"Thảm họa môi trường Quảng Ninh" và bài học về xử lý chất thải than

Thiên tai qua đi không chỉ để lại những thiệt hại khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn mà còn đặt ra hàng loạt câu hỏi về vấn đề quản lý, khai thác than tại Quảng Ninh.
"Thảm họa môi trường Quảng Ninh" và bài học về xử lý chất thải than ảnh 1Trong đợt mưa lũ lịch sử, công ty than Mông Dương là đơn vị bị thiệt hại nặng nhất trong ngành. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã để lại thiệt hại to lớn về người và của cho tỉnh Quảng Ninh, trong đó riêng thiệt hại của ngành than, theo ước tính của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lên tới 1.200 tỷ đồng.

Đối với ngành than, thiên tai qua đi không chỉ để lại những thiệt hại khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn, mà ​còn đặt ra hàng loạt câu hỏi về vấn đề quản lý khai thác, quản lý rủi ro, tác động môi trường, tác động di sản từ hoạt động khai thác…


Hậu quả vượt khỏi tầm dự phòng

Tại chương trình tọa đàm “Vấn đề quản lý khai thác và rủi ro môi trường nhìn từ sự cố tại mỏ than Quảng Ninh” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức chiều 10/8, tại Hà Nội, ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam, cho biết: Sự cố sạt lở tại các vùng mỏ Quảng Ninh vừa rồi vượt qua những tính toán, dự phòng từ trước, đặc biệt là tần suất và lưu lượng mưa quá lớn đã gây ra thảm họa về mặt môi trường.

Theo ông Bái, việc nhiều "núi" xỉ bị đổ sụp, hồ chứa bị vỡ trong trận lũ lụt vừa qua tại Quảng Ninh cho thấy, những yêu cầu nghiêm ngặt trong xử thải như tính toán sức chứa, đắp kè, trồng cây đã không được TKV thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều thiệt hại về người, tài sản, môi trường sống cũng như thiệt hại của ngành Than trong trận lũ lụt vừa qua, đáng ra có thể hạn chế được.

Dẫn chứng từ sự cố sụt nhà ở khu vực Mông Dương, ông Bái nói: “Tôi đã nhiều lần đến bãi than Mông Dương và thấy rằng, bãi thải khu vực này ở trạng thái nguy hiểm. Nếu chủ đầu tư xây bãi thải đủ cao trình, hoặc tiến hành gia cố, việc sụt lún đã không nghiêm trọng đến thế. Hoặc nếu chính quyền địa phương thấy được nguy hiểm để chủ động di dời những hộ dân quanh khu vực thì hậu quả, thiệt hại về người và tài sản sẽ thấp hơn.”

Nói về mức độ ảnh hưởng của các bãi xỉ than, ông Bái cho biết, khi than bị bóc ra khỏi lớp đất đá, nhiều chất biến đổi, như chất lưu huỳnh sẽ chuyển thành axit. Kim loại nặng trong chất thải có nguy cơ hòa tan vào đất, trong đó có nhiều chất độc hại, như chì, kẽm, mangan, asen, thậm chí một số vùng có thể có phóng xạ.

“Theo đó, dòng nước thải nếu quản lý không đúng, sẽ đi vào môi trường, làm biến đổi không khí, đất, đặc biệt là nước biển, tác động tới thủy sản và sinh vật thủy sinh khác tại Vịnh Hạ Long,” ông Bái nói.

Trong khi đó, ông Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng bày tỏ mối lo về công tác quản lý, khai thác than nằm trong tổng thể quản lý Vịnh Hạ Long, cũng như quản lý môi trường.

Ông Hưng cho rằng vấn đề báo động nhất là công tác xử lý chất thải than. Ví dụ như tại phường Hòa Khánh, thành phố Hạ Long, bãi thải cao đến 300m, từ dưới nhìn lên, xe đổ thải trông như cái bao diêm, nhưng nó hoàn toàn không được gia cố, che chắn. Hay ở khai trường lộ thiên như bãi than Cọc 6, tất cả thải đổ ra cửa sông và từ đó trút thẳng ra Vịnh Hạ Long.

“Khảo sát tại hiện tường, dường như bãi thải hoàn toàn không có quy chuẩn gì, đổ được chỗ nào thì đổ. Vì thế, trận mưa như vừa rồi khiến các bãi thải trên cao sụt lở là không có gì lạ. Đáng lo hơn là, toàn bộ chất thải ngâm trong nước có thể sẽ ngấm vào nước sinh hoạt, cũng như trút xuống toàn bộ Vịnh Hạ Long,” ông Hưng nói thêm.

"Thảm họa môi trường Quảng Ninh" và bài học về xử lý chất thải than ảnh 2Hàng chục công nhân thay phiên nhau đào xới, dọn dẹp những nơi lũ bùn càn quét. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

"TKV vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự cố sạt lở vừa qua, ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam cho rằng, những năm vừa qua, TKV đã tăng mức đầu tư nhất định thực hiện các giải pháp công nghệ nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác than. Tuy nhiên, mức độ đầu tư cũng như các biện pháp thực hiện chưa tương xứng với quy mô, tốc độ khai thác.

“Tôi nghĩ để xảy ra hậu quả vừa rồi, ngành than tại Quảng Ninh vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm,” ông Bái nhấn mạnh.

Ông Bái cũng khẳng định, hậu quả của sự cố sạt lở vừa qua tại Quảng Ninh là rất nặng nề. “Tôi cũng từng ngồi hội đồng và thấy vấn đề quy hoạch chưa tốt. Tại sao vùng đất cao lại không thoát được nước. Có lẽ, những người làm công tác phát triển cần ngồi lại với chuyên gia môi trường, các nhà khoa học và cộng đồng để nhận diện được nguy cơ, cũng như xây dựng kịch bản xảy ra nguy cơ,” ông Bái chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng, về thể chế, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản đều đã có nghị định, thông tư khá đầy đủ, và nếu thực hiện đúng chỉ 1/10 cũng đã là tốt. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý môi trường của Trung ương, cấp ngành và địa phương còn thấp. Thiếu quy hoạch dài hạn, tầm nhìn và thiếu đánh giá đúng mức tác động, đặc biệt không coi trọng cảnh báo thiên tai.

Dẫn chứng từ việc xây dựng các biện pháp xử lý của TKV, ông Hưng cho rằng ngành than vẫn nặng về giải pháp công trình như bờ chống. “Với yêu cầu phải trồng cây xanh, họ trồng loại cỏ vitever chống sạt lở, nhưng nhìn như trồng sả, làm giả vờ, chỉ đối phó."

Ông Hưng cũng cho biết, mặc dù ngành than có quy hoạch mỏ nhưng không có quy hoạch bãi thải. “Dường như họ chỉ tạm khoanh là có bao nhiêu bãi đổ thôi. Lẽ ra, phải làm khung chắn chân bãi thãi, nhưng do tốn kém chi phí nên không làm được khiến môi trường nước bị ô nhiễm nặng, người dân không thể dùng được,” ông Hưng nói.

Trả lời câu hỏi “với những hạn chế trong quản lý, khai thác than ở Quảng Ninh của TKV, hoạt động khai thác bôxit, xử lý môi trường tại Tây Nguyên có đáng lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày diễn biến phức tạp?. Ông Bái nhận định, về mặt khí hậu, Tây Nguyên còn mưa nhiều hơn. Toàn bộ khu vực khai thác bôxit lại nằm ở địa hình cao. Giả sử sự cố xảy ra thì thế năng rất lớn, công phá nhiều nên mức độ thiệt hại còn nghiêm trọng hơn nữa.

“Trong việc này, nếu TKV nhìn thẳng vào sự thực, về năng lực, trách nhiệm của mình, từ đó có biện pháp an toàn, dân sẽ yên tâm hơn. Mặt khác, nếu TKV và Bộ Công thương ngồi lại được để đánh giá tính an toàn thì tốt nhưng có vẻ họ cho rằng hiện đã quá tốt,” ông Bái nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục