Theo số liệu thống kê chính thức được công bố ngày 12/4, số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan lại vượt trên 100 ca trong ngày thứ ba liên tiếp.
Cụ thể, với thêm 101 bệnh nhân không qua khỏi trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng lên 26.298 ca.
Trước đó, ngày 10/4, Thái Lan ghi nhận 108 ca tử vong và đây là số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất theo ngày tại nước này trong gần 6 tháng qua.
Do hầu hết các ca tử vong trong làn sóng dịch gần đây là những người chưa tiêm vaccine hoặc những người dễ tổn thương, giới chức y tế đang triển khai các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho các nhóm này.
Cũng trong ngày 12/4, số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan đã giảm nhẹ, với 19.982 ca. Đây là số ca mắc mới thấp nhất trong 28 ngày qua.
Tuy nhiên, giới chức và các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ về một đợt lây nhiễm mới trong kỳ nghỉ lễ Songkran sắp tới. Theo dự báo, sau dịp này, số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày tại Thái Lan có thể lên tới 100.000 ca.
Tính đến ngày 11/4, khoảng 72,8% dân số Thái Lan đã được tiêm đầy đủ các mũi cơ bản ngừa COVID-19 và 35,6% đã được tiêm mũi tăng cường.
[Thái Lan ghi nhận ca nghi nhiễm biến thể tái tổ hợp mới của SARS-CoV-2]
Tại Indonesia, ngày 12/4, chính phủ đã quyết định gia hạn thực thi Lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) bên ngoài hai đảo Java và Bali kể từ ngày 12-25/4 này.
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế, ông Airlangga Hartarto, nêu rõ việc thực thi PPKM nói trên đang được cải thiện khi số lượng các địa phương áp dụng biện pháp hạn chế ở cấp độ 3 trong 4 cấp độ đã giảm từ 110 xuống còn 43 tỉnh, thành phố.
Số địa phương thực thi cấp độ 1 (cấp thấp nhất) tăng từ 26 lên 84 tỉnh, thành phố. Số địa phương áp dụng cấp độ 2 cũng tăng từ 250 lên 259.
Bộ trưởng Hartarto nhấn mạnh các cấp độ đánh giá nói trên phản ánh tình hình lây lan dịch bệnh đang tiếp tục có chiều hướng giảm và hiện không có tỉnh nào áp dụng PPKM ở cấp độ 4 (cấp độ cao nhất).
Ngoài ra, tất cả các tỉnh thành vẫn tiếp tục kiểm soát hiệu quả tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở cấp độ 1.
Người đứng đầu Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế cho biết đến ngày 11/4, có tổng cộng 94,84% dân số Indonesia đã tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19. Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cơ bản đạt 77,55%, song hiện mới chỉ có 13,26% dân số đã tiêm mũi thứ ba.
Chính phủ Indonesia vẫn theo dõi sát các diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh thông qua nhiều phương thức đánh giá do Ủy ban Ứng phó COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia thực hiện./.