Tháng ATGT: Thay vì phạt "ngọn" sẽ vun đắp "gốc"

Tháng an toàn giao thông nhằm tạo thói quen ứng xử văn hóa, đúng pháp luật và ý thức tự giác tuân thủ trật tự an toàn giao thông.
Tháng Chín hàng năm được chọn là Tháng an toàn giao thông nhằm tạo thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống, biểu hiện văn minh, hiện đại của con người khi tham gia giao thông.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Trần Sơn, Phó Trưởng Phòng hướng dẫn Luật và Tuyên truyền, Cục cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt xung quanh chủ đề này.

- Theo ông văn hoá giao thông được hiểu như thế nào?

Thượng tá
Trần Sơn: Chúng tôi xác định Văn hóa giao thông được hiểu trên ba tiêu chí: Người tham gia giao thông có văn hoá là tự giác chấp hành pháp luật, nguyên tắc giao thông; biết nhường nhịn nhau, chia sẻ, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi trong khi tham gia giao thông; người thực thi và tham gia giao thông phải có ứng xử văn hóa.

- Tại sao Tháng an toàn giao thông lại tập trung vào chủ đề văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng"?

Thượng tá Trần Sơn: Tháng Chín hàng năm số lượng học sinh sinh viên trở lại nhập học với khoảng 25 triệu người, đây là số lượng đông khi tham gia giao thông. Hơn nữa, lứa tuổi này hiếu động thiếu hiểu biết nên dễ dàng hoặc cố ý vi phạm luật giao thông, chưa lường trước được hậu quả gây ra.

Hiện tại có một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên chưa tự giác chấp hành an toàn giao thông. Để hạn chế, chúng ta cần phải tuyên truyền liên tục sâu rộng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” cao hơn nữa là vận động đối tượng thanh thiếu niên hình thành thói quen tôn trọng, có văn hóa giao thông khi tham gia trên đường xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật và giao thông.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp với các tỉnh, thành tuyên truyền luật, ý thức chấp hành, văn hóa đi đường và phát các tờ rơi cùng với những khẩu hiệu như không uống rượu bia khi điều khiển xe máy, đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô...đến người dân và đặc biệt chú trọng tới đối tượng thanh thiếu niên.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục đào tạo cũng là thành viên của Tháng an toàn giao thông, các trường có tuyên truyền phổ biến đặc biệt là chế tài xử phạt luật giao thông, giáo dục cho học sinh mầm non, tiểu học nhận thức được sự cần thiết phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, bổ trợ kiến thức thông qua các cuộc thi tìm hiểu giao thông qua tranh ảnh để trẻ em có sự nhận thức rõ hơn.

Tất cả các cấp học đưa chương trình pháp luật an toàn giao thông vào chính khóa gắn việc học đi đối với hành, gắn môi trường ứng xử với giao thông. Để từ đó, thanh thiếu niên sẽ nắm được và tự giác chấp hành.

Bây giờ chúng ta đang xử phạt người lớn mà vấn đề là phải làm từ “gốc” để thế hệ sau này ý thức được việc xây dựng văn hóa tham gia giao thông.

- So với các năm trước chủ đề năm nay có gì khác biệt?

Thượng tá Trần Sơn: Các năm trước chủ đề thường mang tính chung chung là “Văn hóa giao thông” nhưng năm nay chủ đề tập trung vào một đối tượng cụ thể là thanh thiếu niên vì đây là thế hệ tương lai và cũng là chủ nhân của đất nước. Hơn nữa việc tuyên truyền đối với đối tượng này còn tác động đến bộ phận lớn là các bậc cha mẹ phụ huynh và nhà trường, những người nuôi dưỡng và giáo dục thanh thiếu niên nhận thức về hành vi của mình.

- Ý thức người tham gia giao thông xuất phát từ pháp luật. Người ta sợ xử phạt, thì đó là ý thức. Theo ông chế tài và quy định xử phạt giao thông hiện nay ở nước ta như thế nào?

Thượng tá Trần Sơn: Hiện nay, chế tài xử phạt ở nước ta tương đối nghiêm khắc, đặc biệt khi Nghị định 34 CP đi vào thực thi thì tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến, đặc biệt là ý thức tham gia giao thông của người dân đã được nâng cao.

- Văn hóa giao thông chỉ là một phần nhỏ của văn hóa con người, mà cụ thể là văn hóa ứng xử, giao tiếp. Với cá nhân ông thì văn hóa ứng xử giao thông của người dân Việt Nam đã thay đổi nhiều chưa?

Thượng tá Trần Sơn: Ứng xử của mỗi người xuất phát từ điều kiện kinh tế, xã hội. Khi cuộc sống khó khăn thì người dân vẫn chưa quan tâm đến văn hóa ứng xử.

Muốn xây dựng văn hóa giao thông, đòi hỏi phải đồng bộ, gắn kết với việc triển khai hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như hệ thống văn bản pháp luật, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phương tiện và cách thức tổ chức giao thông. Tuy nhiên, với tư cách là chủ thể, người tham gia giao thông vẫn là yếu tố đóng vai trò quyết định và bao trùm.

Tại Việt Nam, thói quen của người dân khi tham gia đã ăn sâu vào gốc rễ từ nhiều năm nay. Quản lý Nhà nước về trật tự giao thông còn nhiều thiếu sót và khuyết điểm, ý thức người tham gia giao thông quá thấp suy cho cùng cũng bắt nguồn từ công tác quản lý.

Ở các quốc gia đã phát triển tới trình độ cao, văn hóa trong tham gia giao thông trở thành một thói quen, trở thành sự đương nhiên. Ai làm trái với cái đương nhiên ấy, sẽ trở nên lạc lõng giữa cộng đồng, ngượng ngùng với bản thân. Còn ở các đô thị nước ta, thói quen ấy thực sự còn chưa bắt đầu.

- Theo các chuyên gia thì nguyên nhân chính của các vụ va chạm, ùn tắc là do ý thức của người tham gia giao thông, mà chủ yếu là do tâm lý tranh giành, không ai nhường nhịn ai. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Thượng tá Trần Sơn: Văn minh đô thị hiện đang bị xuống cấp, thay vì chửi bậy và đánh nhau, tại sao người ta không nói một lời xin lỗi, hỏi han, đôi khi chỉ một lời như vậy có thể hóa giải những vấn đề rất phức tạp.

Một bộ phận người tham gia giao thông có suy nghĩ phải vượt qua điểm ùn tắc bằng mọi cách, bất chấp các quy định của luật lệ giao thông, thậm chí coi thường sự an toàn của người khác. Đây chính là hậu quả của tâm lý ích kỷ ở mỗi cá nhân.

- Xin cảm ơn ông./.


Mạnh Hùng - Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục