Dù đang là thời điểm giáp Tết nhưng giá thanh long tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang thấp hơn nhiều so với các vụ cận Tết trước đó.
Điều này đang khiến người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh thấp thỏm lo lắng.
Xuyên Mộc là huyện có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với khoảng 400ha thanh long.
[Giá trị xuất khẩu rau quả cả năm 2020 đạt 3,26 tỷ USD, giảm 13%]
Ngoài vụ chính ra trái tự nhiên vào mùa mưa, nông dân còn thực hiện phương pháp chong đèn để thanh long ra trái nghịch vụ cho giá cao.
Song, thực tế, với mức giá có những nơi chỉ từ 10.000-12.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ và từ 5.000-7.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng, các nhà vườn đang đối mặt với thua lỗ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Quang ở ấp Trang Nghiêm, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc có hơn 1.200 gốc thanh long. Để chuẩn bị cho phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, ông Quang đã xử lý cho hoa ra trái vụ, với 300 trụ thanh long ruột đỏ. Dự kiến năng suất sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, "dù đã bước sang đầu tháng Chạp, nhưng không khí giao dịch, mua bán vẫn rất trầm lắng. Thường lệ, dịp này là thương lái đã đổ xô tới các nhà vườn để xem xét và đặt vấn đề thu mua, bao tiêu sản phẩm để kịp phục vụ thị trường Tết," ông Quang chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Bảy ở ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc đang trồng khoảng 2.000m2, với khoảng 1.500 trụ thanh long có tuổi đời từ 2-10 năm; trong đó, có khoảng 300 trụ đang được xử lý cho vụ Tết. Dự kiến, nhà vườn của ông sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn thanh long các loại.
Ông Bảy cho hay những năm trước, đến thời điểm này, thị trường thanh long đã bắt đầu sôi động, giá cả cũng tăng lên ít nhất từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Năm nay, giá thanh long trong tháng qua liên tục lên xuống. Cuối tháng 12, ông còn khấn khởi khi bán được giá thanh long ruột đỏ ở mức 15.000 -17.000 đồng/kg, ruột trắng 11.000 đồng/kg, hiện giá đã giảm xuống còn 7.000 đồng/kg thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ chỉ còn 13.000 đồng/kg.
Theo ông Bảy, thanh long trồng nghịch vụ dễ bị sâu bệnh tấn công nên đòi hỏi công chăm sóc, thuốc men nhiều hơn chính vụ. Ngoài ra, để xử lý nghịch vụ với phương pháp chong đèn phải mất trung bình khoảng 10 tiếng/đêm, do đó chi phí sẽ tăng lên 5-10%. Chưa kể tiền nước tưới cho thanh long trong thời gian này.
“Chi phí trồng thanh long lớn, trong khi giá cả liên tục giảm, tôi ước tính với với mức giá hiện nay này, vụ Tết này gia đình tôi sẽ lỗ khoảng 5- 7 triệu đồng,” ông Bảy chia sẻ.
Theo một số thương lái đang thu mua thanh long tại huyện Xuyên Mộc, hiện thanh long trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu tiêu thụ thị trường Trung Quốc. Thời điểm nay các năm trước, hầu như thương lái đã hoàn thành 70 % việc giao dịch, đặt cọc thanh long vụ Tết cho các nhà vườn.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thanh long tiêu thụ chậm nên hiện hầu hết kho trữ lạnh của các cơ sở thu mua thanh long đã không còn sức chứa. Thương lái không mạo hiểm đặt vấn đề thu mua với người nông dân cho đến khi nguồn hàng tồn kho được giải quyết./.