Tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức tín dụng

Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chiều 22/5, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật này được kỳ vọng là sẽ khắc phục những thiếu sót của Luật các tổ chức tín dụng hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thị trường tiền tệ lành mạnh.

Bên hành lang kỳ họp, Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

- Theo ông, những điểm nào cần lưu ý trong dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được đưa ra tại kỳ họp lần này?

Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn: Luật đặt ra mục tiêu tạo sự hài hòa khi quản lý các hệ thống ngân hàng, đảm bảo cho hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, tăng tính dân chủ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tốt trên nền tảng môi trường kinh doanh thuận lợi, có sức cạnh tranh cao.

Văn bản soạn thảo lần đầu của ban soạn thảo còn nhiều hạn chế, nghiêng quá nhiều về yêu cầu quản lý và phần nào nó hơi gò bó trong hoạt động tự chủ của các tổ chức tín dụng.

Qua rất nhiều lần hội thảo, trao đổi giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra với việc lấy ý kiến của các chuyên gia trong nước, ngoài nước thì bản soạn thảo đã được tu chỉnh rất nhiều lần. Cho đến bây giờ thì phải nói rằng, văn bản dự thảo Luật đưa ra tại kỳ họp này đã quy định rõ các môi trường thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động, cải thiện rất nhiều so với bản dự thảo ban đầu.

Tuy nhiên phải nói rằng trong quá trình thực hiện, có thể sẽ phát sinh thêm một số vấn đề. Ví dụ trước đây đưa ra yêu cầu là các tổ chức nếu không phải là tổ chức tín dụng thì không được cung cấp dịch vụ hoạt động ngân hàng. Sau đó thì có nhiều ý kiến của chuyên gia nêu hiện nay có một số hoạt động mang tính chất ngân hàng của các công ty chứng khoán. Ban soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh sửa lại theo hướng cho phép các tổ chức này thực hiện những nhiệm vụ nêu trên.

Một số giao dịch trên sàn hàng hóa như sàn giao dịch cà phê, cao su, dầu lửa... thì bản thân nó cũng mang tính chất tiền tệ, tuy nó không phải là hoạt động ngân hàng. Trước thực tế trên, sau này cơ quan của Chính phủ sẽ ra một văn bản, có thể là nghị định hoặc những văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động này, đảm bảo cho an toàn.

Liên quan đến việc sở hữu vốn của các tổ chức tín dụng, hiện nay có thực trạng lũng đoạn ngân hàng qua một số thể nhân nắm tỷ lệ vốn lớn, thông qua đó chỉ đạo điều hành việc cấp vốn tín dụng cho một số hoạt động của riêng một số công ty là cổ đông lớn của ngân hàng. Theo tôi đây là hoạt động hết sức rủi ro cần phải kiểm soát và ngăn chặn.

Luật kỳ này cũng đã hướng tới một phương thức xử lý là thể nhân chỉ được giữ 5% vốn, pháp nhân thì trước đây cho 20% thì giờ đưa xuống là 15%. Điều quan trọng là kỳ này đưa ra là nhóm thể nhân có quan hệ hoặc có liên quan theo luật thì được sở hữu vốn không quá 20%, trước đây thì không quy định cụ thể.

Kỳ này chúng tôi cũng thống nhất đưa ra một số yêu cầu tất cả các thể nhân góp vốn vào ngân hàng với một số lượng bao nhiêu thì phải kê khai và minh bạch hóa nguồn gốc vốn, tránh việc người này nhờ người khác đứng tên góp vốn đầu tư vào ngân hàng, hạn chế bớt tình trạng lũng đoạn trong các tổ chức tín dụng.

- Trong dự thảo luật có khá nhiều nội dung giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quy định, làm thế nào để Luật không quá phụ thuộc vào điều này?

Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn: Cái này thì phải phân ra làm hai loại. Một loại là văn bản hướng dẫn luật thì Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể và quy định để triển khai. Có một số quy định rằng Ngân hàng Nhà nước quy định thì không phải là văn bản hướng dẫn luật mà là những điều kiện, những tiêu chuẩn, những giới hạn mang tính chất kỹ thuật mà Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan được giao quản lý nhà nước đưa ra.

- Việc cấm ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phần của các tổ chức tín dụng, ông có cho rằng quá chặt chẽ hay không?

Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn: Tôi cho rằng về cái này thì cũng hơi có phần chặt chẽ. Thứ nhất là chia sẻ với ý kiến của cơ quan soạn thảo thì hiện nay các ngân hàng cần hướng tới việc nâng cao năng lực, vị trí cũng như nguồn vốn của mình, hạn chế việc đầu tư chéo ngân hàng này đầu tư vào ngân hàng khác. Giả sử nếu gặp rủi ro sẽ dẫn đến sự đổ vỡ mang tính chất dây chuyền. Một ngân hàng gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng khác.

Trong số các ngân hàng đang hoạt động có nhiều ngân hàng lành mạnh, ngân hàng tốt, quy mô lớn và nếu như họ có tham gia thì cũng là tốt thôi. Thực tế nếu ngân hàng nước ngoài được phép đầu tư mà không cho ngân hàng trong nước tham gia đầu tư thì cũng có bất cập, không bình đẳng và có hại cho các doanh nghiệp ở trong nước.

Chính vì vậy, trong bản dự thảo kỳ này chúng tôi đề nghị vẫn tiếp tục cho phép, nhưng kèm điều kiện nào thì được phép đầu tư, giới hạn được phép đầu tư đến bao nhiêu, cho bao nhiêu ngân hàng và tỷ lệ vốn là bao nhiêu, sau này cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào điều kiện tình hình cụ thể để quy định rõ.

- Về quy định ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, ý kiến của ông như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn: Chúng tôi cho rằng không nên cấm một cách tuyệt đối như vậy mà vẫn nên tiếp tục cho phép. Vì việc cho vay với loại hình này này tiềm ẩn rủi ro nên chúng ta phải tăng những điều kiện kỹ thuật, các quy định và tiêu chuẩn mang tính chất giới hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể. Hướng của chúng tôi là sẽ thuyết phục Quốc hội cho phép những ngân hàng thương mại và những công ty con của ngân hàng thương mại được phép cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.

- Xin cảm ơn ông./.

Vũ Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục