Tập trung xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp

HNX và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đang phối hợp triển khai nghiên cứu, xây dựng hệ thống công nghệ cho hoạt động đăng ký, lưu ký, giao dịch và thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh minh họa/Vietnam+)
Bộ Tài chính sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh minh họa/Vietnam+)

Năm 2022, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tập trung công tác xây dựng hệ thống cho thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và triển khai xây dựng dự thảo quy chế, quy trình nghiệp vụ liên quan.

Tránh mọi hình thức lách luật

Tại Hội nghị triển khai hoạt động thị trường trái phiếu năm 2022, do HNX tổ chức ngày 25/4, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho hay hiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp được ban hành phù hợp theo cấp độ phát triển của thị trường. Song, để thị trường này phát triển một cách bền vững thì các doanh nghiệp phát hành, công ty kiểm toán, tổ chức định giá, các công ty chứng khoán và nhà đầu tư cần chấp hành đúng quy định pháp luật, tránh mọi hình thức lách luật, lách quy định từ đó phát sinh những rủi ro trong hoạt động này.

Ông Sơn cho biết Bộ Tài chính đã chỉ đạo sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp bao gồm việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ đối với thị trường này.

Tại hội nghị, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng giới thiệu dự thảo Thông tư hướng dẫn về tổ chức thị trường giao dịch, đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và dự kiến được ban hành sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 được ban hành.

Theo đó, thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ được tổ chức giao dịch tập trung để các tổ chức chuyên nghiệp có thể tham gia giao dịch và giúp phát triển thị trường minh bạch.

“Thời điểm hiện tại, HNX và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đang phối hợp triển khai nghiên cứu, xây dựng hệ thống công nghệ cho hoạt động đăng ký, lưu ký, giao dịch và thanh toán giao dịch, có phương án triển khai xây dựng dự thảo quy chế, quy trình nghiệp vụ liên quan, đảm bảo triển khai thị trường trong thời gian sớm nhất,” vị đại diện trên cho biết.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 982 đợt phát hành thành công của 380 doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 605 tỷ đồng. Như vậy, số đợt phát hành thành công trong năm 2021 tuy chỉ bằng 43% so với năm 2020, nhưng giá trị phát hành thành công tăng gần 169 tỷ đồng, tương đương mức tăng 139%.

Tại thị trường nước ngoài, doanh nghiệp trong nước đã có 6 đợt phát hành thành công, tổng giá trị đạt 1.740 triệu USD. Như vậy, giá trị phát hành thành công ra thị trường nước ngoài trong năm 2021 đã tăng gấp 5 lần so với năm 2020.

Dự kiến phát hành 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết trong năm 2022 sẽ tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài để cân đối và đáp ứng các chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước.

Theo nhiệm vụ từ dự toán ngân sách Nhà nước và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội-năm 2022, Kho bạc Nhà nước dự kiến thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ với khối lượng vào khoảng 400.000 tỷ đồng. Theo đó, khối lượng gọi thầu sẽ được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với nhu cầu huy động vốn, chủ yếu phát hành trái phiếu Chính phủ bằng nội tệ với lãi suất cố định, trả lãi định kỳ, phát hành linh hoạt trái phiếu (phiếu thanh toán lãi ngắn hạn/dài hạn).

Trước đó trong năm 2021, HNX cho biết đã thực hiện được một số chương trình phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, đem lại kết quả tốt cho thị trường. Cụ thể, HNX đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước cho ra mắt sản phẩm giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ nguồn ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước (theo Thông tư số 107/2020/TT-BTC ngày 21/12/2020) với phiên đầu tiên vào ngày 13/7/2021.

Bên cạnh đó, HNX cũng triển khai đấu thầu theo phương thức đa giá trên hệ thống đấu thầu trái phiếu Chính phủ vào tháng 10/2021 đồng thời đi vào vận hành Chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Ngoài ra, HNX đã triển khai xây dựng bài toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Tổng kết tình hình phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp năm 2021, báo cáo của Kho bạc Nhà nước cho hay năm 2021 là một năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, các mục tiêu về phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho ngân sách Nhà nước. Theo đó, danh mục nợ Chính phủ được tái cơ cấu an toàn, bền vững, chi phí vay nợ giảm, cải thiện tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư dài hạn, thị trường công khai, minh bạch với đầy đủ thông tin về lịch biểu, khối lượng, kỳ hạn phát hành, kết quả…

Năm 2021, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức 224 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu 463.124 tỷ đồng, huy động thành công 339.737 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 3% so với năm 2020.

Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 318.213 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 11.024 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 10.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch huy động vốn năm 2021.

Theo báo cáo của HNX, trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2021 có kỳ hạn dài từ 5 năm đến 30 năm, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,69 năm, giảm 0,11 năm so với năm trước. Trong năm, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm trên tất cả các kỳ hạn, trung bình giảm 0,55%/năm so với năm trước, từ mức lãi suất bình quân 2,85%/năm xuống còn 2,3%/năm, giúp tiết kiệm chi phí huy động vốn cho chính phủ một cách đáng kể.

Theo đó, quy mô niêm yết thị trường trái phiếu Chính phủ tại HNX đạt 1,5 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021, tăng 11% so với năm 2020, tương đương 19% GDP năm 2020. Và, tổng giá trị giao dịch trên thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 2,8 triệu tỷ đồng,  giá trị giao dịch bình quân đạt 11.240 tỷ đồng/phiên, tăng 9,44% so với năm 2020. Trong đó, tỷ trọng giao dịch mua bán lại (repos) chiếm 33,19% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục