Tập trung kiểm tra gia vị nghi có chất gây ung thư

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, các đoàn thanh tra liên ngành tập trung kiểm tra, thanh tra các gia vị nghi có chất RhodamineB.
Ngày 3/1, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết thời gian tới, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, các đoàn thanh tra liên ngành tập trung kiểm tra, thanh tra các gia vị nghi có chất RhodamineB.

Tuy nhiên, mức độ gây ung thư cho người của chất RhodamineB còn phụ thuộc vào tần suất ăn và nồng độ ô nhiễm, tồn dư trong thực phẩm.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cũng cho biết đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Cảnh sát C49 Bộ Công an và các cơ quan chức năng của Hải Dương đã phát hiện và xử lý trên 10 tấn ớt bột không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại gia đình ông Phạm Văn Tuyến, bà Hoàng Thị Tính ở tỉnh Hải Dương.

Ngày 28/12, Đoàn thanh tra đã kiểm tra đột xuất tại hộ gia đình ông Phạm Văn Tuyến, bà Hoàng Thị Tính (thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, Cẩm Giàng, Hải Dương) và đã lấy ngẫu nhiên 2 mẫu sản phẩm ớt bột trong khu vực đang sản xuất để kiểm nghiệm.

Kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện cho thấy cả 2 mẫu đều chứa RhodamineB. Đây là thuốc nhuộm công nghiệp, không có tên trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.

Đoàn thanh tra đã niêm phong toàn bộ số ớt bột không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bao gồm 6 bao ớt bột (khoảng 300kg) được xác định có nhiễm RhodamineB và 234 bao ớt bột khác được sản xuất trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như không đảm bảo về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người, nhân viên không được tập huấn về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện tại, Sở Y tế Hải Dương đang tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định: Đây là một trong những trường hợp đoàn thanh tra đã truy tìm được đến tận nơi sản xuất, cung cấp chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động phát hiện tại chỗ.

Cục trưởng cũng cho biết năm 2011, tình hình ngộ độc thực phẩm nhìn chung về các chỉ số đều giảm so với năm 2010. Tuy nhiên, năm 2011, trên cả nước, các vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể, chỗ ăn đông người (bệnh viện, trường học, lễ hội), đặc biệt là tại các khu công nghiệp vẫn tăng.

Nguyên nhân chủ yếu là do thức ăn chế biến sẵn được đưa đến cho công nhân ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo các chủ doanh nghiệp phải có bếp ăn tại chỗ để nấu cho công nhân.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra của các đoàn thanh tra liên ngành trong "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" năm 2012 (10/1-10/2) sẽ được chia ra thành 3 đợt, đợt 1 từ ngày 10/1 đến 18/1; đợt 2 từ ngày 21/1 đến 31/1; đợt 3 từ ngày 1/2 đến 10/2.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra tập trung xem xét các nội dung như giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (giấy chứng nhận sức khỏe đối với chủ cơ sở người lao động; giấy chứng nhận tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động); hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm đối với những sản phẩm bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn; nhãn sản phẩm hàng hóa thực phẩm; tài liệu quảng cáo, hồ sơ đăng ký quảng cáo; hồ sơ nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; hồ sơ theo dõi về chất lượng sản phẩm; điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người; các quy định khác của pháp luật có liên quan; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm khi cần thiết.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục