Thái Lan nhận lô vắcxin đầu tiên, Israel viện trợ vắcxin cho Palestine

Nếu không có sự cố ngoài ý muốn, các lô vắcxin tiếp theo sẽ đến Thái Lan theo đúng kế hoạch và nước này sẽ có đủ vắcxin để tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng.
Thái Lan nhận lô vắcxin đầu tiên, Israel viện trợ vắcxin cho Palestine ảnh 1Vắcxin phòng COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc). (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, lô hàng đầu tiên gồm 200.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất đã tới Thái Lan ngày 24/2 và đã được bàn giao trong một buổi lễ tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi với sự tham dự của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cùng các quan chức cao cấp của Thái Lan.

Phát biểu tại lễ bàn giao, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh “hôm nay là một ngày lịch sử.”

Nếu không có sự cố ngoài ý muốn, các lô vắcxin tiếp theo sẽ đến Thái Lan theo đúng kế hoạch và nước này sẽ có đủ vắcxin để tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng.

Lô hàng này là một phần của đơn đặt hàng 2 triệu liều vắcxin với tổng giá trị 1,2 tỷ baht (khoảng 40 triệu USD) mà Chính phủ Thái Lan đặt mua của Sinovac.

Dự kiến, 800.000 liều tiếp theo sẽ đến Thái Lan trong tháng Ba tới và 1 triệu liều còn lại sẽ được bàn giao trong tháng Tư.

[Thủ tướng Thái Lan đặt hy vọng vào vắcxin ngừa COVID-19]

Theo kế hoạch, lô hàng gồm 200.000 liều vắcxin Sinovac này sẽ được lưu trữ trong kho để kiểm tra cho tới ngày 26/2 và sẽ được chuyển đến các bệnh viện trong ngày 27/2 để bắt đầu việc tiêm chủng từ ngày 1/3 đối với những đối tượng ưu tiên nằm trong độ tuổi từ 18 đến 59.

Chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Thái Lan được chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên, với số lượng liều hạn chế, sẽ được chuyển đến 13 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, có ý nghĩa kinh tế lớn nhất hoặc cả hai, với đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế, người có bệnh mãn tính và người cao tuổi.

Cũng trong chiều 24/2, Thái Lan dự kiến tiếp nhận 117.000 liều vắcxin từ công ty AstraZeneca của Anh-Thụy Điển.

Dự kiến, những liều vắcxin còn lại dành cho người Thái Lan vào năm 2021 sẽ là vắcxin AstraZeneca do công ty Siam Bioscience sản xuất tại Thái Lan, theo đó từ tháng Sáu đến tháng Tám sẽ có 26 triệu liều và từ tháng Chín đến tháng 12 có 35 triệu liều.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul, mũi vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên ở nước này sẽ được tiêm cho Thủ tướng và đó sẽ là vắcxin AstraZeneca.

Truyền thông sở tại dẫn một nguồn tin từ Chính phủ cho biết dự kiến Thủ tướng Prayut được tiêm vắcxin tại Viện các bệnh truyền nhiễm Bamrasnaradura vào ngày 27/2.

Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế Anutin cùng ngày cũng sẽ là người đầu tiên ở Thái Lan tiêm chủng vắcxin Sinovac.

Trước đó, ngày 23/2, Thủ tướng Prayut đã bày tỏ hy vọng rằng các lô vắcxin đến quốc gia Đông Nam Á này trong ngày 24/2 báo hiệu một sự khởi sắc cho tương lai của đất nước.

Phát biểu sau cuộc họp nội các, ông Prayut nhấn mạnh: "Vắcxin sẽ góp phần phục hồi ngành du lịch và các hoạt động kinh doanh. Những người tiêm vắcxin và có giấy chứng nhận cũng có thể được phép nhập cảnh mà không cần cách ly, mặc dù họ sẽ phải được theo dõi để đề phòng có bất kỳ vấn đề nào."

Ngày 23/2, Israel cho biết sẽ chuyển số vắcxin dư cho Palestine và một số nước khác sử dụng, trong đó có hai nước vừa công bố kế hoạch dời đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem là Honduras và Cộng hòa Séc.

Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Israel đã nhận được đề nghị của nhiều quốc gia muốn nước này hỗ trợ cung cấp vắcxin ngừa COVID-19.

Tuyên bố cho biết trong tháng vừa qua, Israel dư một số lượng "có giới hạn" vắcxin chưa sử dụng và nước này quyết định sẽ viện trợ cho Chính quyền Palestine và một số quốc gia có nhu cầu.

Hiện chưa rõ số quốc gia được nhận viện trợ vắcxin từ Israel cũng như số lượng vắcxin cụ thể. Tuy nhiên, Cộng hòa Séc mới đây cho biết đã nhận được 5.000 liều vắcxin Moderna từ Israel.

Chính quyền Palestine dự kiến tiêm chủng cho 20% số dân Palestine thông qua cơ chế phân phối vắcxin toàn cầu COVAX, đồng thời hy vọng sẽ mua được thêm vắcxin để đạt mục tiêu chủng ngừa cho 60% số dân.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), để đạt được mục tiêu này, Palestine ước tính cần 55 triệu USD, nhưng hiện ước tính còn thiếu 30 triệu USD.

Trong tháng này, Palestine bắt đầu tiến hành chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 và đã nhận được một số lượng vắcxin do Israel, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tài trợ.

Tuy nhiên, khoảng 32.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 mà Palestine nhận được đến nay quá ít số với số lượng cần thiết để chủng ngừa cho 5,2 triệu người ở Bờ Tây và Dải Gaza./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục