Chìm trong suy thoái

Tây Ban Nha tiếp tục chìm trong suy thoái kéo dài

Cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, Tây Ban Nha bị chìm trong suy thoái kéo dài và ít hy vọng có thể phục hồi nhanh chóng.
Cùng với tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng, Tây Ban Nha bị nhấn chìm trong suy thoái kéo dài và ít hy vọng có thể phục hồi nhanh chóng.

Đây là cảnh báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong báo cáo đề cập đến "bong bóng" nhà đất tại Tây Ban Nha có thể nổ tung.

Theo OECD, Tây Ban Nha phải nhanh chóng ổn định hệ thống ngân hàng nhằm tránh nguy cơ bị các nước chủ nợ cắt gói cứu trợ tài chính, có thể đẩy nước này vào cuộc suy thoái trầm trọng hơn.

OECD cho rằng hiện Tây Ban Nha đang trải qua cuộc suy thoái kéo dài với triển vọng phục hồi mong manh, khi cả người dân và các doanh nghiệp đang phải vật lộn để trả các khoản nợ khổng lồ, nguyên nhân đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng nợ.

Tổng Thư ký OECD Angel Gurria đã kêu gọi các đối tác châu Âu của Tây Ban Nha đáp ứng mọi yêu cầu xin cứu trợ của Madrid.

Với tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên lên tới hơn 52% trong độ tuổi từ 16-24, OECD dự báo tỷ lệ thất nghiệp chung trong cả nước sẽ lên tới mức kỷ lục 26,9% trong năm 2013.

Các số liệu thống kê chính thức cũng cho thấy kinh tế quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này sụt giảm tháng thứ 15 liên tiếp với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3/2012 giảm 0,3%. Dự kiến, kinh tế Tây Ban Nha tiếp tục suy thoái đến hết năm 2013.

Trong khi đó, ngày 29/11, ngân hàng tiết kiệm Ibercaja Banco của Tây Ban Nha thông báo đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc sáp nhập với ngân hàng Banco Grupo Cajatres. Đây được xem là bước tiến mới trong chương trình tái cơ cấu khu vực tài chính đang đứng trước nguy cơ sụp đổ của nước này.

Trước đó, Ibercaja Banco đã xem xét kế hoạch sáp nhập với hai ngân hàng là Banco Grupo Cajatres và Liberbank trong năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch này tháng trước đã bị hủy bỏ.

Một ngày trước đó, Ngân hàng Bankia - tập đoàn tài chính lớn nhất của Tây Ban Nha, cũng tuyên bố cắt giảm 6.000 việc làm, chiếm tới 28% đội ngũ nhân viên vào năm 2015 và đóng cửa 39% số chi nhánh của ngân hàng.

Cùng với kế hoạch này, Bankia cho biết sẽ bán cổ phần đang nắm giữ tại một số công ty lớn của Tây Ban Nha như hãng hàng không Iberia và tập đoàn bảo hiểm Mapfre.

Ngoài Bankia, ngân hàng NovaGalicia cũng thông báo sẽ cắt giảm 2.500 việc làm trong kế hoạch cải cách cơ cấu nhằm thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.

Cùng với gói cứu trợ trong nước, Chính phủ Tây Ban Nha đã buộc phải tìm kiếm gói cứu trợ ngân hàng lên tới 100 tỷ euro (130 tỷ USD) trong bối cảnh các ngân hàng nước này đứng trước nguy cơ vỡ nợ do "núi nợ" xấu khổng lồ, chủ yếu nằm trong các dự án bất động sản bị đóng băng của nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục