Tận dụng đòn bẩy Hiệp định CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang châu Mỹ

Trong 3 năm thực thi CPTPP, so sánh với những đối tác khác đã phê chuẩn CPTPP, Việt Nam là nước thành viên mà tranh thủ được khá tốt thị trường CPTPP để gia tăng thị phần ở châu Mỹ.
Tận dụng đòn bẩy Hiệp định CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang châu Mỹ ảnh 1Các sản phẩm của Công ty Cổ phần HAPLAST được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Canada... (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cho biết trong 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), so sánh với những đối tác khác đã phê chuẩn CPTPP, Việt Nam là nước thành viên mà tranh thủ được khá tốt thị trường CPTPP để gia tăng thị phần ở châu Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ như vậy tại tọa đàm Tận dụng đòn bẩy CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/10.

Theo thống kê, Việt Nam là thành viên CPTPP đã phê chuẩn duy nhất gia tăng thị phần ở Canada, Mexico. Đối với các nước khác, thị phần đều giảm, hoặc đi ngang. Chẳng hạn như Nhật Bản hay nước khác, trước đó là những nước quen thuộc với thị trường châu Mỹ,thị phần đi ngang, còn Việt Nam thị phần lại tăng lên.

Tại Canada, thị phần của Việt Nam năm 2017 là 0,9 %, năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada đã tăng lên là 1,2% và đến năm 2021 là 1,6 %, là nước có tốc độ tăng cao nhất về mặt thị phần.

Tương tự như vậy, ở Mexico, năm 2018, thị phần của Việt Nam là 0,9 %, đến năm 2021 thị phần là 1,7 %. Điều này cho thấy, hiệu ứng thành công của Việt Nam trong tận dụng cơ hội về thuế quan để tiếp cận thị trường, gia tăng thị phần ở thị trường châu Mỹ. Ngoài ra, nhìn danh sách 10 mặt hàng mà xuất khẩu chủ lực của các nước với Việt Nam, có những mặt hàng mà hầu như chỉ có Việt Nam, không có những đối thủ khác như là giày dép, hay là cao su chẳng hạn.

Nhận định về những đặc điểm nổi bật của các thị trường châu Mỹ mà lần đầu có FTA với Việt Nam thông qua CPTPP, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương cho hay khu vực thị trường châu Mỹ có 4 quốc gia tham gia CPTPP cùng với Việt Nam là Canada, Mexico, Peru và Chile.

Trong số đó, ngoại trừ với Chile là chúng ta đã có FTA song phương kể từ năm 2014, 3 quốc gia còn lại đây là lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA. Vì vậy, với những lợi thế về ưu đãi thuế quan trong CPTPP sẽ đem lại dư địa và tiềm năng rất tốt để doanh nghiệp Việt có thể khai thác xuất khẩu.

[Cơ hội và thách thức với xuất khẩu Việt Nam từ Hiệp định CPTPP]

Sau ba năm thực thi Hiệp định CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ có mức tăng trưởng hết sức là ấn tượng. Đơn cử như là với Canada, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Canada khoảng 5,3 tỷ USD, tức là tăng trưởng khoảng 75 % so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực. Hay với Mexico, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Mexico khoảng 4,6 tỷ USD và tăng trưởng tới hơn 100 % so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.

Những kết quả này cho thấy Hiệp định CPTPP đã có những tác động tích cực, dù là trực tiếp hay gián tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, ngành da giày hội nhập từ rất sớm và hầu như các hiệp định thương mại ngành da giày đã tận dụng được cơ hội, 95% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành và các thị trường mà có đã ký kết FTA.

Riêng với CPTPP, có ba điểm đã tạo ra được những thay đổi rất lớn đối với ngành da giày, nhất là tăng trưởng xuất khẩu. Bởi trước đây, khối doanh nghiệp ở các nước trong khối CPTPP, mức kim ngạch chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Đến nay, đã chiếm hơn 14%, điều đó cũng cho thấy mức độ tăng trưởng.

Hơn nữa, khi tham gia hiệp định CPTPP yêu cầu về quy định đáp ứng quy tắc xuất xứ. Điều này là động lực thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chuỗi sản xuất.

Ngoài ra, quá trình đáp ứng các yêu cầu của CPTPP năng lực nội tại của doanh nghiệp cũng được nâng lên rất nhiều. Cụ thể, hoạt động về thủ tục xuất nhập khẩu, đáp ứng tiêu chí của thị trường, yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đã giúp doanh nghiệp phải thay đổi, đầu tư phát triển trong giai đoạn vừa qua.

Đánh giá về mức độ tận dụng của các doanh nghiệp Việt Nam đối với những ưu đãi từ các thị trường châu Mỹ trong thời gian qua, bà Võ Hồng Anh cho rằng, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ là có những bước tăng trưởng rất tốt, dư địa và tiềm năng của thị trường để khai thác vẫn còn lớn. Tuy vậy, khó khăn và trở ngại của doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường châu Mỹ là địa lý bởi đây là khu vực mà có vị trí địa lý cách xa nhất khiến gia tăng chi phí và thời gian vận chuyển.

Tận dụng đòn bẩy Hiệp định CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang châu Mỹ ảnh 2Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Thủy sản miền Nam. (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp phải những thách thức về mặt tiêu chuẩn thị trường, đặc biệt là đối với các cái thị trường Bắc Mỹ. Gần đây nhất, Canada ban bố quy định cấm sử dụng các sản phẩm nhựa một lần cho bao bì thực phẩm. Do đó, doanh nghiệp phải hết sức là lưu ý khi xuất khẩu sang các thị trường này.

Ngoài ra, trở ngại nữa đối với thị trường Mỹ Latinh, đó là ngôn ngữ bởi hầu hết các nước Mỹ Latinh là họ sử dụng ngôn ngữ tiếng Tây Ban Nha trong giao tiếp, kinh doanh. Điều này phần nào hạn chế sự tiếp cận của doanh nghiệp đối với các đối tác, nguồn thông tin…

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông-Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), riêng với CPTPP, Việt Nam đang có lợi thế nhiều hơn những thách thức. Chẳng hạn như thách thức về các rào cản kỹ thuật, hoặc là CPTPP, hoặc SVS (chắc là Hiệp định Kiểm dịch động thực vật SPS) không phải là thách thức lớn với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, khó khăn phía trước là cái câu chuyện về điều khoản liên quan đến lao động, môi trường và phát triển bền vững trong CPTPP hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)...

Bà Lê Hằng cũng thẳng thắn chỉ ra, vấn đề nóng của ngành thủy sản bây giờ không phải câu chuyện FTA của EU, mà câu chuyện liên quan cả đến cả thị trường khác, đó là thẻ vàng IUU đối với hải sản khai thác của Việt Nam.

Các thị trường khác như Nhật Bản cũng bắt đầu áp dụng những quy định xuất xứ đối với một số loài thủy sản khai thác, sau này có thể là những thị trường khác tiếp theo nối quy định.

Do đó, ngành thủy sản Việt Nam nói chung, ngành khai thác hải sản nói riêng phải quan tâm và có những cái điều chỉnh những, thay đổi về mặt quản lý, doanh nghiệp phải cập nhật và cải thiện để đáp ứng những yêu cầu về mặt phát triển bền vững trong cái hiệp định.

Nhằm nâng cao hiệu quả của việc tận dụng cơ hội từ CPTPPP, bà Võ Hồng Anh khẳng định Bộ Công Thương luôn chú trọng vào công tác triển khai thực thi Hiệp định sao cho hiệu quả và đem lại lợi ích thực chất nhất cho các doanh nghiệp.

Tận dụng đòn bẩy Hiệp định CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang châu Mỹ ảnh 3Các doanh nghiệp tận dụng cơ hội thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Hiện tại, hàng tháng, Bộ Công Thương đều triển khai tổ chức hội nghị giao ban về xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ tại nước ngoài và phối hợp để kết nối với các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp.

Hy vọng các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp trong những hoạt động này, để thông tin cập nhật nhất, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vướng mắc trong quá trình tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP cũng như tiếp cận thị trường.

Tháng Bảy vừa qua, Bộ Công Thương tổ chức đoàn doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại thị trường ba nước Bắc Mỹ là Hoa Kỳ, Canada và Mexico, nhận được những phản hồi tích cực của doanh nghiệp và các cộng đồng doanh nghiệp. Hai bên đã đạt được một số thỏa thuận về các đơn hàng.

Những hoạt động như vậy sẽ tiếp tục được triển khai, đẩy mạnh trong thời gian tới, hoạt động kết nối giao thương, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trên nền tảng trực tuyến, nền tảng số đã tăng khả năng kết nối của doanh nghiệp với các cái đối tác tiềm năng khác.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp về hệ thống thông tin cảnh báo sớm cho doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ xử lý vướng mắc phát sinh, xử lý rủi ro về rào cản thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại mà hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải.

Đặc biệt, đối với khu vực thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan, các đối tác về nước sở tại để có thể hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa phương phương thức vận chuyển.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tìm ra giải pháp xem xét, tìm hiểu các tuyến vận tải mới trực tiếp, tăng khả năng kết nối cho doanh nghiệp tại khu vực này.

Ngoài ra, bà Võ Hồng Anh khuyến cáo doanh nghiệp có thể xem xét thiết lập các trung tâm giới thiệu sản phẩm, trung tâm phân phối tại khu vực, để tăng khả năng kết nối tại địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục