Ngày 18/3, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì tặng tạp chí Tổ chức Nhà nước và Tọa đàm khoa học “Nâng cao chất lượng thông tin, tuyên tuyền của tạp chí Tổ chức nhà nước."
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng tạp chí Tổ chức Nhà nước.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết qua 30 năm xây dựng và phát triển (1990-2020), tạp chí Tổ chức nhà nước luôn hoàn thành tốt vai trò là cơ quan báo chí duy nhất trong cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tổ chức nhà nước; là diễn đàn khoa học, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, lý luận, nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động của nền hành chính nhà nước.
Các ấn phẩm của tạp chí ngày càng phong phú về nội dung và hình thức, phản ánh đầy đủ, toàn diện các hoạt động của Bộ Nội vụ, ngành nội vụ.
Từ khi thành lập đến nay, tạp chí Tổ chức Nhà nước đã có nhiều ấn phẩm để thông tin, tuyên truyền việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Bộ Nội vụ, qua đó làm nổi bật thành tích và cống hiến của Bộ trong việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực tổ chức và cán bộ nhà nước.
Trong việc thực hiện chức năng diễn đàn khoa học, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, lý luận, nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động của nền hành chính nhà nước, tạp chí luôn chủ động bám sát sự chỉ đạo của Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ để đảm bảo các chuyên mục luôn được tòa soạn và Hội đồng biên tập đầu tư công phu, bám sát Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng các nhiệm kỳ; hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và kế hoạch công tác hàng năm của Bộ Nội vụ để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xuất bản hàng năm với nhiều bài viết có chất lượng cao.
Tạp chí điện tử Tổ chức Nhà nước thường xuyên đăng tải từ 3.000 đến 5.000 tin, bài mỗi năm; duy trì trung bình khoảng hơn 10.000 lượt truy cập mỗi ngày, qua đó, đảm bảo tính toàn diện của chức năng diễn đàn khoa học của Bộ Nội vụ, ngành nội vụ.
Đặc biệt, tạp chí đã chủ động đặt bài viết của các lãnh đạo Đảng, Nhà và Bộ Nội vụ để phổ biến, quán triệt tinh thần và nội dung nghị quyết của Trung ương về lĩnh vực tổ chức và cán bộ nhà nước; về những vấn để lý luận và thực tiễn đặt ra đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, ngành nội vụ, qua đó chủ động thông tin, chỉ đạo, quán triệt tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để định hướng thực hiện nhiệm vụ chính trị, trọng tâm công tác trong các nhiệm kỳ và kế hoạch công tác hàng năm của Bộ Nội vụ, ngành nội vụ.
Bên cạnh đó, tạp chí cũng mời các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý viết bài nghiên cứu có chất lượng cao về những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình xây dựng và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; chú trọng các vấn đề thời sự mà công luận và nhân dân quan tâm, như việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương; về văn hóa công vụ và trách nhiệm giải trình, trách nhiệm công vụ; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính…
[Nâng cao hiệu quả công tác thông tin-truyền thông trong tình hình mới]
Tại tọa đàm diễn ra ngay sau Lễ kỷ niệm, đóng góp nhằm nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền của tạp chí, nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng muốn có được một diễn đàn khoa học, cần có được đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học để kịp thời tổng hợp những vấn đề lý luận phát sinh từ cuộc sống và lý luận nghiên cứu cơ bản.
Theo giáo sư, tiến sỹ Lê Hữu Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cần xác định đội ngũ cộng tác viên then chốt, các bài then chốt trong mỗi số tạp chí, nhằm tăng tính hấp dẫn.
Nhắc đến văn kiện Đại hội XIII, trong đó điểm mới là phát huy việc dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, giáo sư, tiến sỹ Lê Hữu Nghĩa cho rằng cần có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, điều này cũng đòi hỏi tạp chí có giải pháp thu hút các nhà khoa học, chuyên gia đóng góp tiếng nói mạnh mẽ hơn, tư vấn phản biện với Đảng, Nhà nước trong xây dựng chính sách./.