Tay vợt Novak Djokovic kháng cáo bất thành, phải rời Australia

Tòa án liên bang Australia đã bác bỏ kháng cáo của Djokovic, đặt dấu chấm hết cho tham vọng bảo vệ ngôi vô địch Australia Open của tay vợt người Serbia.
Tay vợt Novak Djokovic kháng cáo bất thành, phải rời Australia ảnh 1Novak Djokovic trước một trận đấu tại giải quần vợt US Open ở New York (Mỹ), ngày 12/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/1, một tòa án liên bang Australia đã bác bỏ kháng cáo của Novak Djokovic về việc huỷ thị thực của tay vợt này. Chánh án James Allsop tuyên bố: "Phán quyết của tòa là đơn kháng cáo bị bác bỏ."

Đây là dấu chấm hết cho những tranh cãi kéo dài 11 ngày về việc nhập cảnh Australia của Djokovic đồng thời cũng là dấu chấm hết cho tham vọng bảo vệ ngôi vô địch Australia Open của tay vợt người Serbia.

Djokovic đến Melbourne ngày 5/1 để tham dự Australia Open, giải Grand Slam anh từng giành tới 9 chức vô địch. Trước khi khởi hành, Djokovic chia sẻ thông tin trên Instagram cá nhân rằng anh đã được đặc cách tham gia giải mà không phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng Australia ra thông báo cho biết do không cung cấp đủ giấy tờ đáp ứng quy định nhập cảnh Australia nên thị thực nhập cảnh của Djokovic bị hủy.

[Novak Djokovic lại kháng cáo quyết định hủy thị thực của Australia]

Sau đó, tay vợt số 1 thế giới này đã kháng nghị thành công chống lại lệnh trục xuất của Australia. Trong phán quyết khi ấy, thẩm phán Anthony Kelly cho rằng quyết định thu hồi thị thực của Djokovic là không phù hợp, đồng thời yêu cầu thả tay vợt này ngay lập tức, cũng như trả lại cho anh hộ chiếu và các giấy tờ đi lại khác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Di trú Alex Hawke cho biết dựa trên các căn cứ về y tế và vì lợi ích của người dân, ông đã sử dụng quyền hạn trong Đạo luật Di trú để hủy thị thực của Djokovic.

Sau khi nhận phán quyết ngày 16/1 về kháng cáo bất thành, Djokovic tuyên bố "cực kỳ thất vọng" về quyết định trục xuất anh của giới chức Australia nhưng anh nói rằng mình sẽ tuân thủ và sớm rời khỏi nước này.

Mặc dù vẫn còn tên trong lịch bốc thăm chia cặp Australia Open và đáng lẽ sẽ bắt đầu hành trình chinh phục kỷ lục 21 Grand Slam "không tiền khoáng hậu" từ tối 17/1 với đối thủ đồng hương Miomir Kecmanovic, Djokovic giờ đây không những phải rời khỏi Australia mà còn đối mặt với việc không được cấp thị thực mới để nhập cảnh vào nước này trong 3 năm tới, cũng như phải chịu mọi chi phí kiện tụng.

Người thay thế Djokovic ở Australia Open năm nay là Salvatore Caruso (hạng 150 thế giới).

Bộ trưởng Di trú Australia Hawke hoan nghênh phán quyết ngày 16/1, nói rằng: "Những chính sách mạnh mẽ bảo vệ biên giới của Australia giúp chúng ta an toàn trong đại dịch"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục