Việt Nam đang đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu thủy sản

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu thủy sản (sau Na Uy, Trung Quốc và Nga), đứng số 1 Đông Nam Á và số 2 châu Á.
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu thủy sản (sau Na Uy, Trung Quốc và Nga), đứng số 1 Đông Nam Á và số 2 châu Á.

Tại buổi gặp mặt báo chí kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4/1959-1/4/2019), chiều 15/3, do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, ông Luân cho biết hiện sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 nước trên thế giới.

Năm 2019, ngành thủy sản đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, tăng trên 11%; tốc độ tăng giá trị sản xuất tăng 4,25% so với năm 2018.

Để đạt được mục tiêu này, ngành thủy sản xác định tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh tổ chức sản xuất liên kết ngang và dọc theo chuỗi giá trị; tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025" và Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm đến 2025.

Nói về quá trình phát triển của ngành thủy sản, ông Trần Đình Luân cho biết trải qua chặng đường 60 phát triển, ngành thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc. Cụ thể, năm 1986, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 840.000 tấn; trong đó khai thác thủy sản đạt gần 600.000 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 240.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD.

[Mở thị trường xuất khẩu thủy sản: Nhiều dư địa tăng trưởng]

Giai đoạn 1986-1995 chứng kiến những bước đi mạnh mẽ, phát triển toàn diện ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc đưa tàu thuyền đi khai thác ở vùng khơi và xây dựng cơ sở hậu cần trên đảo tạo điều kiện cho ngành khai thác phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản trong dân tiếp tục phát triển, phương thức nuôi, đối tượng nuôi đa dạng hơn cho hiệu quả kinh tế cao. Việc nuôi tôm sú ở Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh.

Đồng thời, ngành chế biến thủy sản đã hướng tới đa dạng hóa và nâng cao chất lượng mặt hàng xuất khẩu giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam được nhập khẩu vào các nước tiên tiến. Nhờ đó, đến năm 1995, tổng sản lượng thủy sản đạt 1,34 triệu tấn; trong đó khai thác 928.800 tấn, nuôi trồng 415.300 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 550 triệu USD.

Đến nay, ngành thủy sản tiếp tục có sự tăng trưởng đều đặn. Sản lượng thủy sản năm 2018 đạt hơn 7,4 triệu tấn, gấp 5,6 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 3,89 triệu tấn, gấp gần 4 lần so với năm 1995.

Việt Nam đang đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu thủy sản ảnh 1Thu hoạch cá tra. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên hơn 54% năm 2018.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành này năm 2018 đạt trên 9 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.

Ông Trần Đình Luân thông tin thêm sắp tới, ngành thủy sản sẽ tổ chức nhiều hoạt động tại Hà Nội và Quảng Ninh nhằm kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành thủy sản.

Cụ thể, các hoạt động diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh từ ngày 30/3 đến ngày 1/4 gồm: Hội chợ-triển lãm về ngành thủy sản; Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Vịnh Bắc Bộ; Hội thảo khoa học đánh giá 15 năm thi hành Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc.

Tại Hà Nội ngày 29/3, Tổng cục Thủy sản sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành thủy sản.

Các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh và tri ân các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong ngành thủy sản; giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủy sản, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục