Ngày 10/1, tại Đà Nẵng, ông Trần Thắng, Việt kiều ở Mỹ, Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ đã đến trao tặng Tấm bản đồ “Partie de la Cochinchine” khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam cho Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng.
Đây là tấm bản đồ do Phillipe Vandermaelen (1795-1869), nhà Địa lý học kiệt xuất, người sáng lập Viện Địa lý hoàng gia Bỉ xuất bản bộ Atlas Thế giới rất nổi tiếng gồm 6 tập khổ lớn.
Bản đồ Partie de la Cochichine được vẽ liền một mảnh rộng ngang khổ giấy A3 thuộc số rất ít bản đồ tính cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ XIX đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine (Đàng Trong, mà người phương Tây lúc đó dùng để chỉ khu vực miền Trung Việt Nam) là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa ít nhất vào những thập kỷ đầu thế kỷ XIX, khi bộ bản đồ được xây dựng và xuất bản.
Tấm bản đồ Partie de la Cochinchine của Phillipe Vandermaelen xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học và đích thực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế rất cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếp nhận tấm bản đồ tại buổi trao tặng ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa cho biết đây là nghĩa cử cao đẹp mà anh Thắng đã dành cho huyện Hoàng Sa.
Trong suốt những năm qua, Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa đã đón nhận rất nhiều tình cảm và đóng góp quý giá như vậy. Đây chính là nguồn động viên và cũng là sức mạnh của chúng ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Về phần mình, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ có trách nhiệm đưa những tư liệu quý giá này đến đông đảo nhân dân và du khách khi Nhà trưng bày Hoàng Sa hoàn thành và đi vào hoạt động, cũng như phát huy giá trị pháp lý của tư liệu để phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.
Thông tin thêm về bản đồ Bản đồ Partie de la Cochichine
Năm 1827, Phillipe Vandermaelen (1795-1869), nhà Địa lý học kiệt xuất, người sáng lập Viện Địa lý hoàng gia Bỉ xuất bản bộ Atlas Thế giới rất nổi tiếng gồm 6 tập khổ lớn (Châu Âu, Châu Á, Bắc Châu Mỹ, Nam Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Úc).
Bản đồ Việt Nam nằm ở tập 2 (châu Á), gồm các tờ Tunquin (số 97, trang 108); Campuchia và An Nam (số 105, trang 115) và Partie de la Cochichine (số 106, trang 116).
Partie de la Cochichine vẽ liền một mảnh rộng ngang khổ giấy A3, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 (khu vực tỉnh Khánh Hòa, mà trên bản đồ có địa danh Bink-Kang (Bình Khang) và NhiaTrang (Nha Trang) đến vĩ tuyến 16 (khu vực tỉnh Quảng Nam, mà trên bản đồ ở ngoài bờ biển có địa danh Champella (Cù Lao Chàm).
Phía ngoài khơi, Paracells (Hoàng Sa) được thể hiện khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 14 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 113. Quần đảo Paracells trong bản đồ có các đảo I. Pattles, I. Duncan ở phía tây; Tree. I và I. Lincoln, Bocher au dessas de l’eau ở phía đông và Triton ở phía tây nam, ngay dưới vĩ tuyến 16; Investigateur ở sâu xuống phía nam khoảng vĩ tuyến 14,5 và đường đánh dấu phạm vi biển nông hay dải cát nằm ở độ sâu từ 5 đến 10 mét còn kéo dài đến vĩ tuyến 14 ngang với Quin Hone (Quy Nhơn) ở phía trong bờ biển.
Partie de la Cochinchine thuộc số rất ít bản đồ tính cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ XIX đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.
Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine (Đàng Trong, mà người phương Tây lúc đó dùng để chỉ khu vực miền Trung Việt Nam) là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa ít nhất vào những thập kỷ đầu thế kỷ XIX, khi bộ bản đồ được xây dựng và xuất bản.
Bản đồ Partie de la Cochinchine sau khi được nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan khoa học, đặt trong mối quan hệ với bản đồ của các quốc gia được thể hiện trong tập châu Á, so sánh đối chiếu với các nguồn tư liệu bản đồ, thư tịch cổ của Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây khác xuất hiện trong khoảng những thập kỷ đầu thế kỷ XIX thì chắc chắn nó có giá trị kiểm chứng, làm tăng lên bội lần giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa của chính bản đồ này và toàn bộ hệ thống bản đồ, tư liệu mà chúng ta đã sưu tập được.
Điều cũng cần phải nói thêm ở đây là Bản đồ Partie de la Cochinchine thông qua phương pháp vẽ bản đồ khoa học và hiện đại, đã đánh dấu một cách chính xác vùng các đảo ven bờ như Cham Collac ou Champella (Cù Lao Chàm), P. Canton ou Cacitam (Cù Lao Ré)… và phân biệt một cách hết sức rõ ràng, minh bạch với quần đảo Hoàng Sa ở giữa Biển Đông, mà bất cứ một người bình thường cũng không thể nhầm lẫn được.
Bản đồ cũng thể hiện phạm vi vùng biển nông có nhiều bãi ngầm nằm ở độ sâu từ 5-10 mét chạy dài từ Paracells ở vĩ tuyến 16 cho đến vĩ tuyến 14 ngang với Quin Hone (Quy Nhơn) ở phía trong bờ biển.
Dải bãi ngầm này xưa nay có cũng có người do không nghiên cứu chuyên sâu cho rằng đấy có thể là phần đuôi của Paracells (hay thậm chí có người còn lầm tưởng là Spratlys (Trường Sa).
Thật ra bản đồ phương Tây thế kỷ XVI, XVII không định danh cho khu vực biển nông này. Bản đồ thế kỷ XVII, XVIII cũng có một số bản ghi đây là The Shoal of Paracel hay Baixos de Pracels (bãi ngầm Paracells), còn phần nhiều ghi là Baixos de Champa hay The Shoal of Champa (Bãi ngầm Chămpa).
Bản đồ Partie de la Cochinchine là bản đồ có tính chuẩn xác cao lại được chính thức xuất bản sớm (từ đầu thế kỷ XIX), không chỉ khẳng định một cách mạnh mẽ, tuyệt đối chủ quyền của Việt Nam ở Paracells (Hoàng Sa), mà còn có đủ cơ sở vững chắc để bác bỏ một cách triệt để lối giải thích mập mờ, tùy tiện mà thực chất là lợi dụng xuyên tạc của một số học giả Trung Quốc rằng Paracells hay Hoàng Sa, Trường Sa chỉ là các đảo ven bờ (như Cù Lao Chàm, Lý Sơn...), còn Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc mới là các đảo ở giữa biển, không có liên quan gì đến Paracells hay Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.