Thận trọng với chuyển động mới trong quan hệ Mỹ-Trung

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung vào cuối năm nay có thể trở thành một phép thử quan trọng đối với khả năng của Bắc Kinh và Washington trong việc hạ nhiệt căng thẳng và xây dựng niềm tin song phương.
Thận trọng với chuyển động mới trong quan hệ Mỹ-Trung ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào cuối năm nay. (Ảnh: AFP)

Theo hãng AP/Bloomberg/Asia Times/BBC/Sputnik/TNHK, sau các cuộc đối thoại cấp cao nhằm cải thiện quan hệ song phương tại thành phố Zurich (Thụy Sỹ) giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Công tác Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 6/10, hai bên đã nhất trí về mặt nguyên tắc để các lãnh đạo cấp cao tổ chức một cuộc họp trực tuyến trước cuối năm nay.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đây có thực sự là những biến chuyển mang tính bước ngoặt?

Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của giới chức kể từ sự kiện đầy sóng gió tại Alaska hồi tháng 3/2021, Nhà Trắng cho biết ông Sullivan đã nêu quan ngại về các vấn đề gây tranh cãi như hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhân quyền và lập trường của Bắc Kinh đối với Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan.

Ông Sullivan nói “quan điểm của tôi là cạnh tranh tích cực đòi hỏi ngoại giao tích cực. Do đó, chúng ta cần thêm những cuộc họp như thế này, chứ không được bớt”.

Ông cũng cho biết đã “trao đổi thẳng thắng” với đối tác Trung Quốc về tình hình Eo biển Đài Loan. Ông Sullivan nói: “Chúng tôi coi Đài Loan là một nền kinh tế năng động, một nền dân chủ năng động... một nơi chúng tôi rất chú trọng có được một mối quan hệ sâu rộng và lâu dài trên nhiều chiều hướng.”

Theo đài Sputnik, tại cuộc gặp ở Zurich, Trung Quốc đã đề xuất một lộ trình để “phá băng” quan hệ song phương, bao gồm việc Mỹ theo đuổi một chính sách hợp lý và thực dụng đối với Trung Quốc, hai bên tôn trọng lợi ích của nhau.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung vào cuối năm nay có thể trở thành một phép thử quan trọng đối với khả năng của Bắc Kinh và Washington trong việc hạ nhiệt căng thẳng và xây dựng niềm tin song phương. Khi cuộc gặp kết thúc, cả Bắc Kinh và Washington đều cho biết các cuộc đàm phán kéo dài 6 giờ mang tính xây dựng và chân thành.

Trạng thái ổn định mới?

Những người ủng hộ nhân quyền và các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa ở Mỹ bày tỏ quan ngại về nguy cơ chính quyền của Tổng thống Joe giảm bớt áp lực về nhân quyền khi tìm kiếm sự hợp tác từ Bắc Kinh trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Theo AP, tuần trước, Nhà Trắng tuyên bố không bình luận về Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 7.

Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa Marco Rubio - thuộc bang Florida và là người bảo trợ của luật này - viết trên tờ Washington Examiner: "Chính quyền Biden đang chọn cách phớt lờ những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận về khí hậu."

[Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc lên kế hoạch hội đàm trực tuyến]

Đáp lại, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định Tổng thống Biden, không giống như người tiền nhiệm Donald Trump, "đã lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền, đã trực tiếp nêu lên mối quan ngại về các vi phạm nhân quyền với Chủ tịch Tập Cận Bình và chúng ta đã làm điều đó ở mọi cấp độ."

Những đồn đoán ban đầu cho rằng lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có thể gặp mặt trực tiếp tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Italy trong tháng này, song những tia hy vọng đã dập tắt khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có kế hoạch tới Rome.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh rằng những diễn biến mới không nên được coi là sự hạ nhiệt trong quan hệ, và rằng “những gì chúng tôi đang cố gắng đạt được là một trạng thái ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc ở mức chúng tôi có thể cạnh tranh mạnh mẽ nhưng phải kiểm soát cạnh tranh đó một cách có trách nhiệm.”

Bà Psaki gọi thỏa thuận tiếp tục đối thoại ở cấp cao nhất là một trong những kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp tại Zurich và hai bên đang tiếp tục lên kế hoạch song chưa thể có chi tiết cuối cùng về cuộc họp.

Nhà nghiên cứu về Trung Quốc nổi tiếng tại Nga, quyền Giám đốc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga Aleksey Maslov cũng nhìn nhận cuộc gặp ngày 6/10 tại Thụy Sỹ chưa phải là cuộc gặp “phá băng” trong quan hệ Trung-Mỹ. Lập trường của hai bên vẫn không thay đổi, song ông thừa nhận Trung Quốc và Mỹ đã thay đổi giọng điệu trong cuộc đối thoại.

Ông phân tích: “Các cuộc đàm phán thực sự mang tính xây dựng. Rõ ràng là cả hai bên đều muốn áp dụng một hình thức đối thoại mới, trong khi Mỹ vẫn đưa ra những tuyên bố cáo buộc Trung Quốc. Đây là tình hình ở Hong Kong, Tân Cương và theo Mỹ là cả việc kích động căng thẳng ở Biển Đông. Về phần mình, Trung Quốc - theo phát biểu của ông Dương Khiết Trì - sẵn sàng tiến hành đối thoại về mọi vấn đề, nhưng kiên quyết bác bỏ các cáo buộc liên quan đến nhân quyền. Tức là nhìn chung, lập trường của hai bên vẫn không thay đổi, nhưng giọng điệu đối thoại đã thay đổi.”

Chuyên gia Alexey Maslov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận về việc tổ chức cuộc gặp trực tuyến của lãnh đạo hai nước: “Chúng tôi đã nghe tuyên bố của ông Biden ngay trước thềm cuộc gặp này. Ông đã nói rằng Mỹ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hoặc một thế giới bị chia rẽ thành từng khối. Bằng cách này, ông Biden đã gửi tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc, và ở một mức độ nào đó, lời tuyên bố này đã mang lại kết quả cho cuộc đàm phán. Điều quan trọng cần nhớ là trước cuộc gặp này, cả hai bên đã bác bỏ khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ... Cả hai đã rút khỏi ranh giới đỏ và có thể tiến hành cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Đây là một dấu hiệu tích cực, nhưng cần phải hiểu rằng, các cuộc đàm phán tại Zurich đã diễn ra trong bối cảnh căng thẳng xung quanh Đài Loan đang gia tăng.”

Hai cường quốc, hai động lực

Ông cũng cho rằng rất có thể Mỹ đang có những tính toán riêng, “mềm mỏng” trước cuộc đàm phán, đồng thời đang tạo ra một chuỗi căng thẳng xung quanh Trung Quốc, tức là đang cố gắng chơi trên tất cả các “thế trận,” và “vì vậy còn quá sớm để nói về “phá băng” quan hệ song phương dù những cơ hội rất tốt đang mở ra cho hai bên để tiếp tục đối thoại.

Về Trung Quốc, Bloomberg cho rằng nhà lãnh đạo Tập Cận Bình có rất nhiều lý do cấp bách để sắp xếp một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và giải quyết những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thông báo về khả năng diễn ra một hội nghị trực tuyến trước cuối năm nay được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc phải vật lộn với một loạt thách thức trong nước và hàng loạt cột mốc chính trị quan trọng sắp tới. Bắc Kinh đang phải tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ của tập đoàn bất động sản Evergrande Group chìm trong nợ nần, chuẩn bị tổ chức Thế vận hội, những thách thức từ nguồn cung năng lượng và chỉ số tiêu dùng nội địa giảm.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng thường kỳ 5 năm một lần vào năm tới - thời điểm Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nắm quyền một nhiệm kỳ thứ ba với đầy bước ngoặt - được xem là nguyên nhân hợp lý để Trung Quốc chấm dứt căng thẳng với Mỹ.

Thách thức sẽ rất lớn nếu Trung Quốc bước vào giai đoạn chính trị nhạy cảm này mà không giảm bớt chính sách đối ngoại quyết đoán vốn nhằm để thỏa mãn tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở trong nước.

Hoo Tiang Boon, điều phối viên chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang, nói: “Chắc chắn có những cân nhắc trong nước... Họ khiến cả thế giới yên tâm rằng cả hai bên đang trao đổi ở cấp độ cao nhất. Tuy nhiên ở trong nước - dù Tập Cận Bình không muốn tỏ ra yếu thế - những điều này cũng sẽ chẳng giúp được gì nếu mối quan hệ với Mỹ đi chệch hướng.”

Ông cho rằng cũng có nguy cơ cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến bị hủy bởi việc đó sẽ dễ hơn nhiều so với một cuộc gặp trực tiếp.

Một số người tỏ ra thận trọng trước những quan điểm cho rằng cuộc gặp là một sự chuyển hướng đáng kể. Bonnie Glaser - Giám đốc chương trình châu Á của Quỹ Marshall Đức - cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc thực chất chỉ đồng ý về cuộc gặp sắp tới để thể hiện vị thế của mình. Bà nói: “Từ quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Mỹ đã phản hồi một số đòi hỏi nhất định, chứng tỏ Mỹ cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Mỹ...

Mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên tồi tệ hơn sẽ không có lợi cho ông Tập Cận Bình, song tôi chưa thấy Trung Quốc đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào.”

Hồ Tích Tiến, Tổng Biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, nhấn mạnh rằng Chủ tịch Tập Cận Bình cần cân bằng các mối quan hệ địa chính trị với kỳ vọng của dư luận trong nước, và Biden cũng đối diện với những đòi hỏi tương tự. Ông bình luận trên Twitter: “Nhìn vào tâm lý bài Trung mạnh mẽ tại Mỹ, không gian để điều chỉnh chính sách về Trung Quốc khá là hạn hẹp.”

Rủi ro tiềm tàng

Thực tế, không phải ai cũng có cái nhìn lạc quan về các diễn biến mới trong quan hệ Mỹ-Trung. Một bài viết trên tờ Asia Times mới đây thậm chí còn so sánh những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm giao thiệp với Bắc Kinh là “thảm họa.”

Nhiều nhà bình luận tại Trung Quốc miêu tả thực trạng quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là bế tắc, cho rằng Tổng thống Biden đã áp dụng chính sách không đối đầu hơn hay hợp tác hơn so với thời người tiền nhiệm ông Donald Trump, trong khi vẫn duy trì trọng tâm cạnh tranh. Cách tiếp cận của ông Biden là giải quyết các vấn đề khác nhau với Trung Quốc một cách riêng biệt, nói đơn giản là "phân chia từng phần."

Việc theo đuổi cạnh tranh, hợp tác và đối đầu với Bắc Kinh được tiến hành song song. Cách tiếp cận này về cơ bản mâu thuẫn với quan điểm của Trung Quốc rằng các cuộc thảo luận nên được kết nối với nhau trong một tổng thể nhất định.

Bài viết nhấn mạnh: “Nếu không giải quyết được xung đột cơ bản này, mong muốn của Washington về một mối quan hệ dựa trên cạnh tranh có trách nhiệm có thể không bao giờ thành hình.”

Người Trung Quốc nhìn nhận bản chất cạnh tranh của mối quan hệ song phương này không chỉ rất tiêu cực, mà còn cho rằng hai bên sẽ tìm mọi cách để chiếm ưu thế trong các vấn đề song phương. Điều đó cũng có nghĩa là Bắc Kinh coi mọi hợp tác với chính quyền Biden đều chỉ là “ưu đãi” và không phải là “đầu tư sinh lời.”

Cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể buộc đối phương phải chấp nhận cách tiếp cận của mình. Bởi vậy, bế tắc sẽ vẫn hoàn bế tắc. Nếu Trung Quốc không sẵn lòng hợp tác, Mỹ có thể sẽ phải từ bỏ cách tiếp cận mà họ theo đuổi, vô hình chung đẩy cạnh tranh và đối đầu lên phía trước, và đó khó có thể là cuộc cạnh tranh lành mạnh và có trách nhiệm mà người ta nói đến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục