Trong tập 3 mùa 2 (ngày 7/10/2022), cố vấn chương trình "Vua tiếng Việt" là tiến sỹ Đỗ Thanh Nga giải thích câu "Lộng giả thành chân": Đây là câu thành ngữ Hán Việt giải thích rằng "trong cuộc sống, đôi khi có những điều người ta nói đùa thái quá thì đến một lúc nào đấy điều tưởng chừng như là đùa sẽ biến thành sự thật."
Câu thành ngữ cũng mang hàm ý trong cuộc sống, nếu những điều giả dối cứ tiếp diễn thì dần cũng biến thành bản chất thật sự của con người đó.
Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công - tác giả của bộ "Từ điển tiếng Việt của Giáo sư Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu," lời giải thích trên không chính xác. Ông cho biết: Từ khóa cực kỳ quan trọng đã bị giải thích sai, đó là từ "lộng." "Lộng" trong câu thành ngữ không có nghĩa là "trò đùa," mà có nghĩa là "biến thành," "khiến" hoặc "làm cho." Như vậy, "Lộng giả thành chân" có nghĩa là: Biến giả thành thật; ở đây chỉ một âm mưu, thủ đoạn, chứ không có chuyện đùa cợt, hay đùa quá hóa thật.
[Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt]
Ở những tập khác, chương trình Vua tiếng Việt yêu cầu người chơi lựa chọn cách viết được coi là đúng chính tả với cặp từ: "Dúm dó" hay "rúm ró" hay sửa chính tả từ "lang lổ" thành "loang lổ"...
Sau khi liên tục để xuất hiện những lỗi sai, một số khán giả cho rằng tên chương trình không nên dùng chữ "vua." Trước ý kiến này, tiến sỹ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ, thành viên ban cố vấn Vua tiếng Việt, giải thích: Chữ "vua" ở đây không mang nghĩa kiêu ngạo mà chỉ là danh hiệu cho người chiến thắng game show nhằm tôn vinh một cách vui vẻ.
Tuy nhiên để hài hòa với nhiều luồng ý kiến, ông Vũ cũng cho hay tên chương trình nên thêm dấu ngoặc kép (thành "Vua" tiếng Việt) để chữ "vua" lúc này được dùng theo nghĩa hẹp và tương ứng với hoàn cảnh./.