Sau khi nhà xe Thành Bưởi dừng hoạt động từ ngày 29/10, lượng hành khách đi lại qua các bến xe khách liên tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhẹ. Các bến xe đều đảm bảo đủ xe phục vụ hành khách, kể cả các tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ.
Tại Bến xe miền Đông mới (thành phố Thủ Đức), giai đoạn từ 15/9 đến 31/10/2023 (trước khi nhà xe Thành Bưởi ngừng hoạt động), mỗi ngày bến xe có hơn 170 chuyến xuất bến với khoảng 2.430 hành khách.
Tuy nhiên, giai đoạn từ 1/11 đến nay (sau khi nhà xe Thành Bưởi ngừng hoạt động và thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát, xử lý của cơ quan chức năng), trung bình bến xe có hơn 200 chuyến xe với hơn 3.000 hành khách xuất bến mỗi ngày.
Dù lượt xe và khách xuất bến tại Bến xe miền Đông mới tăng trong giai đoạn gần đây, nhưng so với giai đoạn trước khi di dời từ Bến xe miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh), con số này hiện mới đạt hơn 40% về chuyến hoạt động và gần 50% lượt khách. Năng lực phục vụ, vận chuyển hành khách tại bến xe mới vẫn còn rất lớn.
Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông mới cho biết, các doanh nghiệp vận tải trong bến hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu hành khách cho tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi Lâm Đồng cũng như đi các địa phương khác. Riêng với tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Lạt, hầu như các bến xe liên tỉnh ở Thành phố Hồ Chí Minh đều có doanh nghiệp khai thác, nên không lo thiếu xe.
Trong khi đó, Bến xe miền Tây (quận Bình Tân) vẫn đảm bảo phục vụ hành khách tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tuyến Cần Thơ. Ghi nhận trong những ngày gần đây, hành khách đi tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ của một số doanh nghiệp trong bến tăng so với trước đây.
Ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe miền Tây cho biết, trước đây, nhà xe Thành Bưởi thường khai thác 30-35 tài xế với khoảng 1.000 hành khách mỗi ngày trên tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ. Đây không phải con số quá lớn. Các nhà xe khác đang khai thác tuyến này đủ khả năng đảm bảo phục vụ người dân, nên không ảnh hưởng đến hoạt động chung.
Ngoài chặng về các tỉnh miền Tây Nam bộ, Bến xe miền Tây có một số nhà xe cũng khai thác tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Lạt. Ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân cho biết, những ngày qua, lượng hành khách tuyến đi Đà Lạt tại bến xe tăng nhẹ. Ngoài ra, một số nhà xe lớn như Phương Trang, Hùng Cường… từ trước tới nay vẫn đăng ký xe trung chuyển, nên cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách đi lại qua bến.
Đại diện các bến xe liên tỉnh đều khẳng định, việc nhà xe Thành Bưởi dừng hoạt động sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch phục vụ hành khách hiện nay cũng giai đoạn cao điểm sắp tới như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024. “Sẽ không lo chuyện thiếu xe. Năng lực khai thác tuyến của các doanh nghiệp trong Bến xe miền Tây đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu cho hành khách,” ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân chia sẻ.
Nhà xe Thành Bưởi (Công ty TNHH Thành Bưởi) ngưng hoạt động vận tải hành khách từ ngày 29/10. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà xe này thường khai thác chặng Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt, Cần Thơ và ngược lại. Để đảm bảo hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến này, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc cùng các bến xe và có phương án đảm nhận khai thác, tăng cường phương tiện.
Cụ thể, Bến xe miền Đông mới có phương án tăng cường 100 phương tiện đảm nhận trên tuyến Bến xe miền Đông mới-Đà Lạt. Bến xe miền Tây và các đơn vị khai thác cũng đảm bảo đáp ứng toàn bộ nhu cầu của người dân từ Bến xe miền Tây đi Cần Thơ.
Mỗi ngày, hệ thống xe buýt thành phố sẽ thực hiện khoảng 7.000 chuyến xe, hoạt động từ 4 giờ đến 21 giờ với tần suất từ 4-15 phút/chuyến để phục vụ hành khách di chuyển đến các bến xe liên tỉnh.
Thời gian qua, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến các bến xe liên tỉnh. Tổng Công ty Samco cũng đã bố trí 40 xe trung chuyển hành khách miễn phí đến Bến xe miền Đông mới (dịch vụ trung chuyển miễn phí của Công ty Phương Trang hỗ trợ).
TP.HCM: Nhà xe Thành Bưởi sẽ bị tước giấy phép vận tải từ 1-3 tháng
Phó Giám đốc Ban Bến xe miền Đông mới Nguyễn Lâm Hải cho biết, hiện có rất nhiều tuyến xe buýt kết nối với bến xe mới nên khá thuận tiện cho hành khách. Trong khi đó, các xe trung chuyển miễn phí cũng được triển khai từ cuối năm 2022, nhờ đó việc tổ chức hoạt động trung chuyển hành khách từ trung tâm Thành phố đến các bến xe và ngược lại được đảm bảo.
Thống kê cho thấy, sản lượng trung chuyển hành khách miễn phí tại Bến xe miền Đông mới trong 10 tháng năm 2023 đạt 341.000 hành khách với 66.041 chuyến (trung bình hơn 1.130 khách/ngày). C
hỉ tính riêng từ đầu tháng 11/2023 đến nay, lượng khách đi lại qua xe trung chuyển miễn phí tăng cao. Trong 15 ngày vừa qua, đã có 25.000 lượt khách đi xe trung chuyển (trung bình hơn 1.600 lượt/ngày), trong đó khách đi chuyển đến bến khoảng 5.500 người và trả khách từ bến xe khoảng 19.450 người.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nhu cầu đi lại của người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, Đà Lạt và ngược lại đang trong giai đoạn bình thường, không phải thời gian cao điểm. Sở cùng các bến xe liên tỉnh, các đơn vị vận tải sẵn sàng các phương án cụ thể nhằm tăng cường phương tiện hoạt động trong các trường hợp phát sinh.
Tính đến tháng 10/2023, thành phố đang quản lý 248.779 phương tiện của 5.397 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Sản lượng hành khách tuyến cố định 10 tháng năm 2023 đạt 16,4 triệu hành khách (tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2022).
Sau vụ việc nhà xe Thành Bưởi bị kiểm tra và phát hiện hàng loạt vi phạm, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, giám sát cũng như rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo quy định.
Trong đó, các doanh nghiệp cần lưu ý có nơi đỗ xe theo quy định; người có trình độ chuyên môn về vận tải là người có chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải trở lên; xây dựng và thực hiện các nội dung của quy trình đảm bảo an toàn giao thông… Cùng với đó, các đơn vị tăng cường rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy, thiết bị, phần mềm; quản lý điều hành…
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, sau vụ việc Thành Bưởi, Sở Giao thông Vận tải dự kiến sẽ tổ chức hội nghị để các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký cam kết và theo dõi sát sao; đồng thời thành lập bộ phận để lọc dữ liệu; lên kế hoạch kiểm tra, thậm chí kiểm tra đột xuất./.