Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) là một trong những đại dự án nằm trong Chiến lược phát triển quốc gia 20 năm, cũng như Chiến lược kinh tế Thailand 4.0, nhằm tạo ra bước đột phá để đưa nước này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển.
Nhật báo Bangkokpost đã đăng tải bài phân tích về những lợi ích của đại dự án EEC, đồng thời phản bác những ý kiến trái chiều.
Sau đây là nội dung bài viết:
EEC bị Chủ tịch đảng Tương lai mới (Anakhot Mai) chỉ trích vì “thiếu sự tham gia của người dân.”
Ngược lại, tác giả của bài viết tin rằng EEC sẽ góp phần thúc đẩy sinh kế cho người dân và đưa Thái Lan thoát “bẫy thu nhập trung bình.”
Trong thập kỷ vừa qua, không có một dự án phát triển nào khác có tiềm năng tạo đột biến trong phát triển đất nước.
Trong những năm gần đây, cái gọi là công nghệ có tính đột phá đã buộc nhiều nước phải thích ứng với kỷ nguyên kỹ thuật số, nếu không sẽ có nguy cơ đánh mất khả năng cạnh tranh và trở thành những nước tụt hậu về công nghệ. Thái Lan cũng nằm trong số đó.
Liệu có lựa chọn nào tốt hơn có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước, đưa Thái Lan trở thành một quốc gia phát triển mà không cần đến sự đột phá về phát triển công nghệ?
Theo bài viết, Thái Lan cần có quyết tâm cũng như sự ổn định chính trị để có được thành công trong một đại dự án như EEC.
EEC hướng tới mục tiêu xây dựng các “ngành công nghiệp tương lai”, đóng vai trò là xương sống để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Thái Lan.
[Thái Lan chi 560 triệu USD để phát triển Hành lanh Kinh tế phía Đông]
Chính phủ đã xác định 10 ngành công nghiệp (S-curve) có khả năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến EEC.
Những ngành công nghiệp này được chia làm hai nhóm. Nhóm “S-curve” thứ nhất bao gồm ngành ôtô thế hệ mới, thiết bị điện tử thông minh, du lịch hạng sang và nghỉ dưỡng, nông nghiệp và công nghệ sinh học, và chế biến thực phẩm.
Những ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong khuôn khổ EEC. Nhóm các ngành công nghiệp thứ hai, “nhóm S-curve mới," gồm công nghệ robot, hàng không và logistics, nhiên liệu sinh học và hóa sinh, kỹ thuật số và y tế.
EEC được khởi động sau cuộc đảo chính năm 2014, do quân đội tiến hành sau nhiều tháng biểu tình.
Để triển khai một đại dự án như thế này trong thời điểm niềm tin của nhà đầu tư xuống thấp, Chính phủ phải đưa ra các biện pháp kích thích hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Chẳng hạn như tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân áp dụng với các nhà đầu tư chỉ ở mức tối đa là 15%.
Những lợi ích mà Chính phủ đưa ra cho các nhà đầu tư nước ngoài ở EEC bao gồm các chính sách miễn, giảm thuế và quyền thuê đất lên đến 99 năm.
Trong nhiều thập kỷ qua, sự phát triển của Thái Lan đã bị chậm lại so với rất nhiều nước láng giềng ở châu Á.
Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ năm 2008 đến 2014 chỉ là 5%. Tỷ lệ này được cho là thấp so với tỷ lệ tăng trưởng 14% hàng năm từ năm 1998 đến 2007.
Sự sụt giảm trông thấy của xuất khẩu là kết quả của việc thiếu cam kết đảm bảo cho đầu tư nước ngoài trong tương lai nhằm tăng cường hiệu năng sản xuất và khả năng cạnh tranh.
Điều này làm cho một số quốc gia ở khu vực trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ ưu tiên các ngành công nghiệp và “thành lập các đặc khu kinh tế” đóng vai trò là cơ chế để tạo ra bước nhảy tăng trưởng.
Ví dụ, Trung Quốc phát triển đặc khu kinh tế Thâm Quyến ở miền Nam nước này trở thành một trung tâm xuất khẩu các mặt hàng điện tử.
Trong 10 năm qua, tăng trưởng đầu tư nước ngoài ở Thái Lan nằm trong khoảng 2-3% mỗi năm, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia ở khu vực.
Đó cũng là một kết quả tồi nếu so với mức tăng trưởng 10% của nước này trong thập kỷ trước đó.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Thái Lan đã trở thành một điểm đến kém hấp dẫn hơn, do bất ổn chính trị, những thiếu sót trong lực lượng lao động, và sự không rõ ràng trong định hướng thúc đẩy đầu tư công.
Điều này khiến tỷ lệ đầu tư nước ngoài của nước này trong ASEAN giảm từ 31% trong năm 2007 xuống 20% trong năm 2014.
Sự đi xuống đó đã đóng vai trò chính trong việc làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế của nước này.
Nếu Thái Lan trở thành một quốc gia phát triển, nước này sẽ phải tạo ra những thay đổi trong phát triển kinh tế, xã hội và chính trị cũng như khả năng điều hành, quản lý tổng thể của mình.
Để đạt được mục tiêu trên, thu nhập trên đầu người của Thái Lan phải tăng lên 12.746 USD (390.000 baht) mỗi năm từ mức 5.410 USD hiện tại. Để đạt được tiêu chuẩn của nước phát triển,
Thái Lan cần triển khai các biện pháp phát triển kinh tế để tăng cường khả năng cạnh tranh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này cũng sẽ phải đạt từ 6% mỗi năm trở lên trong vòng hai thập kỷ tiếp theo.
Theo đó, Thái Lan không thể để cho quá trình phát triển kinh tế của mình bị kéo xuống bởi những trò chơi chính trị đã lỗi thời, được tạo ra chỉ để phục vụ cho những lợi ích của những cá nhân hoặc đảng chính trị nhất định.
Nếu những sáng kiến phát triển của nhà nước bị làm trật đường ray bởi các trò chơi chính trị, nước này sẽ ngày càng đi xuống về mặt kinh tế.
Theo kịch bản đó, Chính phủ sẽ không có đủ ngân sách để chi cho các chương trình phúc lợi xã hội tốn kém hàng trăm tỷ baht mỗi năm như bảo hiểm toàn dân, phúc lợi cho người già và trợ giá cho khoảng 20 triệu nông dân./.