Nghề mộc là một trong những niềm tự hào của người dân làng Đông Thượng (xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Đây là nơi sản xuất ra nhiều đồ gỗ đẹp và uy tín trên thị trường.
Đến với làng Đông Thượng, du khách có thể nghe những tiếng đục, đẽo, tiếng bào gỗ suốt cả ngày. Mộc là nghề thủ công truyền thống được người dân Đông Thượng gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, làng có khoảng 40 thợ chính và hơn 120 lao động làm việc thường xuyên tại các xưởng mộc.
[Chiêm ngưỡng những bức tượng chân dung cổ quái và kỳ lạ từ gốc tre]
Một trong những công trình thể hiện sự tài hoa của người thợ mộc Đông Thượng chính là ngôi đình làng. Đình được được làm chủ yếu bằng vật liệu gỗ. Những nghệ nhân, người thợ lành nghề nhất của Đông Thượng đã tạo nên những chi tiết khắc, trổ tinh tế.
Nhờ có nghề mộc, đời sống của nhân dân trong làng được cải thiện hơn. Hiện nay, người dân Đông Thượng đã đưa máy móc vào các xưởng mộc để giảm bớt thời gian và công sức lao động. Cũng nhờ thế, sản phẩm của làng ngày càng đa dạng hơn.
Bên cạnh các sản phẩm phố biến (giường, tủ, bàn, ghế...), một số gia đình (như gia đình nghệ nhân Bùi Thế Tuấn) tập trung sản xuất những sản phẩm khác biệt như tượng gỗ, đồng hồ cách điệu, kệ để đồ nghệ thuật...
Điểm đặc biệt nhất của những sản phẩm này là được chế tác từ rễ cây và được làm hoàn toàn một cách thủ công. Nghệ nhân không sử dụng máy móc ở bất cứ khâu nào trong quá trình chế tác.
Theo nghệ nhân Bùi Thế Tuấn, khâu khó nhất trong quá trình chế tác ra một sản phẩm như vậy là khâu thăm dò chất liệu gỗ, có những loại gỗ quá cứng, có những loại lại quá mềm, có loại nhìn bên ngoài có vẻ đặc nhưng bên trong lại rỗng.
Nghề mộc không chỉ mang lại thu nhập mà còn tạo ra một giai điệu cho cuộc sống của người dân nơi đây./.