Tại Bình Định, chương trình khởi nghiệp được triển khai rất đa dạng, phong phú, nhất là trong giới trẻ. Điển hình là Nguyễn Xuân Hiển trên đảo Cù Lao Xanh với sáng tạo nghề nuôi mực “độc nhất vô nhị.”
Từ việc “rộng” mực để dành mang cho người yêu ăn, Hiển đã tạo ra một nghề mới, nuôi mực bằng lồng. Trước Hiển, chưa từng có ai nghĩ tới việc sẽ nuôi được mực.
Cù Lao Xanh, tên hành chính là xã đảo Nhơn Châu, thuộc thành phố Quy Nhơn (Bình Định) là một trong những hòn đảo tiền tiêu gần bờ có diện tích khá lớn, nằm án ngữ giữa 2 vịnh lớn của miền Trung.
Một bên là vịnh Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) và bên kia là vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên).
Nhơn Câu cách thành phố Quy Nhơn hơn 12 hải lý, nhưng cách bờ biển Phú Yên gần nhất chỉ 3,5 hải lý. Trong quá trình lịch sử, Nhơn Châu từng nhiều lần được tách, nhập cho 2 địa phương là phủ Phú Yên và phủ Quy Nhơn quản lý.
Đảo Nhơn Châu có phong cảnh đẹp, đủ nước ngọt cho người dân sinh sống quanh năm. Tại đây, có ngọn hải đăng Cù Lao Xanh được xây dựng từ năm 1890, dẫn đường cho tàu thuyền ngư dân đánh cá sinh sống bao đời ở cả 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên.
[Việt Nam đang đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu thủy sản]
Hai năm trở lại đây, Cù Lao Xanh, đã nổi lên loại hình du lịch trải nghiệm mới là câu mực. Du khách đến xã đảo này có thể trải nghiệm câu mực trong bè nuôi hoặc bắt mực từ biển lên để thưởng thức.
Điều này hấp dẫn khách từ đất liền ra với xã đảo Nhơn Châu ngày một đông, nhất là những dịp cuối tuần. Và người khởi xướng nghề nuôi mực chính là Nguyễn Xuân Hiển, thanh niên “9X đời đầu” của đảo.
Nguyễn Xuân Hiển kể, mấy năm trước, vì thường phải để dành mực sống mang ra cho người yêu học tập tại thành phố Đà Nẵng nên anh thường lấy mực sống “rộng” trên biển.
Sau nhiều lần như thế, Hiển nhận ra mực sinh sống, phát triển bình thường trong lưới. Vậy là Hiển nảy sinh ý định nuôi mực thay vì nuôi cá mú, cá bóp, ốc hương, tôm hùm…
Nghĩ là làm, Hiển cùng bố dùng thuyền thúng đi bắt từng con mực nhỏ, mực con bám ở các dây neo đóng rêu xanh về nuôi thử nghiệm.
Lúc đầu, anh chỉ bắt khoảng vài chục con mực con bằng đốt ngón tay út về bỏ vào bè nuôi. Giống mực đánh bắt tự nhiên mang về nuôi trong bè đã ăn mồi và sinh trưởng khỏe mạnh.
Sau 6 tháng nuôi thử nghiệm, cha con Hiển nhân rộng thành 6 lồng bè. Mỗi lứa mực nuôi khoảng 80-90 ngày, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Lúc đầu, hai cha con chỉ nghĩ tới đâu, làm tới đó, vừa nuôi vừa quan sát, nghiên cứu tập tính của loài mực. Họ đi chặt lá cây về bỏ trên mặt biển làm chà, cách bờ khoảng 200-300 m để dẫn dụ mực giống trú ngụ. Sau đó, họ dùng lưới vây để bắt những con mực nhỏ về làm giống thả nuôi trong bè. Mồi ăn của mực là các loại cá nhỏ, ăn vào sáng sớm và chiều tối, đặc biệt vệ sinh lồng bè luôn được quan tâm hàng đầu.
Trong thời gian nuôi phải thường xuyên theo dõi, thường xuyên lặn xuống dưới lồng để tránh trường hợp mực cắn nhau chết gây mất vệ sinh trong lồng, đồng thời phải phân loại mực lớn nhỏ ra mà nuôi, không thể nuôi mực lớn nhỏ chung với nhau được - Hiển chia sẻ.
Thấy cha con anh Hiển đầu tư lồng bè nuôi mực, dân đảo cho rằng họ đem tiền đổ xuống biển. Tuy nhiên, sau những vụ mùa nhà anh Hiển thành công, mực sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân bắt đầu đóng bè, học tập cách nuôi.
Cha con anh Hiển cũng tích cực truyền lại kinh nghiệm cho người dân xung quanh nên từ giữa năm 2018, nghề nuôi mực ở đây phát triển mạnh. Hiện toàn xã có khoảng 20 hộ nuôi mực với cả trăm lồng bè.
Với thời gian nuôi chỉ từ 80- 90 ngày, theo tính toán, giá mực phục vụ cho khách du lịch giá 350.000-500.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khá cao và ổn định.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nhơn Châu Phan Văn Binh nhận xét, nuôi mực trong lồng bè đã giúp cho xã đảo có thêm một nghề mới, nhiều ngư dân đã tham gia nghề này và mang lại thu nhập ổn định. Đây là mô hình có thể nhân rộng hơn nữa.
Toàn bộ số mực nuôi ở đảo Nhơn Châu được các nhà nghỉ, quán ăn trên đảo bao tiêu với giá cao. Một số công ty du lịch cũng đưa ra ý tưởng về tour câu mực trên biển với giá 500.000 đồng/kg mực câu được.
Một số hộ dân đảo này đang tính toán để liên kết, tạo chuỗi bè nuôi mực phục vụ riêng cho khách du lịch. Trước đây, thanh niên cứ rời đảo đi làm ăn xa. Nghề mới, thu nhập tốt, đầu ra ổn định sẽ níu chân thanh niên ở lại đảo phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Bá Quyền, một hướng dẫn viên du lịch từ Quy Nhơn, thường xuyên đưa khách ra xã đảo Nhơn Châu câu mực kể, du khách thường rất phấn khích với tour du lịch câu mực này.
Mực được chính tay họ câu lên, mang vào chế biến ngay thì có vị ngọt và đậm đà hương vị biển hơn rất nhiều so với những loại hải sản được đưa lên bờ thời gian lâu mà họ vẫn thường dùng. Mỗi ngày, du khách ra đảo Nhơn Châu một nhiều hơn./.