cổ, có cầu Long Biên, có cả breakdance và cả văn hóa cung đình Huế, văn hóa Nam Bộ và đàn đá Phú Yên...

Xem chương trình này, khán giả sẽ thấy được diễn trình lịch sử qua những sinh hoạt và giá trị văn hóa kết tinh lại ở một số loại hình và phương thức biểu diễn tiêu biểu, diễn ra trong một không gian đẹp và giàu ý nghĩa biểu tượng là vườn hoa Lý Thái Tổ, ngay trước tượng đài người đã khai sinh ra kinh thành Thăng Long và bên hồ Gươm huyền thoại, nhưng có trang trí thêm cho chất văn hóa đậm nét hơn.

Trống hội Thăng Long sẽ là tiết mục “đinh” mở màn cho phần hội. Theo Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Tú, có khoảng gần 100 nghệ sĩ diễn viên tham gia biểu diễn trống hội. Cùng với trống "sấm" đặt chếch dưới chân Tượng đài Lý Thái Tổ, gần 100 trống lớn nhỏ được bố trí trên thuyền rồng và hai bên sân khấu phục vụ biểu diễn.

Sau màn trống hội rền vang, làn điệu quan họ cổ “Ngồi tựa mạn thuyền” ngọt ngào, sâu lắng sẽ dần dẫn dắt công chúng đến với những lớp lang của chương trình nghệ thuật giàu chất thơ này.

Với chủ đề xuyên suốt “Duyên kỳ ngộ Thăng Long”, chương trình gồm 5 chương là Thăng Long mở hội thái bình, Giai nhân Hà Thành, Tài tử bốn phương, Hát Trống Quân-Rước nàng về dinh và kết thúc là Ngàn năm Thăng Long. Chương trình có sự tham gia của khoảng 1.000 nghệ sĩ, diễn viên.

Cùng với các màn trình diễn trên sân khấu chính, hàng loạt hoạt động bổ trợ sẽ được tổ chức ngay từ cuối giờ chiều ngày 10/10, với sự tham gia của gần 300 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân làng nghề cùng các nhân viên, hướng dẫn viên trong trang phục xưa, nhằm gợi lại không khí Thăng Long cổ kính, thân thiện, đặm đà bản sắc, lôi cuốn sự chú ý của công chúng.

Theo đó, hai bên cổng thành mô phỏng, đối diện Tượng đài Lý Thái Tổ có người nặn tò he, vẽ tranh chân dung, thư pháp; trên bờ hồ có những quán uống trà kiểu cổ; đường Đinh Tiên Hoàng có múa lân, chăng đèn kết hoa.

Khu vực phía đường Lê Lai được trang trí gần như triển lãm ngoài trời dành cho tranh dân gian, đồ thủ công mỹ nghệ. Khu vực đường Lê Thạch cũng gần như triển lãm ảnh ngoài trời, với những bức ảnh phóng to về di tích thắng cảnh của Thăng Long-Hà Nội, mô hình các phương tiện giao thông cổ như xe ngựa, kiệu cáng, thuyền, xe hơi, xe máy cổ…

Phía sau tượng đài là khu vực các làng nghề gốm sứ, vẽ tranh, dệt vải, làm hàng mã, chè sen, bánh cốm... Chen vào các gian hàng có hát xẩm, trống quân, tạo không khí lao động, sản xuất, hoạt động tâm linh, giao lưu trên bến dưới thuyền tấp nập của Thăng Long xưa Hà Nội nay…

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục