Tàu Trung Quốc tiếp tục xuất hiện gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản

Hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 3 giờ 50 sáng 7/2, sau đó, các tàu Trung Quốc có động thái tiếp cận một tàu cá Nhật Bản.
Tàu tuần dương Trung Quốc tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu tuần dương Trung Quốc tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), ngày 7/2, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Nhật Bản hiện kiểm soát quần đảo này và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Đây là ngày thứ 2 liên tiếp tàu của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực này.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần nhóm đảo không có người ở nói trên vào khoảng 3 giờ 50 sáng 7/2 (giờ địa phương).

Sau đó, các tàu Trung Quốc hướng về một tàu cá Nhật Bản và có động thái tiếp cận tàu này tại vị trí cách đảo Taisho, thuộc nhóm đảo trên, 22km về phía Nam-Đông Nam.

[Nhật Bản cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển]

Tàu cá nói trên, chở theo 5 thủy thủ, đã được các tàu tuần tra bảo vệ. JCG cho biết các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực trên sau 9 giờ cùng ngày.

Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực số 11 của Nhật Bản, có trụ sở ở Naha, tỉnh Okinawa, đây là lần thứ 5 từ đầu năm đến nay các tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp.

Ngày 6/2, hai tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu được cho là trang bị súng, đã đi vào và ở lại khu vực này khoảng 8 tiếng rưỡi. Chính quyền Tokyo đã bày tỏ phản đối động thái này với chính quyền Bắc Kinh thông qua nhiều kênh ngoại giao khác nhau.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ, nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400km về phía Tây.

Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát, song Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này, đẩy quan hệ song phương vào trạng thái căng thẳng trong nhiều năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục